Nàng cung nữ cả đời không tắm, sống được hoàng cung kính nể, chết được hoàng đế để tang
- 08:18 23-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tô Ma Lạt tên thật là Tô Mạt Nhi hay Tô Mạt Nhĩ, theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là "cái túi làm bằng lông thú". Bà là người tộc Mông Cổ, sinh ra tại một gia đình du mục nghèo ở thảo nguyên Khoa Nhĩ Thấm vào những năm 1612. Đến cuối thời vua Thuận Trị, đầu thời Khang Hy, bà mới đổi sang tên Mãn Thanh là Tô Ma Lạt với ý nghĩa là "túi tiền vừa".
Tô Ma Lạt sinh ra đã rất xinh đẹp và thông minh. Bà được quản gia phủ bối lặc Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Bố lựa chọn làm thị nữ theo hầu Nhị cách cách Mộc Bố Thái (Hiếu Trang Thái hậu sau này).
Với sự thông minh vốn có, chỉ vài tháng bà đã thông thạo cả tiếng Mãn và tiếng Hán. Bà còn có tài viết chữ Mãn đẹp như bản mẫu. Nhờ vậy mà Hiếu Trang Thái hậu đã tin tưởng giao phó việc dạy chữ của cháu nội Khang Hy cho Tô Ma Lạt.
Tô Ma Lạt là cô gái được trời phú rất nhiều khả năng thiên bẩm. Bà còn được biết đến bởi tài may vá vô cùng khéo léo. Thậm chí các bộ lễ phục sau này của hoàng thất nhà Thanh đều làm dựa trên hình mẫu và thiết kế gốc của Tô Ma Lạt.
Tô Ma Lạt sinh ra đã rất xinh đẹp và thông minh. Ảnh minh hoạ. |
Dù về vai vế là chủ - tớ song Hiếu Trang Thái hậu luôn coi Tô Ma Lạt như người chị em ruột. Mối tâm giao giữa họ kéo dài suốt 60 năm liền. Trong cả quãng thời gian dài đó, hai người họ chưa từng rời nhau nửa bước. Tình cảm của họ đã vượt xa thứ tình cảm chủ tớ thông thường. Ngày vua Hoàng Thái Cực băng hà, thương Hiếu Trang Thái hậu phải ở goá khi chỉ mới 31 tuổi, Tô Ma Lạt đã quyết cả đời không lấy chồng, ở lại cung hầu hạ chủ nhân.
Không chỉ có vị trí đặc biệt trong lòng Hiếu Trang Thái hậu, bà còn được cả hoàng cung kính nể với những cách xưng hô rất đặc biệt. Hiếu Trang Thái hậu gọi Tô Ma Lạt là cách cách, danh xưng vốn chỉ dành cho những cô gái có địa vị cao trong hoàng thất.
Khang Hy hoàng đế thậm chí còn gọi bà là "ngạch nương" (có nghĩa là mẹ theo tiếng Mãn). Các hoàng tử công chúa của Khang Hy thì gọi bà là bà nội.
Dẫu được cả hoàng cung kính nể nhưng chưa bao giờ bà tỏ ý kiêu ngạo hay tham quyền. Hiếu Trang Thái hậu từng ngỏ ý muốn thăng cấp cho Tô Ma Lạt song bà chỉ có mong muốn làm cung nữ hầu hạ Thái hậu.
Sự kiện có thể nói là lớn nhất trong đời Tô Ma Lạt là khi Hiếu Trang Thái Hoàng thái hậu qua đời năm Khang Hy thứ 26 (1687). Sự ra đi của người chủ bà đã gắn bó 60 năm khiến Tô Ma Lạt đau buồn đến đổ bệnh.
Khang Hy ngày ấy đã không theo những phép tắc thường trong cung, giao thập nhị a ca Dận Đào - con trai của Định phi cho Tô Ma Lạt nuôi nấng. Chính đứa trẻ này đã giúp Tô Ma Lạt lấy lại được sự sống, dành trọn mọi sức lực để chăm sóc hoàng tử mới lên 3 này.
Chân dung Tô Ma Lạt. |
Tô Ma Lạt có những điều khiến ai nấy không khỏi tò mò, thắc mắc. Hưởng thọ tới 90 tuổi, song cả cuộc đời bà chưa bao giờ dùng đến một loại thuốc, dù là khi bệnh nặng. Bà còn không bao giờ tắm rửa, cả năm chỉ có 1 lần người ta thấy bà dùng một ít nước để vệ sinh thân thể rồi lại uống hết chỗ nước bẩn ấy.
Đứa trẻ 3 tuổi ngày nào dưới sự chăm sóc, dạy bảo của Tô Ma Lạt đã trở nên lớn khôn, là một trong những hoàng tử được Hoàng đế Khang Hy trọng dụng nhất. Thay vì lao vào cuộc chiến quyền lực tranh giành ngôi báu như những hoàng tử khác, Dận Đào luôn thể hiện sự trung lập. Dận Đào cũng là hoàng tử sống thọ nhất trong 35 hoàng tử của Khang Hy khi thọ đến 79 tuổi.
Khang Hy năm thứ 44 (1705), Tô Ma Lạt đổ bệnh nặng rồi qua đời. Khang Hy khi đó đang đi tuần, biết tin liền viết thư dặn các hoàng tử khoan nhập liệm để ông được gặp mặt Tô Ma Lạt lần cuối. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, vua đã để tang một người cung nữ. Khang Hy đã tự mình lo liệu cho đám tang của Tô Ma Lạt. Khắp trong cung, ai cũng đau buồn khi chứng kiến sự ra đi của bà.
Linh cữu Tô Ma Lạt cũng được đặc biệt đặt ở gần linh cữu Hiếu Trang Thái Hoàng thái hậu. Sau khi Ung Chính lên ngôi, ngoài việc xây lăng mộ cho Hiếu Trang Thái Hoàng thái hậu, ông còn cho xây mộ của Tô Ma Lạt ngay gần đó mất gần 5 tháng mới xong. Cho đến nay, lăng mộ của bà vẫn là nơi thu hút rất nhiều khách đến ghé thăm khi tới Trung Quốc.