Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được cải tiến nhằm ngăn chặn gian lận
- 16:51 18-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 17/9 đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở Giáo dục. Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi năm 2019.
Hoàn thiện khâu đề thi
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam, cho rằng trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, khâu đề thi rất quan trọng. Đề thi như các năm qua đã có cố gắng lớn, đảm bảo độ bảo mật song cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để đạt được sự phân hóa như mong muốn.
Ông Quốc kiến nghị nên tách mỗi môn thi trong bài tổ hợp thành một phiếu trả lời trắc nghiệm. Việc này giúp người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu tốt hơn, tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể hỏi bạn bè rồi điều chỉnh. Phiếu cũng nên làm phách để khi xử lý người chấm sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa, cho rằng việc đầu tiên là hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề để đánh giá kiến thức, năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi quá cao hoặc quá dễ.
Về khâu coi thi, theo bà Hằng vẫn nên có sự phối hợp với các đại học, mỗi điểm thi nên có ít nhất đại diện của ba trường, trong đó có trường của trung ương, trường địa phương và trường THPT. Khi coi thi, các giảng viên, giáo viên có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.
Bà Hằng đề xuất khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên mã hóa, làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là của ai. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
"Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi thì cũng sẽ nảy sinh tiêu cực. Nên điều quan trọng nhất là trước kỳ thi, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có tiêu cực ở trong mỗi một khâu", nữ giám đốc Sở nói.
Nhiều giám đốc Sở Giáo dục cũng đề nghị Bộ Giáo dục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu kỳ thi. Việc lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là ngưởi có tinh thần trách nhiệm cao, được tập huấn đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thí sinh TP HCM thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần |
Đề nghị chấm thi theo cụm
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Long, cho rằng cần thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực. Quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ Giáo dục ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố (trước thời điểm bàn giao bài thi về địa điểm chấm không nhiều).
Tổ chấm trắc nghiệm tiếp nhận đề thi từ các Hội đồng thi; cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm và lực lượng thanh tra, giám sát phải được cách ly hoàn toàn với bên ngoài kể từ lúc tiếp nhận bài thi từ các Hội đồng thi đến khi công bố kết quả thi tạm thời (hoặc đến khi gửi dữ liệu xử lý bài thi gốc về Bộ).
Đối với bài thi tự luận, bà Thanh đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách một vòng và cách ly Ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng (song song đó là tăng số lượng cán bộ chấm thi tự luận).
Trao đổi về đề xuất chấm thi trắc nghiệm theo cụm, hoặc chấm chéo, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng, cho rằng đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật, Bộ có thể chỉ đạo cho Sở làm vì các Sở từng làm.
Theo ông, chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi vì đã có đầy đủ cơ sở vật chất, chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau và có thể yên tâm kết quả chính xác. Thi trắc nghiệm bản thân kết quả luôn chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi.
Về tự luận, trước đây một số năm đã tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành. Nay đảm bảo khách quan tuyệt đối, Bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. "Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý", ông Vĩnh nói.
Trước băn khoăn việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và từng xảy ra tiêu cực khi 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long "bắt tay" nhau, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) cho rằng "bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác bây giờ, nay có thuận lợi về công nghệ".
Sáu nhóm giải pháp cải tiến kỳ thi
Kết thúc cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất 6 nhóm giải pháp để cải tiến kỳ thi năm 2019. Thứ nhất, toàn bộ quy trình tổ chức thi, quy chế thi và hướng dẫn được đề xuất đi theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi xác định rõ ràng, cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý sai phạm.
Thứ hai, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng, đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Thứ ba, đại biểu cho rằng cần cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi. Đặc biệt, phần mềm chấm thi trắc nghiệm cần theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Thứ tư, cần cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả khâu của kỳ thi, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi. Ngành giáo dục cần xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài của học sinh tỉnh mình, chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm.
Thứ năm là chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu trọng yếu như ra đề thi, coi thi, chấm thi; tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.
Thứ sáu là nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các hội đồng thi.
"Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi sẽ cụ thể hóa trong quy chế và hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới", ông Trinh nói.
Cục trưởng Quản lý chất lượng cũng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì ổn định đến hết năm 2020, kèm theo điều chỉnh về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức. Các điều chỉnh chủ yếu liên quan tới yếu tố kỹ thuật, việc học hành và ôn tập của thí sinh vẫn ổn định. Bộ Giáo dục sẽ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn để các Sở Giáo dục chủ động trong kế hoạch năm học.