Có thể cho phá sản một số dự án thua lỗ ngành Công Thương
- 20:37 18-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giải pháp này được ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh khi đề cập tới 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương sau hơn một năm qua tại một cuộc tòa đàm ngày 18/9.
Dự án 3 lần rao bán bất thành
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương, đến nay một số dự án khôi phục được kinh doanh, giảm lỗ; số khác có lãi trở lại dù vẫn duy trì lỗ lũy kế. Một số khác thì đang được tính toán lại hoặc bán cho nhà đầu tư hoặc cho phá sản.
Ba dự án đang gặp nhiều trở ngại trong xử lý được đại diện Bộ Tài chính nhắc tới là Bột giấy Phương Nam, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Trong số này, Bột giấy Phương Nam đang có tương lai "mù mịt" nhất, khi ba lần Bộ Công Thương rao bán nhưng không ai mua.
Quá trình xử lý các dự án này theo ông Tiến là "rất khó khăn và càng để lâu thì càng mất vốn" nên dự án nào không bán được thì phải phá sản. "Trường hợp phá sản có khi lại là giải pháp tích cực hơn là cố duy trì", ông Tiến bình luận.
Dự án Bột giấy Phương Nam thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam, là 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương. |
Chia sẻ quan điểm, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, 12 dự án thua lỗ nói trên chỉ cần đảm bảo thu hồi vốn, bán đi là đúng đắn bởi đều là các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Song, vướng mắc ở chỗ "bán cho ai" khi hầu hết đang mắc kẹt vấn đề pháp lý: xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, quyết toán hợp đồng EPC với tổng thầu...
Ngoài ra, Đạm Ninh Bình liên quan đến nhà thầu Trung Quốc hay việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn dùng vốn của mình để xử lý hai dự án thua lỗ của mình là Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ (PVTex).
"Những vướng mắc này cần xử lý triệt để trước khi chúng ta xem là bán cho ai, nếu chưa xử lý thì chưa thể bán được và nên bán cho tư nhân", ông Hùng lưu ý.
Riêng với kiến nghị của PVN muốn rót vốn vào các dự án thua lỗ của công ty con, ông Đặng Quyết Tiến nói Bộ Tài chính đã yêu cầu Tập đoànDầu khí phải đánh giá rõ khả năng hòa vốn nếu đem vốn chủ sở hữu đi khôi phục dự án.
"Nếu PVN có bỏ vốn vào đóng tàu, liệu họ có lợi nhuận hay không bởi khi họ đang nợ nần chồng chất, không có đơn đặt hàng, sản phẩm xuất ra chi phí cao sẽ khiến giá bán cao hơn thị trường. Phải bảo toàn vốn đó và có lãi, không thể để tình trạng 'lỗ mẹ chồng lỗ con' được", ông Tiến nói.
Có doanh nghiệp Nhà nước 'giàu là nhờ đất đai'
Những vấn đề của doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng được các chuyên gia mổ xẻ. Chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp nhưng nhóm này lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt, đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.
Nhắc tới lực cản khiến việc cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn ì ạch dù giai đoạn 2 quá trình tái cơ cấu đã đi được nửa chặng đường, ông Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nói, một phần do doanh nghiệp Nhà nước trong quá khứ đã được "bao bọc" quá nhiều. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh không phải dựa vào sức sản xuất, giá trị sản phẩm bán ra trên thị trường, mà lại nhờ vào nắm giữ nhiều khu đất vàng; hay có doanh nghiệp Nhà nước là sân sau của các bộ chủ quản...
"Có những lãnh đạo doanh nghiệp không muốn từ bỏ lợi ích nên có tâm lý chần chừ cổ phần hóa, bán vốn doanh nghiệp là có", ông nhận xét.
Trọng tâm cải cách sắp tới, theo ông Đặng Quyết Tiến, hay đổi tư duy quản lý nguồn lực Nhà nước và truy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước. Đây cũng là một trong những cách phân bổ lại nguồn lực theo thị trường tại các doanh nghiệp Nhà nước, để nhà đầu tư thấy được tiềm năng đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh, chứ không chỉ nhìn vào những mảnh đất vàng số đơn vị này nắm giữ.
Trong khi đó ông Lưu Bích Hồ thúc giục không nên kéo dài quá lâu tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước vì "càng kéo dài, càng mất giá trị thương hiệu giá trị doanh nghiệp".
"Kế hoạch năm 2020 hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã là chậm quá rồi. Muốn tăng trưởng nhanh hơn thì phải dựa vào những thành quả của tái cơ cấu kinh tế đem lại, nếu không nhanh sẽ khó thoát khỏi khó khăn hiện nay", nguyên Viện trưởng Viện chiến lược lưu ý.
Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào 28/9. Hội nghị sẽ bàn thảo giải pháp nhằm phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, để doanh nghiệp Nhà nước thực sự đứng đầu trong 3 trụ cột kinh tế của đất nước. |