Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cố ý không giải quyết tố cáo có thể bị cách chức

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo 2018 hiện đang lấy ý kiến rộng rãi quy định rõ, hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

 Nếu tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo sẽ bị kỷ luật cảnh cáo. Ảnh minh họa: Internet

2 quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh

Theo Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo có 4 chương, 26 điều. Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của nghị định hiện có 2 quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nghị định chỉ nên quy định những vấn đề Luật Tố cáo giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Nghị định này không chỉ quy định những vấn đề Luật giao mà cần hướng dẫn, quy định chi tiết những nội dung Luật chưa rõ, còn vướng mắc trong thực tiễn để việc thực hiện của các cơ quan nhà nước được thống nhất, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tố cáo.

Ban soạn thảo tán thành với quan điểm thứ hai. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định, chi tiết về thời hạn giải quyết tố cáo; rút đơn tố cáo; giải quyết tố cáo trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; bảo vệ người tố cáo.

Dự thảo cũng quy định các biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo gồm: trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Quy định rõ hình thức xử lý kỷ luật

Vấn đề xử lý hành vi cũng có hai quan điểm khác nhau. Theo quan điểm thứ nhất, nghị định chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo. Những quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật đã được quy định trong các văn bản pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng, thực tế các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng nhưng không được xử lý kịp thời, nghiêm minh làm giảm sút hiệu quả công tác giải quyết tố cáo; kỷ luật, kỷ cương quản lý bị buông lỏng.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng, nguyên nhân quan trọng là do, các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực tố cáo và giải quyết tố cáo chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể.

Ngày 1/7/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa, trong đó đã quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý kỷ luật tương ứng.

Do vậy, Nghị định này không chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc mà nên quy định đầy đủ các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm làm cơ sở cho việc xem xét xử lý các hành vi vi phạm.

Ban soạn thảo nhận thấy, quan điểm thứ hai là hợp lý nên mục 3, Chương III, dự thảo nghị định quy định rõ, nguyên tắc xử lý kỷ luật; hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Cố ý bỏ lọt tài liệu, cán bộ đi xác minh tố cáo sẽ bị hạ bậc lương

Theo Điều 22 dự thảo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà cản trở, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo thì bị kỷ luật khiển trách.

Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo… thì bị cảnh cáo.

Hình thức, kỷ luật cách chức sẽ được áp dụng nếu người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, Điều 23 dự thảo nêu rõ, cản trở, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, xúc phạm người tố cáo; sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo sẽ bị kỷ luật khiển trách. Còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập thì sẽ bị cảnh cáo.

Người được giao xác minh nội dung tố cáo sẽ bị kỷ luật hạ bậc lương hoặc giáng chức khi có 1 trong các hành vi: cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; cố ý không xác minh đầy đủ các nội dung được ghi trong quyết định xác minh nội dung tố cáo; cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung tố cáo.

Còn cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng việc tố cáo để cố ý tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.