Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Viện phó lý giải siêu bão Mangkhut không vào Việt Nam

Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Viện KHKTTV&BĐKH) Mai Văn Khiêm đưa ra lý giải về quỹ đạo của siêu bão Mangkhut.

Theo ông Khiêm, về mặt khoa học, sự dịch chuyển của các cơn bão phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: dòng dẫn đường (áp cao cận nhiệt đới), quán tính của cơn bão, tác động của địa hình và ma sát…

 Những đợt sóng lớn đánh liên hồi vào khu vực bờ biển của khu dân cư Heng Fa Chuen, Hong Kong. Ảnh: Reuters

Trong đó, những cơn bão mạnh thì vai trò của dòng dẫn đường rất quan trọng. Dòng dẫn đường thường tồn tại trong chu kỳ khoảng 3 ngày. Lần này, khi bão còn ở xa Philippines thì áp cao cận nhiệt đới phát triển mạnh, tồn tại ở phía Nam.

Nếu thực tế áp cao cận nhiệt đới tiếp tục mạnh như những ngày đầu, dựa vào các mô hình tính toán thì cơn bão có hướng lệch tây (tức đi theo hướng tây tây bắc, hướng về Việt Nam). Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, quỹ đạo bão thay đổi do áp cao cận nhiệt đới có xu thế rút về phía Bắc.

Lúc đó, tất cả mô hình dự báo của Mỹ, Nhật, châu Âu đều cập nhật điều kiện khí quyển như vậy. Theo tính toán thì quỹ đạo bão đi theo rìa cao cận nhiệt đới có hướng lệch về phía Bắc so với dự báo trước đó (đi theo hướng tây bắc nhiều hơn là hướng tây tây bắc).

Siêu bão liên tiếp

Những siêu bão xuất hiện gần nhau trên khu vực Đại Tây Dương vào năm 2017 như bão Maria, siêu bão Irma và siêu bão Harvey cho thấy thực tế đáng lo ngại về mối liên quan giữa sự gia tăng của các cơn bão có cường độ ngày càng lớn, xuất hiện ngày càng thường xuyên với tình trạng biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên.

Không chỉ ở Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, bão cũng xuất hiện đồng thời trên hầu hết các đại dương trên thế giới vào giữa tháng 9 này.

 Ảnh vệ tinh ngày 11/9 cho thấy một chuỗi các xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên toàn cầu trên khu vực nhiệt đới, trong đó có siêu bão Mangkhut ở Tây Bắc Thái Bình Dương và bão rất mạnh Florence ở Đại Tây Dương

Thống kê trong ngày 11/9 có tới 9 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm cả bão, áp thấp nhiệt đới và các vùng áp thấp) hoạt động trên toàn cầu, trong đó có các cơn như siêu bão Florence, Helene, Isaac, bão Paul và Olivia, siêu bão Mangkhut...

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự nóng lên toàn cầu và hoạt động của bão đã phát hiện ra rằng các cơn bão rất mạnh và siêu bão xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt trên khu vực Đại Tây Dương.

Thậm chí một số nhà khoa học cho rằng, có thể phải đề xuất thêm cấp độ 6 đối với bão ở Đại Tây Dương (hiện nay cấp độ cao nhất là cấp độ 5).

Khó khăn trong dự báo

Công nghệ dự báo bão, đặc biệt các hạn dự báo từ 3 ngày trở lên được xây dựng dựa trên nền tảng mô hình dự báo số.

Trong khi đó, mặc dù có những cải thiện đáng kể về sai số dự báo quỹ đạo của bão trong các mô hình dự báo số, nhưng các mô hình vẫn có những điểm yếu chưa khắc phục được, đó là sai số dự báo vị trí bão còn lớn.

Trong hơn 20 năm qua, hầu như không có sự cải thiện nào về khả năng dự báo cường độ bão.

 Vị trí và đường đi của bão

Đối với dự báo quỹ đạo bão Mangkhut, các dự báo của mô hình trước khi bão đổ bộ vào Philippines là khá thống nhất.

Tuy nhiên, sau khi bão qua báo đảo Ludong (từ 7h ngày 15/9), các dự báo của mô hình trở nên phân tán, khác nhau nhiều.

Song có một điểm chung giữa các quỹ đạo dự báo là xu hướng điều chỉnh quỹ đạo ngả dần về phía phải, dự báo rằng bão Mangkhut đổ bộ gần Hong Kong và sau khi đổ bộ sẽ di chuyển trên đất liền nhiều hơn.

Do ma sát với đất liền trong thời gian và quãng đường dài hơn trước khi đến vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc nên bão Mangkhut sẽ suy yếu nhiều hơn trước khi ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam.

Như vậy, mối nguy hiểm chính từ bão Mangkhut đối với Việt Nam sẽ là mưa to ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Có thể thấy biến đổi khí hậu cùng với các hạn chế về công nghệ, trong đó có hạn chế của mô hình dự báo đối với bài toán dự báo quỹ đạo và cường độ bão sẽ còn gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo bão.