Học sinh trước áp lực thi cử vào lớp 10: Cần lắm sự tham vấn tâm lý
- 13:36 16-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
90% học sinh căng thẳng trong kì thi lớp 10 (Ảnh minh họa) |
“Mệt lắm, đi học suốt ngày”
Giảng viên Đỗ Văn Đoạt - Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết kết quả khảo sát trên 290 học sinh có độ tuổi trung bình 16 cho thấy, hầu hết các em gặp phải những căng thẳng tâm lý do học và thi. Cụ thể, có hơn 90% các em khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học để thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm. Các biểu hiện căng thẳng thường thấy ở học sinh như tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác.
Hầu hết học sinh lớp 9 học chính khoá buổi sáng và học bồi dưỡng buổi chiều ở trường. Một số học sinh luôn được cha mẹ sắp xếp lịch trình học thêm, học bồi dưỡng, củng cố, học nâng cao để khả năng thi chuyển cấp với kết quả tốt nhất. Với khối kiến thức học chính khoá trên lớp, lịch học tự nguyện buổi chiều ở trường, một số học sinh tiếp tục học thêm vào thời gian sau 16 giờ và một số em còn tiếp tục học thêm một số buổi tối.
Vì vậy, có những ngày sau khi hoàn thành việc học với giáo viên, các em về tới nhà là 21 giờ 30 phút hoặc muộn hơn. Việc sinh hoạt ăn uống diễn ra tranh thủ hoặc rất nhanh chóng nếu không sẽ không còn thời gian cho làm một số bài tập hoặc giải quyết các nhiệm vụ.
Nếu lịch học tăng cường diễn ra trong thời gian ngắn có thể kích thích các em nỗ lực, huy động tất cả năng lực bản thân hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất. Nếu lịch học dày đặc, kéo dài sẽ dẫn đến học sinh căng thẳng, suy nhược cơ thể, không có khả năng học tập. Do đó, các khó khăn học sinh gặp phải ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới thể chất, nhận thức, tình cảm, hành vi của học sinh.
Theo một nghiên cứu tại Ninh Bình, địa phương chỉ đáp ứng 35 trường công lập trên toàn tỉnh đảm nhiệm được 68.1% tổng số học sinh hiện đang học lớp 9, số còn lại sẽ học trường nghề, TT GDTX, Tư thục… Với mục tiêu thi đỗ vào trường, lớp tốt, trường công lập, việc thi vào lớp 10 còn quan trọng hơn thi đại học nên càng tạo áp lực học tập, thi cử cho các em.
Nhiều học sinh căng thẳng tới mức mất ngủ vài ngày, ăn không ngon, đặc biệt nhiều em chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, buồn nôn… Vì vậy, đây là nguyên nhân chính tạo áp lực đè nặng lên mỗi học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực trung bình và dưới trung bình.
Mặt khác, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS lớp 9 chưa được quan tâm đúng mức và không mang tính cập nhật, công tác tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh chưa thực sự hiệu quả. Học sinh và phụ huynh chưa nhận thức được tương quan giữa yêu cầu của nghề và điều kiện đáp ứng của bản thân học sinh. Do đó, phụ huynh, học sinh “bằng mọi giá” phải đỗ vào lớp 10 trường công lập, học lên cao hơn không tính đến yêu cầu của nhà trường với năng lực, điều kiện của bản thân.
Nữ sinh L.M.N, lớp 9 chia sẻ: “Mẹ em thường xuyên nhắc em ăn uống, vì sợ em không đủ sức khoẻ để học. Điều này làm em lo lắng về cơ thể của mình, dù công việc học tập cuối khoá cũng rất căng thẳng”. Theo thầy Đỗ Văn Đoạt, thực tế cho thấy, phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng bắt nguồn từ những áp lực bên ngoài tác động đến công việc học hành, sức ép tâm lí, sự bất lực, không có khả năng ứng phó, khối lượng bài vở gia tăng và có kì vọng cao.
Số học sinh khác ví căng thẳng như là sự phá vỡ các thói quen thông thường, sự thiếu tập trung, nỗi thất vọng, phản ứng với môi trường nhiều áp lực, mất hứng thú, tự ti, trầm cảm…
Tránh được “vết xe đổ”?
Thầy Đỗ Văn Đoạt cho biết, mỗi học sinh sẽ có những cách ứng phó, để tự vượt qua những áp lực tâm lý từ học hành, thi cử khác nhau. Có em dành thời gian cho bạn bè, ngủ, nghe nhạc, chơi thể thao, tự cô lập bản thân, lao vào học tập… Bên cạnh đó, một số học sinh chọn việc cầu nguyện, thiền định, thăm người thân, thay đổi thói quen ăn uống, xem phim và trò chuyện trực tuyến để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, cũng có những học sinh hút thuốc lá như một cách để ứng phó với những áp lực tâm lý từ học tập.
Theo Bộ GD-ĐT, khảo sát tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn một không gian riêng tư trong trường để nói và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Nghiên cứu trên 7 tỉnh phía Bắc cũng cho thấy có 20% các em học sinh bị tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết phải tập trung chăm sóc đời sống, sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên, nhằm giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học. Tuy nhiên, công tác tham vấn, tư vấn học đường tới nay hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách.
Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên dạy các chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như công tác học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên…
Mặc dù hàng trăm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ song nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn trên thực tế của đội ngũ giáo viên.
Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội cho rằng: “So với các quốc gia phát triển, chúng ta vẫn đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em cũng như việc phát huy tối đa tiềm năng của học sinh. Hiện nay công tác tham vấn học đường đã và đang được triển khai, song số lượng vẫn còn hạn chế”.
Nhìn lại những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận thời gian qua, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, các mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh đang bị đảo lộn, những vụ “thanh lý” lẫn nhau diễn ra ngay trong chính môi trường sư phạm khiến toàn xã hội bức xúc và hoang mang.
Theo TS Nam, tình trạng này hoàn toàn có thể được giảm thiểu nếu mỗi trường đều có đội ngũ tham vấn tâm lý, kịp thời có những phát hiện, hỗ trợ và đưa ra các giải pháp, mạng lưới kết nối chuyển tuyến cho những trường hợp cần can thiệp tâm lý sâu.
Ở góc độ quản lý, TS Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, quy định tại Thông tư 31, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.
Về quy mô, tính sơ bộ khoảng 14.000 trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, sẽ có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới.
Theo ông Linh, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên phải đặc biệt được quan tâm. Trước sức ép cuộc sống, nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả như nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, có khi tự tử… Bài học nhãn tiền từ Hàn Quốc và Nhật Bản là cố gắng để chúng ta không rơi vào “vết xe đổ” của các nước này khi giới trẻ bị trầm cảm nhiều, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ rất cao.
Học sinh, sinh viên đang phải chịu sức ép thành tích do bố mẹ mang lại, các tác động từ xã hội, trong khi kỹ năng sống, kỹ năng xử lý vấn đề của học sinh còn yếu.
“Do đó, các trường đào tạo tâm lý giáo dục phải có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng (khoảng 5%). Nội dung tư vấn gồm: Tư vấn trong học tập, sức khỏe, các mối quan hệ, cách xử lý tình huống; trang bị kỹ năng sống; giáo dục giá trị sống” - ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.
Không thể nửa vời Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, tham vấn học đường rất phức tạp, cần tính linh hoạt cao. Cán bộ làm công tác này phải hiểu biết nhiều, cũng như biết dạy kỹ năng sống, tham vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Bởi tham vấn trong nhà trường khó không phải là nhận thức, điều quan trọng là phải giúp học sinh thay đổi hành vi dù sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm nhiều sáng tạo thì mới thành công. TS Nguyễn Tùng Lâm lo ngại, nếu không làm nhanh và tích cực công tác tư vấn học đường, ngành Giáo dục sẽ còn tiếp tục phải giải quyết những sự cố phức tạp hơn nữa về bạo lực học đường. Đồng thời, TS Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn về việc hiện nay, Bộ Nội vụ đã có mã nghề cho ngành Tham vấn học đường, tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại chưa có quy định cụ thể về số lượng biên chế ngành này trong các trường học, dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. TS Tùng Lâm cho rằng, để thực hiện thành công hiệu quả công tác tham vấn hiệu quả, cần tránh đề ra rồi treo đó, sẽ rất vất vả cho thầy cô trong quá trình đổi mới… |