Cao ốc và sĩ số 70
- 11:13 14-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hãy tưởng tượng một lớp học tiêu chuẩn vốn chỉ thiết kế tối đa cho 35 em, nay phải nhồi thêm 30-35 em nữa. Phóng viên Tiền Phong dự giờ một lớp học mới chừng 60 học sinh/lớp đã thấy quá ngột ngạt, đến lối đi giữa các dãy bàn mà cô giáo phải nghiêng người mới lách qua được.
Dạy vài hôm cô đã khản cả giọng vì học trò lớp 1 vốn nghịch ngợm, hiếu kỳ lại quá đông. Cô giáo thú nhận, cố gắng lắm cũng chỉ quan tâm được tới khoảng một phần ba lớp, số còn lại đành chịu.
Hồi con gái tôi học một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa cách đây gần chục năm, sĩ số lớp lúc đó cũng đã ngót nghét 60. Thương nhất là những buổi trưa hè oi ả, lớp không có điều hòa, 60 công dân tương lai mồ hôi nhễ nhại phải nằm “úp thìa” trên bàn học mà vẫn chưa đủ chỗ, số còn lại phải trải chiếu nằm ngay trên… bục giảng. Bàn ghế được lèn tối đa vào sát ngay bục giảng, trò ngồi chen vai thích cánh, cúi gằm mặt hì hụi tô tô viết viết, không cận thị mới là lạ.
Trong vòng hơn chục năm qua, chung cư cao tầng ở Hà Nội đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Ngành kinh doanh bất động sản phát đạt chưa từng có. Chỉ có điều, nhiều chủ dự án và cả những người phê duyệt, cấp phép “quên mất”, trường học, bệnh viện cùng các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác cũng cần phải được mọc lên tương ứng với số chung cư được xây, số căn hộ được bán.
Và hậu quả là, đường xá tắc nghẽn, còn bệnh viện và trường học thì quá tải. 10 năm trước, lớp học đông nhất ở Hà Nội là 60 học sinh, nay nhiều lớp đã ngót nghét 70 cũng là điều dễ hiểu.
Nhồi cao ốc thật lực vào nội đô mà không xây thêm trường lớp tương ứng, thì việc các học sinh bị nhồi vào những lớp học sĩ số 70 vốn chỉ đủ chỗ cho 35 cũng không có gì lạ.
Chỉ băn khoăn rằng, những công dân tương lai của chúng ta đang phải học trong những lớp học sĩ số 70 rồi đây sẽ ra sao, liệu chúng có đủ tri thức và kỹ năng cần thiết để bước lên chuyến tàu 4.0 của nhân loại ?