Cô gái bán nước mía thành bà chủ hai công ty
- 09:22 13-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kim Huyền (thứ hai từ phải sang) tại Genki Japan House Hà Nội |
Tuổi thơ “dữ dội”
Kim Huyền cho biết đây là lần đầu tiên cô tiết lộ về “tuổi thơ dữ dội” của mình đầy đủ và chân thật nhất. Nhưng khác với nhiều người khi hồi tưởng lại “thời khốn khổ” thường kèm những giọt nước mắt, Kim Huyền kể một cách an nhiên.
“Mình sinh ra tại vùng biển Lagi, Bình Thuận. Ba mẹ làm trong hợp tác xã với đồng lương còm cõi phải nuôi 4 người con ăn học nên mình biết kiếm tiền phụ giúp gia đình từ rất sớm”.
7 - 8 tuổi, Huyền đã dám mua điều của dân, hái quả tận ngọn về bán lại cho chính hợp tác xã của ba để kiếm lời nhiều hơn. Rồi khi hợp tác xã giải thể, ba mẹ nghỉ hưu, hết “đối tác” mua điều, Kim Huyền đi gom lon sữa bò để bán. Hết thời kiếm tiền nhờ vỏ lon, Huyền cùng gia đình xoay sang nuôi heo và sau đó bán nước mía.
Do phải đi học, anh hai và chị ba lại học ở xa, Huyền cùng em út thay phiên nhau sáng, chiều bán nước mía ngay trước cổng trường. Nhiều khi cúp điện, cô nữ sinh này phải “vận nội công” để quay nước mía bằng tay. “Mệt nhưng vui vì có tiền”, Huyền nói.
Thấy chỉ bán nước mía thì hơi phí thời gian, Huyền và gia đình đặt thêm một bàn bán vé số bên cạnh. Tiền lời từ nước mía, vé số đã góp một phần không nhỏ cho chị em Huyền đi học.
Việc bán vé số cũng hình thành trong đầu cô học trò THCS này tư tưởng phải học thật giỏi mới có cơ hội làm giàu và không thể trông chờ vào vận may kiểu trúng số. Bởi lẽ suốt thời gian Huyền bán vé số, cô chưa thấy ai trúng độc đắc.
Quả thật, từ khi học tiểu học đến THPT, Huyền đều nỗ lực và có nhiều thành tích rất nổi bật. Cô cũng là thành viên năng nổ trong các hoạt động Đoàn, Đội và làm “ca sĩ” của trường, xã, huyện thời ấy.
Có “máu” kinh doanh từ rất sớm nên Kim Huyền ôm mộng sẽ trở thành doanh nhân trong tương lai. Rồi cô thi đậu Trường ĐH Ngoại thương. Thời sinh viên, Huyền lại kiếm tiền bằng cách đi dạy tiếng Anh, rồi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Học giỏi lại năng động nên ngay trong thời gian đi thực tập, Kim Huyền đã kiếm được số tiền mà theo cô là “mừng hết lớn” với 18 triệu đồng/tháng. Có tấm bằng ĐH và khát vọng phải thành công, con đường khởi nghiệp thật sự của Kim Huyền bắt đầu từ đây.
Khát vọng làm chủ
Năm 2003, khi mới ra trường Kim Huyền đầu quân cho một công ty tàu biển vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Sau khi tích cóp được ít tiền, Huyền cùng 2 cộng sự thành lập công ty cùng ngành. Đến năm 2007, công ty gặp nhiều sự cố tưởng chừng phải dừng lại, nhưng Kim Huyền quyết thay đổi cổ phần và tiếp nhận phần lớn việc quản lý công ty, chấp nhận một thử thách thật sự.
Công ty Global Maritime Services của Kim Huyền vươn lên từ đó. Kim Huyền đi như con thoi từ nước này đến nước khác để tìm hiểu sâu hơn về đối tác, tháo gỡ dần khó khăn nhằm phục hồi và phát triển công ty. “Làm kinh doanh mà không mạo hiểm thì không được. Nhưng điều cần nhất là phải chuyên nghiệp, chân thành và lấy cái tâm soi sáng thêm cái trí”, Kim Huyền chia sẻ.
Nhờ vậy, không chỉ cứu được công ty đang đứng ở bờ vực phá sản mà sau 15 năm công ty của Kim Huyền còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Hiện Global Maritime Services có hơn 30 thành viên và hệ thống đại lý toàn cầu, thực hiện dịch vụ giao nhận cước tàu, làm thủ tục hải quan cho các công ty có nhu cầu về hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là nước giải khát và thủy hải sản.
Cũng trong năm 2007, với sự kết nối từ các đối tác trong và ngoài nước, Huyền lập Công ty Lương Nguyên Services, làm đại diện tại VN cho nhiều “ông lớn” về thủy sản của các nước châu Âu.
Mang tinh hoa ẩm thực Nhật Bản đến VN Khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng và khi cơ duyên đến, năm 2015 nữ doanh nhân 39 tuổi này quyết định thành lập Genki Japan House (GJH). Đột phá quan trọng nhất của GJH là tháng 7.2017 công ty ký kết với Azuma Holdings Ishito Brand - nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu Nhật Bản. Chỉ một thời gian ngắn, GJH đã là đối tác tin cậy của hơn 500 nhà hàng cao cấp và khách sạn, resort 5 sao. |