Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xô viết Nghệ Tĩnh: Tinh thần quật khởi trên con đường đấu tranh giành độc lập

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lớn làm rung chuyển nền thống trị của thực dân Pháp và phong kiến phản động ở Đông Dương. Sự kiện đó đã đánh dấu một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền cho nhân dân.

 Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh minh họa

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), một cao trào cách mạng đã dấy lên khắp nơi trong cả nước. Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu bằng cuộc biểu tình nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 tại khu vực Vinh - Bến Thủy. Công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, công nhân các Nhà máy diêm, cưa, điện Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã sát cánh bên nhau đứng dậy đấu tranh.

Sau ngày 1/5 tại các vùng nông thôn như Nghi Lộc, Anh Sơn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, những cuộc biểu tình của nông dân diễn ra thường xuyên.

Đến tháng 8, quần chúng không chỉ có đưa đơn thỉnh cầu hay yêu sách, mà còn có những cuộc đập phá công đường, sở rượu, dùng áp lực buộc quan lại sở tại phải hứa thực hiện đòi hỏi của nhân dân đã diễn ra ở Can Lộc (4/8), Nam Đàn (6/8), nhân dân Thanh Chương kéo đến huyện lỵ phá nhà giam, giải thoát tù chính trị, đốt giấy tờ sổ sách. Cuối tháng 8 đầu tháng 9, những cuộc biểu tình lớn của nhân dân được tổ chức ở Nghi Lộc (19/8), Nam Đàn (30/8), Võ Liệt (Thanh Chương) (1/9), Can Lộc (7/9), Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Anh Sơn, Kỳ Anh (8/9).

Ngày 12/9/1930, tại Hưng Nguyên khoảng 8.000 nông dân đã liên kết với nông dân Nam Đàn tổ chức một cuộc biểu tình lớn với mục đích ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, hưởng ứng những cuộc đấu tranh của nông dân các tỉnh bạn.

 Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An (1930-1931). Ảnh tư liệu

Máy bay của thực dân Pháp được điều đến dội bom và xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 174 người. Ngày hôm sau khi dân làng tổ chức đưa tang những người bị hại, thực dân Pháp lại cho máy bay đến ném bom, làm chết thêm 43 người nữa. Như vậy, trong hai ngày 12 và 13 tháng 9/1930 thực dân Pháp giết hại 217 người, làm bị thương 125 người.

Ngày 12/9 đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam và trở thành ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Sau ngày 12/9, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh dâng cao, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt và tan rã ở nhiều nơi. Nhiều tên tri phủ, tri huyện bỏ trốn, một số hào lý mang con dấu trả lại cho tri huyện hoặc xin thôi việc.

Trước tình hình chính quyền địch tan rã, mặc dù Trung ương Đảng chưa có chủ trương giành chính quyền lúc này, các chi bộ Đảng và Nông hội đỏ đứng trước thực tế đặt cho mình nhiệm vụ phải quản lý và điều hành đó dựa trên những hiểu biết về chính quyền Xô viết ở Nga mà những người cộng sản Việt Nam tiếp thu được qua sách báo và tài liệu huấn luyện của Đảng.

 Ngày 9/12/1961, trong dịp về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với các chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Một hình thức mới của chính quyền xuất hiện: Xô viết Nghệ Tĩnh. Tuy còn sơ khai, nhưng Xô viết đã thực sự làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của phong trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

“Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

Hồ Chí Minh

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại bài học lớn về sức lôi cuốn, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân của Đảng ta thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân. Từ đó, rút ra kinh nghiệm lịch sử quý báu là bao giờ nhân dân lao động cảm nhận được những lợi ích của mình trong các chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể của giai cấp lãnh đạo, thì họ sẽ tích cực, tự giác tham gia hưởng ứng.

Và chính Đảng ta ngay từ đầu đã giúp nhân dân cảm nhận được những lợi ích cơ bản và cấp bách của mình thông qua các chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn là giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, giành ruộng đất, nhà máy về tay công - nông, thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ cơ bản đầu tiên...; từ đó khơi dậy và thúc đẩy động lực cách mạng trong quần chúng.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại và nguyện vọng, lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đang là nhiệm vụ cấp bách, to lớn của Đảng và Nhà nước ta.