Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


4 nhóm giải pháp thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Thông tin này được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính do Chính phủ tổ chức sáng 11/9.

 Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Minh Chi

Trên cơ sở Nghị định số 61/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ vừa trình Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ.

Theo đó có 4 nhóm nhiệm vụ cần tập trung như sau:

Nhóm thứ nhất là hoàn thiện thể chế; trong đó tập trung xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 61/2018/NĐ-CP; Thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa; Thông tư quy định về mức chi phục vụ các hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là kiện toàn tổ chức và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp; ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong việc giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, công bố danh mục thủ tục hành chính và tổ chức đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc kiện toàn bộ phận một cửa các cấp theo quy định, chậm nhất trong quý IV/2018; tổ chức giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết 4 tại chỗ, phát huy cao nhất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử ra làm việc.

Phấn đấu đến hết quý II/2019, tối thiểu 20% trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 50% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoàn thành việc thiết lập quy trình điện tử và áp dụng việc theo dõi, giám sát theo quy trình điện tử.

Việc bố trí trụ sở, trang thiết bị được chia thành các nhóm để bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tế, yêu cầu đến năm 2020 các xã vùng sâu, vùng xa cũng phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.

 Bộ phận một cửa tại xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Minh Chi

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung vào việc thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành trong năm 2019; xây dựng hoặc nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử thống nhất; kết nối, liên thông các hệ thống thông tin này với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh và Cổng thanh toán tập trung quốc gia để hỗ trợ xác thực thông tin người dân, doanh nghiệp và có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Về lộ trình triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử tiêu chuẩn, trong quý IV/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành việc đánh giá, công bố phần mềm một cửa điện tử tiêu chuẩn và ban hành các tiêu chí, quy định thống nhất chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Trên cơ sở đó, 3 Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường và 7 địa phương: Hà Nội, Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai được lựa chọn triển khai thí điểm, chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng hoặc nâng cấp phần mềm một cửa điện tử bảo đảm đạt tiêu chuẩn công bố.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương còn lại căn cứ theo công bố tiêu chuẩn về phần mềm một cửa điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng hoặc nâng cấp các phần mềm một cửa điện tử của bộ, địa phương mình. Đến hết quý II/2019, nếu những bộ, ngành, địa phương hiệu chỉnh phần mềm một cửa điện tử không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn sẽ thực hiện thay thế phần mềm mới.

Nhóm nhiệm vụ thứ tư là tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch thực hiện Nghị định trong năm 2018 và hàng năm.

Để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí thực hiện trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của bộ, ngành, địa phương mình theo quy định hiện hành và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện; chú trọng thuê dịch vụ CNTT để bảo đảm duy trì, phát triển Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, hạ tầng mạng nội bộ và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.