Ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ
- 15:57 10-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngân hàng Sài Gòn Thương tín - Sacombank mới đây đã rao bán đấu giá hàng loạt tài sản đảm bảo là các bất động sản, trong đó đáng chú ý có 4 lô bất động sản có tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo đó, lô bất động sản lớn nhất mà ngân hàng này vừa rao bán là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM) với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Dự án này nằm trên đường Nguyễn Văn Linh với diện tích 134 ha, bao gồm 67 ha đất khu công nghiệp và một nửa còn lại là đất dành cho khu dịch vụ. Dự án có thời hạn sử dụng đất là 50 năm do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư.
Khu đất thứ 2 được Sacombank rao bán nằm tại quận Bình Tân, TP HCM bao gồm toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B. Tổng diện tích khu đất này lên tới hơn 530.000 m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng.
Một khu đất trị giá khác tại thành phố Cần Thơ được rao bán 4.565 tỷ đồng là dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Dự án có tổng diện tích hơn 600.000 m2, bao gồm 2.455 quyền sử dụng đất.
Bất động sản nghìn tỷ thứ 4 được ngân hàng này bán là dự án khu nhà ở phương Long Bình, quận 9, TP HCM có diện tích 164.949,9 m2. Dự án đã có quyết định giao đất, quy hoạch 1/500, hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và san lấp, hiện tại tài sản dùng để làm nhà kho và bãi giữ xe. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 1.815 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sacombank còn đang rao bán một loạt bất động sản khác có giá hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng ở các quận TP HCM.
Dự án Khu công nghiệp Phong Phú được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. |
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) trong tháng 9 này cũng có hơn 10 đợt tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo, với tổng giá trị chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều tài sản có giá trị như quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM với giá khởi điểm 96,23 tỷ đồng; thửa đất số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội có diện tích 201,3 m2 cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 68,5 tỷ đồng; đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu, máy móc, công trình với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng...
Ngân hàng khác là VietinBank sau khi mua lại toàn bộ khoản nợ tại VAMC, gần đây cũng liên tục đăng thông báo đấu giá các tài sản để xử lý khoản nợ xấu lớn. Cụ thể VietinBank Thủ Đức bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ của Địa ốc Gia Phú có tài sản đảm bảo giá khởi điểm 6 tỷ đồng....
Kế đến là BIDV thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan. Tổng dư nợ gốc và lãi vay đến cuối năm ngoái là 2.278 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng trụ sở công ty tại quận 1 và hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này là 845 tỷ đồng.
Nhìn nhận diễn biến này, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua đã tạo cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu cho các ngân hàng. Dự kiến trong thời gian tới, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án. Nhờ đó, nó sẽ tạo ra sự thuận lợi cho ngân hàng để họ có thể nhanh chóng thu hồi lại nợ và giải quyết vấn đề nợ xấu.
Theo giới chuyên gia, hai điểm nổi bật nhất của nghị quyết này là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo và cơ chế khắc phục khó khăn tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng biểu hiện ở lãi dự thu.
Về xử lý tài sản, Nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng thu giữ và bán tài sản đảm bảo theo giá thị trường thông qua các trình tự pháp lý rút gọn.
Về khắc phục khó khăn tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết cho phép các khoản lãi dự thu, tức là những khoản lãi cho vay đã hạch toán vào nguồn thu nhưng thực chất chưa thu được do nợ xấu thì nay được phân bổ dần vào chi phí từ 5-10 năm chứ không phải đưa toàn bộ vào các khoản chi ngay bây giờ. Đồng thời, các tài sản đảm bảo bán theo giá thị trường mà thấp hơn giá trị khoản vay thì tổn thất đó cũng được phân bổ tối đa là 10 năm.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ 2012 đến tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu; riêng 6 tháng đầu năm nay xử lý ước đạt 58.800 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng tự xử lý với 56.740 tỷ đồng.
Riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, sau một năm thực hiện, đã đạt 138.290 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn nhỉnh hơn 2%, rất thấp. Nhưng nếu tính nợ ngoại bảng (gồm nợ tại VAMC, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) hiện vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ.