Trúng kế anh ship hàng: Chị chủ shop online mất cả gia tài
- 08:29 07-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Nguyễn Thu Trang (chủ shop kinh doanh hàng Nhật tại quận Ba Đình, Hà Nội) hốt hoảng khi biết một đơn vị chuyển phát nhanh đã nợ tiền khách hàng 5,5 tỷ và tuyên bố đóng cửa. Chị Trang cho hay, từ trước tới nay, hầu hết khách hàng đều sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) khi mua online từ shop chị.
Nguyên nhân chính là phần lớn khách hàng muốn an toàn, xem hàng xong rồi sau đó mới trả tiền. Chính vì thế, trung bình mỗi tháng, đơn vị giao hàng thu hộ chị lên tới hàng chục triệu đồng. Đơn vị chuyển phát hoàn tiền khá đầy đủ nên chị Trang không quan tâm nhiều. Rủi ro của việc ship COD là rất lớn đối với các chủ shop nếu chọn phải đối tác không uy tín.
Dịch vụ giao hàng nhận tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Sau vụ việc, chị Trang cẩn thận hơn chuyển từ đơn vị chuyển phát tư nhân sang công ty lớn dù mức giá vận chuyển cao hơn. “Đúng là giờ mình mới nghĩ tới chuyện này, đùng cái họ nợ cả chục triệu tiền hàng thì coi như shop phá sản. Mình buôn bán nhỏ lẻ nên giờ phải chú ý”, chị Trang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Thúy (chuyên đặt hàng Mỹ) cho hay, rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, chị chỉ nhận giao hàng thu tiền sau với những đơn vị uy tín. “Thường thì các đơn vị giao hàng công ty nhỏ có mức phí rất thấp, họ chăm sóc chu đáo và tới nhà lấy hàng, mình không phải đi nhiều. Còn một số đơn vị lớn, mình phải mang hàng ra tận hơn, viết yêu cầu và kiểm hàng rất mất thời gian. Nhưng để đảm bảo an toàn thì giờ cũng phải chịu khó”, chị nói.
Chiều người mua
Với sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử kéo theo việc tăng nhanh loại hình giao hàng nhanh tự phát, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Do thói quen của người Việt chỉ thích trả tiền khi nhận được hàng nên số lượng đơn hàng nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng chỉ chiếm hơn 10% giao dịch online. Theo khảo sát thực hiện trên 3.000 khách hàng của Sapo, giao hàng thu tiền là hình thức được sử dụng thường xuyên tối thiểu 1-2 lần/tuần nhiều nhất (63% shop dùng thường xuyên).
Thực tế, dịch vụ COD không người bán nào mong muốn, chỉ vì người mua thích nên người bán phải chấp nhận. Đối với các chủ shop, COD ẩn chứa khá nhiều rủi ro, như tỷ lệ hàng hoàn cao hơn, nhiều khi không những phải nhận lại hàng mà phải mất phí ship gấp đôi. Nếu không làm việc với công ty uy tín, rủi ro cho người bán là có thể mất trắng số tiền hàng..
Người Việt vẫn có thói quen mua hàng trả tiền |
Không chỉ bị mất tiền nếu công ty chuyển phát bất ngờ ngừng hoạt động, chuyển hàng COD còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như câu chuyện của anh Nguyễn Thành Trung (chuyên kinh doanh thực phẩm) mới đây. Anh Trung có chuyển đơn hàng hơn 500 nghìn đồng thực phẩm tới cho một khách hàng ở Hải Dương.
Tuy nhiên, ba ngày sau khách hàng này vẫn không nhận được hàng. Khi kiểm tra lại, người giao hàng cho biết không liên lạc được với người nhận. Còn phía người nhận thì giải thích do sim hỏng. Hàng giao chậm bị hỏng nên đã được nhân viên giao hàng hủy. Trong khi đó, anh Trung không biết về việc này.
Hiện tại, cả người giao hàng và người mua đều có giải thích thỏa đáng, còn anh Trung chịu thiệt khi hàng không tới người nhận, trị giá đơn hàng hơn 500 nghìn coi như “trắng tay”.
Anh Trung đã từng gặp trường hợp hãng vận chuyển không liên hệ được với bên mua, sản phẩm đó bắt buộc phải trả lại cho bên gửi. Khi đó, bên bán phải chịu phí chuyển hàng 2 chiều, phí COD.
Đưa ra lời khuyên cho các chủ shop, đại diện Sapo cho rằng, các shop nên lựa chọn các đơn vị vận chuyển lớn, uy tín. Hiện tại có nhiều nền tảng, phần mềm quản lý bán hàng cũng có sàng lọc tích hợp với các bên vận chuyển uy tín để quản lý trực tiếp các vận đơn, công nợ,...
Nhiều shop bán hàng nhỏ thường vào các group trên Facebook để thuê shipper. Anh Vũ Công Học (chủ shop cá Koi Bác Hường) cho biết, các đơn hàng gửi xa, giá trị lớn thu tiền sau, anh đều bắt đặt cọc 50%. Trong trường hợp khách không nhận hàng, anh vẫn giữ khoản đặt cọc này.