Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dương Chí Dũng nằm tù bao năm, Vinalines chưa thoát vũng lầy nợ nần

Doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Vinalines chưa thể gây bất ngờ trong phiên IPO sau khi thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Gánh nặng lỗ và nợ nần thời kỳ hậu Dương Chí Dũng vẫn còn rất lớn.

Theo Sở GDCK Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV Vinalines - vừa thực hiện phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với kết quả chỉ bán được 1,1% lượng cổ phần chào bán (0,38% vốn của doanh nghiệp), tương đương khoảng 54 tỷ đồng.

Tổng cộng chỉ có 41 nhà đầu tư trung thầu gần 54,4 triệu cổ phần với giá bình quân 10.002 đồng/cp

Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển, logistics, cảng biển tại Việt Nam Vinalines hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn với lỗ lũy kế tới cuối 2017 lên tới hơn 3,2 ngàn tỷ đồng. Tài sản lớn đạt trên 28 ngàn tỷ đồng nhưng nợ khổng lồ.

Trước đó, Vinalines lên kế hoạch chào bán 207 triệu cổ phiếu, tương đương 14,8% cho các nhà đầu tư chiến lược nhưng bất thành, cho dù đã có SK Holdings của Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm.

Vinalines có kế hoạch thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên, rút toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả IPO của Vinalines có thể sẽ khiến việc thoái vốn trở nên khó khăn hơn.

Vinalines sở hữu nhiều doanh nghiệp cảng biến và vận tải biển. Đa số doanh nghiệp vận tải biển đều thua lỗ như: Vosco, Vistranschart, Vinaship,... Trong khi, doanh nghiệp cảng biển như Cảng Hải Phòng (PHP), Cảng Sài Gòn (SGP)... làm ăn hiệu quả.

 

Vinalines gặp khó khăn từ cả chục năm nay do doanh nghiệp này cũng như các công ty con vay nợ lớn để đầu tư đội tàu biển, trong khi giá dịch vụ vận tải giảm mạnh cả chục lần sau cuộc khủng hoảng 2008. Những món nợ hàng ngàn tỷ đồng bắt đầu lộ diện thời ông Dương Chí Dũng giữ vị trí Chủ tịch HĐTV Vinalines.

Hậu quả mà Vinalines để lại cho nền kinh tế đất nước được đánh giá là rất nặng nề với những món nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng và đã từng có nguy cơ dẫn đến phá sản một doanh nghiệp vận tải biển lớn của đất nước.

Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu của một số công ty con của Vinalines tăng mạnh trở lại. Cổ phiếu Vosco (VOS) tăng trần 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, giá vẫn ở mức rất thấp: 1.780 đồng/cp. Vosco vẫn thua lỗ trong hai quý đầu năm 2018 và tổng nợ gấp khoảng 5 lần so với vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn cũng gấp hơn 2 lần vốn chủ.

Vinaship (VNA), một công ty con khác của Vinalines cũng ở trong tình trạng tương tự, nợ lớn, thua lỗ và có giá cổ phiếu ở mức 1.300 đồng/cp.

Trong vài năm gần đây và cả những tháng đầu năm 2018, dòng vốn ngoại vẫn chảy vào Việt Nam mạnh thông qua kênh FDI và trên thị trường chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần. Các NĐT nước ngoài vẫn quan tâm tới các doanh nghiệp Việt, nhất là sau khi room ngoại tại một số đơn vị được mở lên tới 100%.

Làn sóng góp vốn, mua cổ phần các dự án trong nước đến từ nhà đầu tư đến từ Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,... Tuy nhiên, phần lớn chảy vào lĩnh vực bất động sản.

Gần đây, một số dự báo như của SSI Research cho thấy, khả gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp do dòng vốn quay lại các thị trường phát triển trong đó có Mỹ, sau khi nền kinh tế số 1 thế giới khả quan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và 1 đồng USD tăng giá.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung của Việt Nam, khối ngoại vẫn đang tiếp tục bán ròng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động, xây dựng, dầu khí vẫn chịu áp lực giảm.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu dệt may tăng mạnh nhờ triển vọng tốt. Nhiều cổ phiếu tạo đáy ở giai đoạn đầu tháng 7 và đi lên.

Một số công ty chứng khoán hận trọng hơn trong các dự báo.

Theo đánh giá của BSC, biến động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại, hoạt động cơ cấu khối ngoại và sự suy yếu của các cổ phiếu lớn trong kỳ cơ cấu ETFs sẽ hạn chế đà hồi phục thị trường trong tháng 9. Chỉ số biến động khó lường và tạo vùng tích lũy dưới 950 điểm. Thị trường tận trọng trước việc Mỹ áp thuế 200 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc và khả năng Fed nâng lãi suất

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường sẽ cần một vài phiên tích lũy trước khi hồi phục trở lại. Dòng tiền bắt đáy có thể hoạt động tích cực hơn trong các phiên tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9, VN-index giảm 7,5 điểm xuống 968,44 điểm; HNX-Index giảm 0,76 điểm xuống 110,47 điểm. Upcom-Index giảm 0,58 điểm xuống 50,97 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.