5 mẹo lái xe tiết kiệm xăng
- 16:10 05-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chương trình Honda Fuel Challenge tổ chức cho báo chí cuối tháng 8 với cung đường Đắk Lắk - Đà Lạt - Nha Trang, kết hợp giữa đường trường, cao tốc, đèo núi, đường xấu. Sau 400 km, kết quả tốt nhất của CR-V là 5,5 lít/100 km, thấp hơn con số 6,9 lít/100 km mà Cục đăng kiểm thử nghiệm. Với Jazz, chiếc hatchback cỡ B tiêu thụ 4,5 lít/100 km, cũng thấp hơn con số của Cục đăng kiểm là 5,6 lít/100 km.
Để đạt được mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn nhiều so với khi chạy trung bình, các tay lái có thành tích tốt chia sẻ những bí quyết như sau.
1. Đều ga ở dải tốc độ phù hợp
Đều ga ở đây không có nghĩa là giữ đều tốc độ mà phải đều vòng tua máy. Với từng xe, tài xế phải tự chọn cho mình dải vòng tua phù hợp, khi đó xe không phải nặng nhọc kéo tải quá lớn, nhưng cũng không hao phí vì tua cao. Với CR-V, mức vòng tua phù hợp khoảng 1.500 vòng/phút, khi đó tốc độ trung bình khi xe đã ổn định đạt 65-70 km/h, nếu quãng đường đủ lớn để tạo trớn, có thể lên tới 80 km/h. Với Jazz, ngưỡng hợp lý là khoảng 1.100 vòng/phút.
Tài xế không nên lấy tốc độ làm căn cứ để tính toán việc tiết kiệm. Nhiều tài liệu nói khoảng 60-80 km/h là tối ưu để tiết kiệm nhưng không có nghĩa là bạn luôn cố gắng để giữ tốc độ này bất kể địa hình. Nếu xe lên dốc, hãy cứ để xe chậm lại nhưng duy trì vòng tua phù hợp, khi đó lượng xăng phun vào buồng đốt sẽ không vọt lên bất thường.
2. Tính đà chạy
Cần tính toán điều kiện giao thông để chọn tốc độ phù hợp. |
Tính đà chạy đúng đắn có thể giúp xe lao đi bằng trớn mà không nhồi ga. Ví dụ khi lao trên dốc xuống, hãy nhìn xa sang dốc lên tiếp theo, nếu trống trải, cứ để xe tăng tốc nhanh khi xuống dốc và tận dụng trớn để vượt dốc tiếp theo. Tương tự trường hợp khác, nếu thấy đèn đỏ hoặc chướng ngại vật từ xa, chủ động buông chân ga và xe giảm từ từ, đến nơi dễ dàng đánh lái tránh, không cần phanh gấp. Mỗi lần dúi ga rồi phanh gấp, bạn đang đổ đi từng cốc xăng hao phí.
3. Sử dụng Cruise Control đúng lúc
Cruise Control giúp duy trì tốc độ, vì vậy chỉ nên dùng khi đi đường cao tốc bằng phẳng. Nếu dùng ở đường nhiều cua (cần giảm tốc) hoặc đường đèo (lên xuống liên tục), xe phải thay đổi lượng xăng bơm vào buồng đốt nhằm giữ tốc độ. Vì vậy, lúc ấy không có hiệu quả tiết kiệm.
4. Đổ đèo như thế nào
Nếu ghìm tốc phù hợp, tài xế có thể đổ hàng chục cây số từ đỉnh xuống chân đèo mà không phải đạp ga một lần nào. Hãm phanh về tốc độ an toàn là điều thường thấy, nhưng tài xế nên học cách sử dụng phanh bằng số. Với CR-V và Jazz, lẫy số trên vô-lăng phát huy hiệu quả. Nếu thấy xe lao quá nhanh, giảm về số thấp, thấy chạy chậm lại gẩy lên số cao, quán tính do độ dốc sẽ giúp tài xế kiểm soát tốc độ dễ dàng.
5. Về N không đạt hiệu quả
Về N khi xe lăn bánh tự do (không ga) thường được hiểu là cách tiết kiệm xăng, nhưng thực tế với xe hiện nay, nếu đang ở D, chỉ cần tài xế không đạp ga, xe sẽ hiểu đang lăn bánh theo quán tính để hạn chế tối đa lượng xăng phun vào buồng đốt, khi ấy bản thân xe đã tiết kiệm.
Quan trọng hơn, về N sẽ ngắt truyền động giữa hộp số và động cơ, bánh xe sẽ ít bám đường hơn, hiệu quả phanh động cơ cũng không còn nhiều. Do đó, theo Caranddriver, các hãng đều không khuyến khích về N khi xe đang trôi tự do.