Nghệ An: Lũ về tràn ngập các bản làng, do đâu?
- 14:47 05-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Do thủy điện "đua nhau" xả lũ?
Từ sáng ngày 30/8 các thủy điện trên địa bàn vùng thượng lưu sông Lam thi nhau xả lũ, từ thủy điện Khe Bố đến Chi Khê, Bản Vẽ, Bản Ang, Bản Cánh, Nậm Mô, Ca Nhăn… Mặc dù các cơn mưa trên địa bàn nhỏ, nhưng từ trưa đến chiều ngày 30/8 vùng hạ lưu các thủy điện này nước lũ đã dâng cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Lô Khâm Kha, Trưởng phòng NN&PTNN kiêm Phó ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tương Dương cho biết: “Vùng hạ lưu của thủy điện Bản Vẽ và Bản Ang là nơi hợp lưu của 2 con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, khởi nguồn của dòng sông Lam. Hai con sông này hợp nhất tại Cửa Rào rồi chảy về xuôi. Do lượng nước thượng nguồn của 2 con sông chảy về lớn hiện đã đạt cao trình cho phép nên nước về bao nhiêu phải xả bấy nhiêu. Bên cạnh đó phía dưới lại bị chắn bởi hai đập thủy điện Khe Bố và Chi Khê, mặc dù hai thủy điện này cũng được lệnh xả lũ, nhưng lượng nước dâng nhanh từ 2 thủy điện phía trên nên vùng giữa các thủy điện này xảy ra ngập lụt nghiêm trọng. Mặt khác, các trận lũ mấy năm vừa qua đã lắng đọng lượng phù sa lớn làm lòng sông dâng cao, do vậy khi các thủy điện Bản Vẽ và Bản Ang thi nhau xả lũ đã nhanh chóng làm mực nước dâng cao. UBND huyện và các ban ngành trở tay không kịp”.
Thủy điện Bản Ang đang xả lũ. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ một đoạn sông dài chừng 100 km nhưng có đến 11 thủy điện lớn nhỏ thi nhau xả lũ. Từ huyện Con Cuông lên Cửa Rào huyện Tương Dương là 2 thủy điện Chi Khê và Khe Bố.
Dọc theo dòng Nậm Mộ là các thủy điện Bản Ang, Nậm Mô. Bên cạnh đó là các thủy điện trên những sông, khe, suối khác như thủy điện Ca Nhăn 1 và 2, Bản Cánh, Ca Lôi, Nặm Cắn…mà lượng nước khi vận hành các thủy điện trên cũng chảy về sông này.
Trên dòng Nậm Nơn là Bản Vẽ, thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, chưa kể một số thủy điện nhỏ đang tiếp tục xây dựng như: thủy điện Xoỏng Con tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương.
Do lượng nước tại các đập thủy điện tích nước với cao trình cao để chạy các tổ máy phát điện nên khi lượng nước từ đầu nguồn các sông Nậm Nơn, Nậm Mộ từ Lào chạy về lớn, thủy điện phải xả lũ gấp để đảm bảo an toàn cho các đập. Từ đó, dù lượng mưa trên địa bàn không lớn, chỉ từ 50 – 80 mm nhưng vùng hạ lưu các thủy điện này bị ngập nặng.
Thủy điện Bản Vẽ 15h ngày 30/08 lượng xả là 2502 m3/s. Đỉnh điểm 9h ngày 31/08 lưu lượng xả đạt đến 4263 m3/s cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cao trình của thủy điện này là 200m và đã đạt đỉnh nên lượng nước về bấy nhiêu bắt buộc phải xả bấy nhiêu.
Thủy điện Bản Ang từ 23- 24h ngày 30 lượng nước xả đạt 720 m3/s. 8h44p cùng ngày lượng xả của thủy điện Nậm Mô cũng lên tới 500m3/s. Bên cạnh đó là các thủy điện nhỏ khác cũng dồn dập xả về dòng Nậm Mộ.
Việc các thủy điện thi nhau xả lũ đã để lại hậu quả nặng nề cho các địa phương như huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đến 15 h ngày 30/8 quốc lộ 7 đi qua đoạn Khe Bố (huyện Tương Dương) đã ngập sâu 20 cm. Trưa ngày 31/8 đã ngập tới 3m làm ba huyện miền núi phía tây nam Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn.
Nhiều đoạn đường trên QL7 bị sụt lún, hư hỏng. |
Tại huyện Tương Dương, nhiều hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do bị ngập sâu, sạt lở, lũ cuốn. Như xã Tam Thái trưa ngày 30/8 ba hộ gia đình phải di dời. Tại Bản Vẽ, xã Yên Na hai hộ nhà bị nứt nghiêm trọng do sụt lún. Bản Chắn xã Thạch Giám bị chia cắt hoàn toàn, tài sản của nhân dân các lực lượng chức năng phải hỗ trợ di dời lên các điểm cao.
Thiệt hại nặng nhất là tại huyện Kỳ Sơn. Hàng trăm gia đình và các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại nặng nè, nhà cửa, trụ sở chìm trong biển nước, nhất là 2 xã Mường Típ và Mỹ Lý.
Tại Mỹ Lý, lũ làm ngập 79 nhà dân, trong đó 41 nhà ngập nặng, 1 nhà bị trôi, 1 nhà bị sập. Tại Mường Típ, lũ làm sạt lở, ngập sâu hàng chục hộ gia đình, trường tiểu học hư hỏng nặng.
Nhà dân ở huyện Kỳ Sơn chìm trong biển nước. |
Cả 2 xã này bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống nhân dân và công tác cứu trợ rất khó khăn. Nhiều tài sản bị cuốn trôi, nhấn chìm. Nhiều cán bộ, công nhân viên bị mắc kẹt không ra nổi, có cơ quan phải huy động, thuê thuyền của dân để cứu hộ cho bà con và đưa cán bộ ra như Kiểm Lâm Kỳ Sơn…
Dọc theo vùng thượng lưu sông Lam, ngay từ trưa ngày 30/8 nhiều xã phải báo động khẩn cấp, huy động cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24h để sẵn sang ứng phó.
Mảnh đời éo le trong cơn lũ
Trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, phóng viên chúng tôi đã chứng kiến một hoàn cảnh cực kì éo le, đó là trường hợp thầy Cao Tuấn Trần Văn, dạy tại trường Tiểu học xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Thầy sinh năm 1978, quê xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, sau khi tốt nghiệp thầy lên nhận công tác tại trường tiểu học này, đến nay đã hơn 15 năm.
Ngày 1/8 sau một thời gian nghỉ hè, thầy lại khăn gói lên đường bước vào chuẩn bị cho năm học mới cùng các thầy, cô khác để chăm lo cho các em học sinh vùng cao xã Mường Típ.
Trường Tiểu học Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị bùn, đất đá bủa vây. |
Cơn bão số 3 đi, bão số 4 lại tới gây bao thiệt hại cho địa phương nói chung và ngôi trường nói riêng. Các thầy cô chung tay dọn dẹp, sửa chữa những hư hỏng do thiên tai để tạo điều kiện tốt nhất cho các học sinh khi vào năm học. Cả tuổi thanh xuân thầy đã dành trọn cho mái trường vùng cao này để ươm mầm tương lai cho con em các đồng bào dân tộc thiểu số.
Đóng trên địa bàn vùng cao, vùng sâu cực kỳ khó khăn, xa trung tâm huyện, ngoài thiếu thốn về vật chất, trong sinh hoạt, vui chơi, giải trí cũng bị hạn chế vì không có điện thường xuyên. Cả ngôi trường chỉ trông chờ vào cái máy điện nhỏ chạy bằng sức nước. Nó cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên khi nước cạn, lúc nước cao, còn nếu lũ về thì đành chịu. Trong sinh hoạt hàng ngày muốn mua sắm phải đi hàng chục km đường rừng lô nhô, trơn trượt, khổ nhất là vào mùa mưa, hầu như không đi lại được, do hay bị sạt lở.
Bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương bị nước lũ cô lập. |
Ngày 30/8, bố của thầy đột ngột qua đời, khi nhận được tin cũng là lúc lũ lên cao. Trong đêm tối mịt mùng thầy phải lặn lội đi bộ để về chịu tang cha tại phường Hà Huy Tập, TP.Vinh là nơi cách xa ngôi trường gần 300 km, mặc đường xá đi lại khó khăn, không có bất kì phương tiện nào có thể di chuyển được.
Tập thể giáo viên trường Tiểu học Mường Típ cũng như các cán bộ, nhân viên trên địa bàn như đồn biên phòng, lãnh đạo bản, xã đã tạo mọi điều kiện, động viên, giúp đỡ. Nhưng đi được khoảng 10 km đến Bản Sộp Khăm, xã Tà Cạ thầy cũng đành bất lực quay lại, vì đường sạt lở, bùn, đất đá ngập hàng mét, nước dâng cao.
Nhìn cảnh thầy nặng nề tha từng bước lúc trở về trường mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Không ngờ sang nhưng năm thập niên 20 của thế kỷ XXI mà vẫn còn những hoàn cảnh trớ trêu như vậy, trong rốn lũ hai tiếng chúng tôi chỉ biết thì thầm, đó là “giá như”? Giá như đất nước chúng ta hiện đại, đầy đủ các phương tiện cứu hộ? Giá như chúng ta có hệ thống cảnh báo lũ từ xa ? Giá như các thuỷ điện biết điều hòa nước một cách hợp lý để lũ về hạn chế tối đa những thiệt hại…
Trong mấy ngày theo sát những diễn biến của trận lũ lụt vừa qua, tiếp xúc nhiều với người dân địa phương cũng như một số cán bộ, công nhân viên chức, một điều chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều không đồng tình với việc xây dựng thủy điện tràn lan như hiện nay.
Phản ánh với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn bức xúc: “Không hiểu các nhà máy thủy điện nộp ngân sách bao nhiêu, lợi ích gì, nhưng cái hiện hữu trước mắt chúng tôi là sự thay đổi về thủy văn, nguồn nước canh tác, thiệt hại về hoa màu, gia súc, tài sản nhân dân. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì lũ lụt hoành hành, gây khó khăn cho chính quyền cũng như cuộc sống của bà con, trước đây thỉnh thoảng mới có lũ lụt nhưng không nặng nề như bây giờ”.
Do lũ lên cao nên nhiều đoạn trên QL& bị chia cắt. |
Các huyện miền núi tây nam Nghệ An là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Thái, Khơ Mú, Poong, Mông, Kinh… Cuộc sống còn nghèo, đất đai lại khô cằn, chủ yếu là rừng núi, đường xá đi lại khó khăn, sông ngòi dốc, chảy xiết. Do đó, việc các thủy điện thi nhau xả lũ dễ gây nên lũ ống, lũ quét gây thêm nhiều vất vả cho bà con nơi đây.
Đợt lũ lụt này cũng phơi bày một vấn đề nổi cộm, đó là dự báo về thủy văn trên tuyến đầu nguồn các con sông còn yếu kém. Mặc dù lượng mưa nhỏ, nhưng do nước từ Lào đổ về nhiều nên các hồ chứa nhanh chóng đạt đến cao trình cho phép và bắt buộc phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho các đập. Gíá như chúng ta có sự liên kết với nước bạn tốt hơn trong việc dự báo lưu lượng nước trên các con sông nước bạn, từ đó dự báo lượng nước đổ về Việt Nam thì sẽ chủ động hơn việc đối phó với thiên tai và không bị động như vừa qua.
Hậu quả nặng nề từ cơn bão số 4 chưa giải quyết xong, nay Nghệ An tiếp tục phải gánh chịu những thiệt hại lớn do sự xả lũ của các thủy điện trên địa bàn. Thiết nghĩ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cần rà soát lại ngay việc xây dựng thủy điện tràn lan như những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh lại công tác vận hành các nhà máy này một cách tối ưu nhất theo đúng tinh thần Quyết định 2125/QĐ-TTg ngày 11/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông cả để đảm bảo “quốc kế dân sinh”, tránh gây bức xúc, ảnh hưởng xấu trong dư luận, nhằm phát triển bền vững về mọi mặt từ kinh tế- xã hội đến an sinh, quốc phòng.