Dự án thủy lợi Bắc Nghệ An: Xoá bỏ các 'điểm nghẽn' về nước cho phát triển nông nghiệp
- 21:18 04-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Triển khai thi công từ đầu năm 2016, 3 gói thầu đầu tiên tại huyện Đô Lương đã được hoàn tất, điều đáng ghi nhận rõ nét nhất là sự vận hành của dự án đã xoá bỏ được các "điểm nghẽn" về tưới tiêu, cung cấp nước tại khu vực bán sơn địa với các đặc trưng: Luôn thiếu nước và hệ thống kênh mương chắp vá, tạm nợ từ nhiều năm nay.
Tại địa phương này, nhà tài trợ chấp thuận triển khai 5 khu vực kênh, phục vụ nước cho hơn 5.000ha diện tích gieo trồng, nâng cấp trạm bơm Văn Tràng 1 để đảm bảo công suất tưới 5225m3/s. Trong đó, đến thời điểm này đã hoàn tất 3 kênh có tác dụng vừa tưới vừa tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ với tổng chiều dài gần 10km, đưa vào vận hành trạm bơm mới. Trên hiện trường đã xuất hiện việc "thay máu" hệ thống thủy lợi cũ kỹ, lạc hậu ngày trước: Thay thế các kênh đất rộng từ 2-3m vừa lãng phí đất, vừa ngâm, thấm gây thất thoát số lượng nước lớn là hệ thống kênh lắp ghép bê tông thành mỏng có khẩu độ dưới 1m, vừa đảm bảo tối đa nhu cầu nước, vừa hình thành tuyến đường dân sinh thuận lợi việc vận hành sản xuất.
Thay thế hệ thống xuống cấp trước đây là những dòng kênh gọn nhẹ, tiết kiệm đất, thoả mãn điều kiện tưới tiêu khó khăn của vùng bán sơn địa miền Trung du Nghệ An |
Có mặt tại các xã là bức xúc một thời của việc tưới tiêu ruộng đồng như Thịnh, Tân, Minh Sơn, PV báo PL&XH nhận thấy sự hài lòng của bà con nông dân đối với việc vận hành hệ thống thuỷ lợi mới này. Ông Chủ nhiệm HTX Tân Sơn cho biết: Kênh bê tông thiết kế phù hợp vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo năng lực tưới tiêu, thậm chí có khu vực đã nâng diện tích phục vụ từ 40 lên 90ha.
"Vùng bán sơn địa này thuộc cuối kênh,cao hơn khu vực đồng bằng nên các năm trước thường xuyên bị khô hạn,lưu lượng nước luôn thiếu. Với hệ thống này và quy trình ưu tiên nước cho vùng này lấy trước từ 2-3 ngày lúc vào vụ thì rất thuận lợi cho việc canh tác cũng như nâng cao năng suất cây trồng"-Ông khẳng định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật BQL Dự án cho biết: Ban đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản chỉ đạo Cty tư vấn HECC2 khảo sát kỹ lưỡng thực trạng, thiết kế các tuyến kênh theo hướng gọn nhẹ, khắc phục các hạn chế về địa chất, địa hình, ứng dụng công nghệ Nhật phù hợp với đồng ruộng Nghệ An. Theo đó, tại Đô Lương tập trung vào các kênh KN36, KN2, KN47... với mục tiêu: Xoá bỏ tình trạng "thượng điền tích thủy, hạ điền khan" đã tồn tại trong thời gian chưa triển khai chương trình.
Kết quả bước đầu của việc xoá bỏ các "điểm nghẽn" về tưới tiêu nước nói trên sẽ được mở rộng, triển khai trong quá trình thực hiện dự án tới đây, nhất là các địa phương có điều kiện tương tự như Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Mặc dù vậy, nỗi lo lắng đã xuất hiện, cần sự quan tâm, vào cuộc của UBND tỉnh Nghệ An. Đó là tình trạng sau khi hệ thống được vận hành thuận lợi, việc mất an toàn, lãng phí trong sử dụng nước phát sinh, có nguy cơ diễn biến phức tạp mà biểu hiện cụ thể là người dân tự ý đục phá lòng,thành kênh.
Chỉ tính riêng khu vực 3 xã thuộc gói KN 36 đã có tới 17 vị trí đục phá với đường kính lỗ từ 10-30cm, vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa có trường hợp nào bị xử lý. Mặt khác, UBND huyện Đô Lương và Cty Thủy nông Bắc Nghệ An chưa phối hợp để ban hành quy trình vận hành hệ thống theo quy định của pháp luật dẫn tới thiếu cơ sở, căn cứ quy trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị liên quan trong ngăn chặn,xử lý tình trạng này.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng nước hợp lý, trợ giúp cho các khu vực có điều kiện khó khăn hơn... chậm được triển khai cũng sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, mà sự khởi đầu của nó đang tích cực, suôn sẻ như hiện nay.