Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nhiều hộ dân ‘bỗng dưng’ mất đất rừng?

Mới đây, nhiều hộ dân nghèo tại xã Thanh Thủy (Thanh Chương – Nghệ An) cử đại diện gửi đơn tới báo phản ánh việc đất lâm nghiệp của họ “bỗng dưng” hao hụt từ vài ha đến hàng chục ha sau khi chuyển đổi từ sổ xanh sang sổ đỏ.

Nhiều mập mờ trong quá trình chuyển đổi sổ xanh sang sổ đỏ?

Cụ thể, theo đơn thư anh Nguyễn Đình Diện (Thôn 3 xã Thanh Thủy) cho biết:

“Năm 1998 gia đình chúng tôi được nhà nước giao 9,6 ha đất lâm nghiệp để khoanh nuôi và bảo vệ. Trong quãng thời gian đó chúng tôi đã được nhận tiền bảo quản rừng với đủ diện tích 9,6 ha. Đến năm 2001, gia đình tôi đã được cấp sổ xanh với đúng diện tích 9,6 ha và mốc giới như thực địa chúng tôi sử dụng.

Tuy nhiên, đến năm 2004, theo Nghị định 163 của Chính phủ về việc chuyển đổi, thừa kế từ sổ xanh sang sổ đỏ. UBND xã Thanh Thủy yêu cầu các hộ dân nộp lại sổ xanh, và gia đình chúng tôi cũng đã nộp lại sổ xanh cho địa chính xã.

Sau một thời gian, nhiều hộ dân đã có sổ đỏ, gia đình tôi vẫn chưa có. Tới năm 2006, tôi có làm đơn kiến nghị lên UBND xã thì nhận được câu trả lời rằng sổ của gia đình chúng tôi đang thất lạc. Sau nhiều kiến nghị lên các cấp cuối cùng tới năm 2009, gia đình chúng tôi đã nhận được bìa đỏ nhưng với diện tích chưa đến 2ha (Hao hụt diện tích so với bìa xanh hơn 7ha – PV).

Điều khiến tôi thắc mắc lớn nhất là, sau khi nộp lại sổ xanh, UBND xã không hề thông báo rằng sẽ tới đo đạc lại thực địa cho gia đình, chúng tôi không hề hay biết họ có tới đo lại hay không, cũng như không yêu cầu các hộ dân khác ký giáp ranh và chỉ mốc giới về thửa đất của mình nhưng vẫn được cấp sổ đỏ bình thường?.

Sau khi xem lại sổ đỏ, chúng tôi nhận thấy không có sự trùng khớp diện tích với sổ xanh, bố tôi là ông Nguyễn Công Hòa đã gặp chủ tịch UBND xã Thanh Thủy hồi đó là ông Nguyễn Hữu Hoan để hỏi rõ. Và ông Hoan trả lời rằng: Đất nhà ông tới đâu thì ông cứ làm, không ai tranh chấp đâu.

Cho tới bây giờ, đất của gia đình tôi đã bị người khác tới tranh chấp, tuy nhiên sau nhiều lần làm đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu đính chính lại diện tích trong bìa nhưng đều không được giải quyết”.

Trao đổi với chúng tôi, Bà Nguyễn Thị Hoa cùng thôn xót xa nói: “Gia đình tôi và gia đình anh Diện cùng được nhà nước giao rừng vào năm 1998, đều được nhận tiền bảo quản rừng từ nhà nước, tới năm 2001 đã được cấp sổ xanh mang tên chồng tôi là ông Đậu Quang Sửu với số diện tích 8,4 ha. Nhưng sau khi UBND xã Thanh Thủy yêu cầu nộp lại bìa xanh thì đến bây giờ gia đình tôi vẫn không có sổ đỏ và hoàn toàn mất số đất lâm nghiệp đã được giao trước đó. Gia đình tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng. Mới đây tôi có lên văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Thanh Chương để hỏi thì nhận được câu trả lời của ông Huy giám đốc rằng: Sau khi rà soát bản đồ lâm nghiệp mới của xã Thanh Thủy thì không hề có tên của chồng bà là ông Đậu Quang Sửu trong danh sách”. 

 (Ảnh minh họa)

Sổ xanh lưu trữ tại UBND huyện đã “biến mất” một cách trùng hợp?

Sau khi nhận được phản ánh trên, Phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Thanh Chương với mong muốn tìm lại sổ xanh đối chiếu với nội dung mà đơn thư phản ánh. Tuy nhiên sau 2 tuần tìm kiếm chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: Phòng Tài nguyên và môi trường đã tìm và kiểm tra hồ sơ đang lưu trữ tại UBND huyện, kết quả là không tìm thấy.

Theo PV tìm hiểu, hiện tại UBND huyện Thanh Chương chưa nhận được chỉ thị nào cho phép hủy sổ xanh đã nộp lại của dân, và tất cả đều được lưu trữ tại phòng Tài nguyên và môi trường huyện, vậy tại sao sổ xanh của các hộ gia đình trên lại “biến” mất một cách trùng hợp đến vậy?.

Để rộng đường dư luận, PV đã tiếp tục đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Chương và UBND xã Thanh Thủy ngay sau đó.

Trả lời câu hỏi về sự việc trên, ông ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chỉ trả lời ngắn gọn rằng huyện chưa nhận được phản ánh. (Trong khi người dân đã gửi đơn lên UBND huyện trước đó - PV).

Còn ông Bùi Xuân Hùng địa chính xã Thanh Thủy nói: Ở thời điểm giao đất Lâm nghiệp, xã Thanh Thủy chưa có bản đồ Lâm nghiệp mà lúc giao cho các hộ gia đình thời điểm đó là rừng rậm không thể đo cụ thể mà đứng từ xa chỉ ranh giới cho các hộ theo đường phân thủy, còn về diện tích của từng hộ thì chỉ ước lượng. Chính vì vậy nên không có sự trùng khớp diện tích.

Lý giải về việc người dân phản ánh chênh lệch quá nhiều diện tích từ vài ha đến hàng chục ha, trong khi UBND xã không về đo thực địa để cấp lại sổ đỏ, và hiện tại thực địa mà các hộ dân đó sử dụng vẫn đúng diện tích và mốc giới như trên sổ xanh năm 2001. Ông Hùng nói rằng, việc không đo lại thực địa là không đúng, chúng tôi có đoàn đo đạc và có các hộ dân ký tên đầy đủ.

Còn với hộ dân mất luôn cả đất và sổ xanh, không có hồ sơ bản đồ trên phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ông Hùng chỉ lý giải đơn giản với PV rằng: Vì đó là đất “khác” nên không được cấp lại bìa.

Theo chúng tôi, còn có nhiều điểm bất thường trong vụ việc này, mong các cơ quan chức năng cần làm rõ để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các hộ gia đình trên.