Hiệu trưởng đột ngột đổi tên lớp 1, phụ huynh nháo nhác
- 09:09 04-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đau đầu chuyện chia trường, chia lớp
Việc nhà trường bỗng tiến hành đổi tên lớp học đột ngột khiến nhiều phụ huynh có con vừa vào lớp 1 bất ngờ.
Câu chuyện xuất phát từ việc do lượng hồ sơ học sinh có nhu cầu vào lớp 1 tại trường quá đông.
Rất đông phụ huynh đã tụ tập đến trường để nghe bà Đinh Thi Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát giải thích về việc đổi tên lớp con em mình kèm việc chuyển chỗ học một cách bất thường. |
Năm nay, ở khu đô thị Đặng Xá, tổng số hồ sơ học sinh có nhu cầu vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát lên đến 628 em.
Con số này vượt xa chỉ tiêu và cơ sở vật chất mà nhà trường có thể đáp ứng. Do đó, sau khi Trường Tiểu học Trung Thành đi vào hoạt động, tính toán đến việc đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh về sĩ số, UBND huyện Gia Lâm đã có quyết định luân chuyển một số học sinh theo phương án toàn bộ học sinh thuộc Khu đô thị Đặng Xá xã Cổ Bi chuyển sang học tại Trường Tiểu học Trung Thành (số này là 230 em). Khi đó, số học tại Trường TH Cao Bá Quát chỉ còn 398 em và đảm bảo cơ sở vật chất của cả 2 trường TH Trung Thành và TH Cao Bá Quát với sĩ số từ khoảng 40-50 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, khi triển khai phương án này thì các phụ huynh phản ánh đường đến trường TH Trung Thành không thuận tiện. Một số phụ huynh phản ứng gay gắt với phòng GD-ĐT, UBND huyện và Ban giám hiệu nhà trường không đồng ý chuyển con em họ đến Trường TH Trung Thành với nhiều lý do.
Để đáp ứng nguyện vọng của các phụ huynh, huyện Gia Lâm đành quyết định nhận học sinh thuộc đối tượng ưu tiên diện 1,2,3 học tại trường cho đến khi đủ chỉ tiêu mà Trường TH Cao Bá Quát có thể đáp ứng là 350.
Song số lượng đạt điều kiện lại lên đến 540 em.
Với số lượng 540 học sinh, cơ sở vật chất của trường không đủ để đáp ứng, vì vậy UBND và phòng GD-ĐT huyện phải ra phương án là chuyển 3 lớp 1 sang học “tạm” tại Trường THCS Cao Bá Quát ngay cạnh TH Cao Bá Quát.
Theo phương án tình thế của UBND huyện, 3 phòng học mượn của Trường THCS Cao Bá Quát sẽ bố trí cho 3 lớp 1 ngẫu nhiên (1A8, 1A9, 1A10).
Ngay sau quyết định 3 lớp bị chuyển, thì theo lời nhiều phụ huynh, sau ít giờ đồng hồ, hiệu trưởng Đinh Thị Băng Tâm có một quyết định “lạ lùng” là đổi tên các lớp.
Chị Lê Huệ (phụ huynh lớp 1A5) chia sẻ: “Đùng một cái, trường có quyết định là sẽ có 3 lớp phải chuyển sang học ở trường THCS là A8, A9 và A10. Nhưng ngay sau đó, trường thông báo các lớp A4,A5,A6 bị đổi tên thành A8,A9,A10 và bị chuyển đi, còn các lớp A8,A9,A10 đổi thành A4,A5,A6 và được ở lại trường. Quyết định đổi tên lớp này không hề được nhà trường thông qua trước với phụ huynh, mà đầu giờ sáng hôm đó giáo viên chủ nhiệm nhắn tin các con trước đây học A4,A5,A6 sẽ chuyển lên phòng học của các lớp A8, A9, A10. Chúng tôi hỏi tại sao đổi lớp mà không được thông báo trước thì cô giáo bảo rằng đổi lớp là việc của trường mà việc đổi là chuyện bình thường”.
Anh Trung, cũng là một phụ huynh khối 1 chia sẻ: “Sao những người đáng lý ra phải chuyển ban đầu thì không phải đi mà những học sinh có hộ khẩu vốn đúng chuẩn được ở lại thì phải chuyển đi?”.
Một phụ huynh khác chia sẻ: “Nếu ban đầu quy định 3 lớp sang THCS, kể cả xác định từ đầu 3 lớp A4,A5, A6 từ đầu thì chúng tôi cũng đồng ý vì nó khách quan, nhưng nhà trường bỗng đổi tên lớp một cách bất thường và khó chấp nhận”.
Phụ huynh thắc mắc việc chon chuyển địa điểm học |
Trước những câu hỏi trên, bà Đinh Thị Băng Tâm, hiệu trưởng nhà trường cho hay, khi thực hiện theo phương án này nhà trường gặp phải khó khăn đó là lựa chọn 3 lớp nào học 1 năm tại trường THCS Cao Bá Quát.
Vị này lý giải: “Với phương án của UBND huyện đưa ra là lựa chọn 1A8, 1A9, 1A10, thì thực sự chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều để làm sao khi các con sang bên trường THCS học thì phải đảm bảo độ an toàn và khung thời gian học tập. Khi đó, ban giám hiệu đã mạnh dạn đưa ra những tiêu chí để hội đồng nhà trường thống nhất để lựa chọn các lớp”.
Bà Tâm cũng thừa nhận chưa làm theo đúng phương án của UBND huyện chỉ đạo.
“Tên lớp thì trong thời gian hè chỉ mới là dự kiến, thứ hai là suy nghĩ giữ nguyên các cô giáo chủ nhiệm theo từng lớp mà các con đã quen rồi. Tuy nhiên, giáo viên được lựa chọn sang THCS thì phải là những người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm. Tiêu chí thứ 3 chúng tôi đưa ra là muốn lựa chọn những cô mà nhà ở trong khu đô thị Đặng Xá để có thể đến trường sớm hơn, có thể quản lý các con trong thời gian trước giờ vào học.
Xét ra thì trong trường chỉ có 5 giáo viên ở Khu đô thị Đặng Xá là các cô Vân Anh, Thắm, Vân, Ngọc và Hương. Tuy nhiên, cô Vân Anh lớp 1A9 là tổ trưởng chuyên môn nếu chuyển sang bên THCS dạy thì việc triển khai những công việc chuyên môn sẽ gặp khó khăn, bởi nhà trường có thể tranh thủ giờ ra chơi họp tổ trưởng để trao đổi chuyên môn. Cô Trà của lớp 1A10 là một cô giáo hợp đồng trình độ chuyên môn tốt nhưng kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm thì chưa nhiều, chưa kể nhà hơi xa.
Cô Thúy lớp 1A8 nhà ở Sài Đồng quãng đường đi đến trường xa vì vậy trong đô thị chỉ còn lại 3 cô là cô Vân, cô Ngọc và cô Hương và cô Thắm. Cô Thắm được phân làm tổ phó, chúng tôi tính đưa cô sang để cô thay mặt tổ trưởng quản lý nhóm giáo viên bên đó và học sinh của nhà trường. Trong 3 cô Vân, Ngọc và Hương thì chúng tôi chọn 2 cô để đưa sang với quan điểm giữ nguyên cô, nguyên lớp và chỉ thay tên lớp”, bà Tâm giải thích cho sự thay đổi đó dù thừa nhận làm chưa đúng theo phương án mà UBND huyện đưa ra.
Theo bà Tâm, nhà trường cố gắng ưu tiên lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cứng, có điều kiện đi sớm để quản lý học sinh.
Quyết định “lạ” của bà Tâm thực tế nhằm “hợp thức hóa” công văn của UBND huyện Gia Lâm đưa ra là chuyển các lớp A8, A9, A10.
Thậm chí nhiều phụ huynh còn đặt ra nghi ngờ nhiều hơn vì chính bà Tâm từng nhắc đi nhắc lại điều này trước những ý kiến của phụ huynh: “Đây là một ngôi trường công lập, tất cả các hoạt động phải xin ý kiến và sự chỉ đạo của cấp trên, nhà trường không thể tự quyết được những quyết định của mình”.
|
Ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho hay, UBND huyện ra quyết định phương án với các đối tượng ưu tiên, nhưng tổng 350 chỉ tiêu thì ngay diện ưu tiên 1 có hộ khẩu thường trú đã là 269. Còn số còn lại nữ nên cuối cùng chúng tôi phải đưa phương án là xét cả 3 đối tượng ưu tiên thì tổng số là 537.
“Số này không thể xếp vào hết 7 lớp học được. Bởi các học sinh lớp 1 nếu ngồi 70 em/lớp thì không thể học được. Như vậy, phải xếp thành 10 lớp và đều không thể đẩy con người khác ra để con mình được học trong 7 lớp đó. Chúng ta nghĩ lợi ích cho mình nhưng cần phải nghĩ đến cả lợi ích chung”, ông Cường nói.
“Chúng tôi chẳng biết lớp nào là A1 lớp nào là A10. Để khách quan nhất, chúng tôi đã ban hành phương án đó là lấy ngẫu nhiên từ A1 đến A7 học ở trường tiểu học, tức không biết A1 gồm những con nhà ai hay A10 có con ai. Còn lại các lớp A8, A9 và A10 chuyển sang học bên trường THCS”.
Ông Cường cho hay, việc đổi lớp của nhà trường là thực hiện chưa đúng phương án mà UBND huyện đưa ra, tên các lớp phải chuyển về như ban đầu và giáo viên đã dạy lớp nào thì giữ nguyên.
Theo ông Cường, phương án mượn tạm phòng học ở trường THCS Cao Bá Quát là tạm thời. “Thực tế trên địa bàn huyện rất nhiều trường phải thực hiện phương án này chứ không phải riêng Trường TH Cao Bá Quát. Do đó phải thông cảm vì thiếu cơ sở vật chất.
Phòng GD-ĐT chỉ đạo nhà trường cố gắng đảm bảo bố trí cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn đối với học sinh lớp 1, đảm bảo cố gắng có một không gian riêng, khu vệ sinh riêng cho các con lớp 1”.
Theo ông Cường, các phụ huynh cũng phải chia sẻ vì ai cũng có nguyện vọng học ở đây nhưng vì điều kiện không cho phép nên nếu con mình không sang đó học thì con nhà khác sẽ phải sang học, chứ không thể đủ chỗ để 100% học cả ở trường tiểu học được.
Ông Cường cũng bày tỏ mong muốn các phụ huynh có con học lớp A8,A9, A10 chia sẻ với UBND huyện, phòng GD-ĐT và nhà trường để giải quyết tình hình.
(còn tiếp...)