Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện về cặp 'vợ cả, bà lẽ' sống trên 100 tuổi

Có một gia đình mà người dân xóm 8 xã Khánh Sơn, Nam Đàn nay vẫn nhắc đến với niềm yêu thương, kính trọng, đó là vợ chồng ông Giáo. Điều khác biệt và độc đáo là bà Giáo vợ cả đã đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Và 2 bà vợ đều sống hòa thuận, thọ trên 100 tuổi.

Ông Giáo làng

Ngày ấy ông Phạm Viết Chính làm nghề “gõ đầu trẻ”, từ cái tên gắn với nghề đã trở thành tên gọi của cả ông và vợ cả: Ông bà Giáo.

Ông giáo Phạm Viết Chính sinh năm 1900 (mất năm 1960) trong một gia đình khá giả của làng Đông Sơn, tổng Nam Kim, vốn thông minh đĩnh ngộ và được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn.

 Một góc làng Đông Sơn xưa, Khánh Sơn nay. Ảnh: Hải Vương

Ông học Quốc học Huế, từng đậu Cửu phẩm dưới thời Nguyễn. Vì thế, ông còn được gọi là ông Cửu Chính. Sau một thời gian dạy học ở Huế, ông Giáo về quê, theo dạy ở nhiều nơi như Con Cuông, Hưng Nguyên, Nam Đàn…

Ông dạy cả Việt văn lẫn Pháp văn. Mỗi lần ông đi dạy học xa, đều có người theo cùng quẩy gánh sách vở, tư trang. Phong thái điềm tĩnh, đạo mạo, lối ăn vận chỉn chu, tấm lòng nhân hậu, lại có tiếng giỏi giang, thông tuệ, ông đến đâu cũng được yêu kính.

Người làng còn kể, ông Giáo gần như là người hiếm hoi trong vùng có chiếc xe đạp đầu tiên. Mỗi lần ông đi xe đạp, ngang qua các bà đi chợ đang gồng gánh nặng vai trong làng, ông đều dừng xe, dắt qua các bà một đoạn xa mới bắt đầu lên xe để đi. Ông cũng là người có cái tủ sách lớn nhất vùng, trong đó có rất nhiều sách tiếng Pháp, có thể là những cuốn tiểu thuyết. Tiếc là những năm lũ về, khi cả nhà phải đùm nắm lên núi trú lũ, tủ sách dần vơi cạn do thất lạc, mất mát, hư hại.

 Bức hoành phi niên hiệu Bảo Đại ban cho ông Giáo. Ảnh: Lê Thắng

Theo lời kể của ông Phạm Viết Thanh, người xóm 8 Khánh Sơn năm nay đã 90 tuổi, thì cả làng mình xưa, ai cũng cúi chào khi chạm mặt ông Giáo. “Ông là thầy dạy của hầu hết lớp người làng chúng tôi thời ấy. Suốt cả một đời, ông tận tâm với nghề. Chưa bao giờ thấy ông to tiếng, ngay cả với con cái trong nhà.

Và đã nhắc về ông Giáo, thì không thể không nhắc đến bà Giáo. Cả đời, chồng đi miết với cái chữ, là việc gia đình một tay bà ấy chèo chống, không chỉ nuôi con mình, nuôi cả những đứa cháu, nuôi dạy cả con bà vợ thứ. Cả tổng này, ai cũng cho rằng, bà Giáo là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt. Không chỉ bởi bà duyên dáng, khéo léo, nhân hậu, biết thu vén đâu, mà bà ấy lại là người lặn lội cắp nón đi… hỏi vợ 2 cho chồng”.

Hai người vợ thọ trên 100 tuổi

Bà Giáo tên thật là Hà Thị Gấm, sinh cho ông Giáo 5 người con trong đó có 3 người con gái và 2 người con trai. Chẳng may 2 người con trai và một con gái mất sớm. Bà bàn tới bàn lui với ông Giáo, hay là ông đi tìm hiểu xem có ai thuận mắt, thuận lòng, ông cưới về làm lẽ? Ông Giáo nhất quyết không chịu.

 Tấm ảnh còn lại của bà Giáo. Bà sống đến 100 tuổi và cùng chung dưới 1 mái nhà với bà Dị, người vợ thứ 2 của ông Giáo. Ảnh: GĐCC

Lúc ấy, bà Giáo mới nghĩ, mình phải “ra tay” đi tìm vợ cho ông. Người làng kể lại, bà kỳ công lắm. Bà tính, ông Giáo là người có chữ, hiểu biết, tinh tường, phải chọn sao được người xinh đẹp và có chút hiểu biết, giỏi giang.

Bà đi dò hỏi nhiều nơi, cuối cùng nghe rằng ở vùng Nam Trung có cô Nguyễn Thị Dị đã qua một lần đò (đang nuôi một người con riêng), rất đẹp lại thông minh, đối đáp giỏi giang, hát phường vải rất hay, luôn là người “cầm chịch” của đội nữ hát xướng vùng ấy. Dăm bảy lần bà cắp nón, đánh đường sang tìm hiểu, thủ thỉ và cuối cùng đã cưới về cho ông Giáo bà Dị.

Bỏ qua những ghen tuông thường tình, bà chăm sóc, bảo ban “người mới”, và sau đó lần lượt những người con của bà vợ thứ ra đời. Thương yêu, chăm sóc con mình, 2 đứa cháu con của anh trai ông Giáo, cùng 3 người con trai của bà Dị như nhau nên con cháu trong nhà lúc nào cũng xem bà Giáo là người mẹ lớn. Sau này, bà Giáo ốm, người cháu được cưu mang trong gia đình hồi nhỏ đã bỏ việc cả 3 tháng trời từ Hà Nội về chăm sóc bà.

 Ông Phạm Viết Thanh, năm nay 90 tuổi, người làng Đông Sơn đã kể nhiều câu chuyện làng và bày tỏ niềm kính trọng với gia đình ông Giáo. Ảnh: Hải Vương

Bà Giáo cũng nổi tiếng là người khéo tay, giỏi thu vén. Bà cắt đặt công việc, lao động miệt mài, không những bản thân gia đình có cái ăn, cái mặc mà còn tạo điều kiện cho người khác đến làm việc (theo kiểu thuê người theo giờ). Chính vì thế, trong giai đoạn cái cách ruộng đất, có người đã tố bà là “địa chủ” song chính những người ngay thẳng, biết ơn công lao của bà và bao nhiêu người làng đã đứng lên phản đối và bà “thoát án”.

Bà Giáo may vá khéo, và nổi tiếng là người làm tương ngon nhất vùng. “Tương bà Giáo làm ra bao giờ cùng có màu sẫm đỏ, chứ không trắng bợt hoặc thâm nâu. Hạt tương không nát, nước ngọt lịm tự nhiên, khi ăn không cần pha chế thêm gì nữa. Bà trồng dâu, dâu lúc nào cũng xanh mướt. Tằm bà nuôi nhiều nhất xóm.

Khi có con trai, bà hai cũng nhiều lúc “làm bộ” với bà Giáo, nhưng bà Giáo vẫn một mực nhường nhịn, hiền lành. Riêng con cái trong nhà, nhìn mẹ cả như vậy nên chúng cũng thương yêu nhau không hề có sự phân biệt là con ai. Rồi khi ông Giáo mất sớm (1960) thì 2 bà vẫn sống với nhau dưới một mái nhà, bà Giáo mất năm 100 tuổi, còn bà Dị mới mất gần đây, thọ 103 tuổi”- ông Phạm Viết Thanh, người xóm 8 Khánh Sơn kể lại.

Chị Phạm Thị Bình (hiên sinh sống tại thành phố Vinh) là cháu ngoại của ông bà Giáo vẫn còn nhớ bà mình dù tuổi đã cao nhưng luôn quen tay làm lụng, sắp xếp cửa nhà tươm tất, may vá khéo léo và dạy con cháu giữ lấy nếp nhà. Bà luôn nói, làm gì đi đâu, ứng xử thế nào cũng hãy nhớ mình là cháu ông Giáo. Làm con người, cố gắng đừng “ăn trước trả sau”, “khôn từ ý lượng khôn ra”.

 Vợ chồng người con thứ 4 của ông Giáo, là con của người vợ thứ 2 nhưng đã ở cùng nhà với cả 2 mẹ, chăm sóc 2 bà mẹ đến tận những giây phút cuối đời. Ảnh: Hoàng Tuấn

Trước khi về với tổ tiên, bà Giáo có thời gian ốm nặng. Khi ấy đúng mùa vụ, người làng đến thăm hỏi, bà tuy mệt vẫn nhắc nhở từng người: “Thôi, mau về mà mần mùa vụ cho kịp”. Và ngày bà mất, cả vùng Nam Đông, người dân đã bỏ cả việc đồng áng để đến tiễn đưa bà Giáo.