Báo cáo Bộ Chính trị việc Giám đốc Công an tỉnh mang hàm cấp tướng
- 13:58 02-09-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân công các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của UB Thường vụ QH hoàn thiện một số dự án luật, trong đó có luật Công an nhân dân (sửa đổi), luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Đối với luật Công an nhân dân sửa đổi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Thường trực UB Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến UB Thường vụ QH, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các UB của QH.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Thường trực UB Pháp luật và các cơ quan hữu quan chuẩn bị nội dung báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị 5 nội dung.
Thứ nhất là về Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, nghiên cứu xác định thời gian chuyển tiếp, lộ trình và nếu cần thiết bổ sung một số quy định cụ thể làm nguyên tắc để giao Chính phủ xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trong dự thảo luật.
Thứ 2 là về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, Thủ tướng lưu ý cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; tán thành nguyên tắc xác định vị trí, số lượng cấp tướng và quy định cụ thể trong luật. Về cấp bậc hàm cấp tướng của Giám đốc Công an cấp tỉnh cần sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
Thứ 3 là tán thành việc bỏ quy định về cục đặc biệt, theo đó, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức cục trưởng là Bộ trưởng Bộ Công an.
Thứ 4 là công nghiệp an ninh, tán thành như dự thảo luận.
Thứ 5 bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công an cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung sửa đổi trong dự thảo luật, nhất là về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Xin ý kiến Bộ Chính trị 2 phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Đối với dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Thường trực UB Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện, để xin ý kiến Bộ Chính trị về 2 phương án liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57 của dự thảo luật).
Cụ thể theo phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do tòa án quyết định. Nếu tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. Nếu tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tòa án bác yêu cầu khởi kiện của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Về trình tự, thủ tục giải quyết, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tính toán kỹ lưỡng và xây dựng phương án cho phù hợp, bảo đảm khả thi.
Phương án 2, nếu các cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì coi đây là tài sản, thu nhập chưa kê khai, chưa nộp thuế, chưa chứng minh được tính hợp pháp, thì người có nghĩa vụ phải nộp thuế và Nhà nước tiến hành thu thuế.
Trường hợp có dấu hiệu gian lận và trốn thuế thì ngoài số thuế phải nộp sẽ bị xử lý theo luật Quản lý thuế hoặc hình sự theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế.
Sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị, dự án luật sẽ trình hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và UB Thường vụ QH tại phiên họp tháng 9, trước khi trình QH xem xét, thông qua.