Cựu HLV Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm phát triển bóng đá ở Nghệ An
- 14:36 29-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 29/8, Công ty TNHH đầu tư và phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam (PVF), đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An và các sở, ngành liên quan để bàn về vấn đề triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp ở Nghệ An.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia bóng đá từ PVF đã đưa ra nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Nghệ An nhằm phát triển bóng đá một cách dài hạn, đặc biệt là để bóng đá vào trường học.
Cựu HLV Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm tại buổi làm việc. Ảnh: Tiến Hùng |
“Tôi nhận thấy rất nhiều phụ huynh mong muốn con mình đi theo con đường thể thao. Tuy nhiên, nếu tập trung vào thể thao thì con đường học văn hóa sẽ không ổn định”, ông Philippe Troussier - Giám đốc kỹ thuật của PVF nói. “Ở độ tuổi 6 đến 12, rất khó để khẳng định một cậu bé chắc chắn sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi tin rằng huấn luyện viên đầu tiên của một đứa trẻ chính là bố mẹ. Vì vậy, việc thiết kế các chương trình bóng đá ở trường học, cộng đồng là rất cần thiết”.
Philippe Troussier là huấn luyện viên nổi tiếng của bóng đá thế giới với biệt danh “phù thủy trắng”. Trong sự nghiệp cầm quân, ông từng dẫn dắt các đội tuyển Bờ Biển Ngà, Nigeria, Qatar… nhưng thành công nhất phải là quãng thời gian ông làm thuyền trưởng đội tuyển Nam Phi tranh tài tại World Cup 1998 và đặc biệt là thành tích khi dẫn dắt Nhật Bản dự World Cup 2002. Năm đó, HLV người Pháp đã gây được tiếng vang cực lớn khi giúp Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng của World Cup. Ít tháng trước, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF đã gây sốc khi chiêu mộ được cựu HLV này về với nhiệm vụ ươm mầm tài năng trẻ….
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Báo Nghệ An tại buổi làm việc. Ảnh: Tiến Hùng |
“Đối với một cậu bé dưới 14 tuổi, việc song hành giữa bóng đá và học văn hóa là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, các ngành cần phải phối hợp với nhau. Phải phát triển thông qua các trường học. Theo tôi nhiệm vụ đầu tiên cần phải làm là kết nối với ngành giáo dục”, cựu HLV Nhật Bản nói.
Philippe Troussier cho rằng, với diện tích lớn nhất nước cùng dân số hơn 3 triệu người, Nghệ An có thể chia thành 10 khu vực khác nhau trong chương trình phát triển bóng đá trường học. “Lúc đó từng khu vực có thể xác định ở đâu là cơ sở vật chất cần thiết. Chúng ta cũng có thể xác định mỗi khu vực có bao nhiêu trường cấp 1, cấp 2, cấp 3. Từ đó có thể phát triển ra một chương trình trên diện rộng”, cựu HLV người Pháp chia sẻ. “Đó là điều đầu tiên mà tôi nghĩ cần phải làm. Bởi vì theo tôi, nếu phát triển chương trình như thế này, chúng ta có thể theo dõi được khoảng 10.000 cầu thủ trẻ”.
Philippe Troussier có biệt danh là "phù thủy trắng". Ảnh: Tiến Hùng |
Tân giám đốc kỹ thuật của PVF cũng nói rằng, về phát triển bóng đá phong trào, địa phương chưa cần nghĩ về những vấn đề chuyên nghiệp vội. Ở giai đoạn này, nên nghĩ về việc chơi bóng đá với mục đích vui vẻ của các em.
Ông Pascal Vaudequin - Phó giám đốc kỹ thuật của PVF cho rằng, ở mỗi quốc gia có những khó khăn khác nhau trong phát triển bóng đá phong trào. “Khó khăn đầu tiên là nhận diện tài năng”, người từng làm việc cho liên đoàn bóng đá Bắc Ierland nói. “Chúng ta không thể chỉ tính phát triển 2 hay 3 năm mà chúng ta cần một kế hoạch dài hạn”.
Các chuyên gia bóng đá cho rằng, việc tuyển chọn cầu thù ở Việt Nam diễn ra quá sớm. Ảnh tư liệu |
Sau khi đến PVF làm việc, cựu hậu vệ người Pháp cho rằng, quá trình tuyển chọn cầu thủ trẻ diễn ra quá sớm. “Sẽ rất khó để chúng ta chắc chắn một cầu thủ 10 hay 11 tuổi có thể trở thành tài năng lớn. Và đặc biệt, ở độ tuổi này các em cần được ở gần gia đình, gần trường để đi học. Tôi tỉn rằng, thời điểm quan trọng nhất là 14 tuổi. Đó là thời điểm phát hiện và tuyển chọn tài năng”, ông nói.
Phó giám đốc kỹ thuật PVF. Ảnh: Tiến Hùng |
Cùng quan điểm với Philippe Troussier, vị phó giám đốc kỹ thuật cho rằng, ở độ tuổi 14, tuyển chọn xong thì tỷ lệ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cũng chỉ 5%. “Ở Châu Âu, con số này chỉ là 1%. Mọi cậu bé khi chơi bóng đều rất muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng thực tế chỉ rất ít trong số đó đạt được ước mơ. Chính vì vậy, việc học văn hóa là cực kỳ quan trọng”.
Ông cũng cho rằng, “một cậu bé từ 6 đến 12 tuổi thì chắc chắn không biết mình muốn làm gì sau này. Các em còn quá nhỏ để muốn sau này làm bác sỹ, kỹ sư hay cầu thủ. Những cậu bé này cần chơi bóng, cần ở nhà. Và điều đầu tiên là xây dựng cơ sở vật chất trong cộng đồng, trong trường học”.
Tổng giám đốc PVF, bà Thái Thị Quý Phương. Ảnh: Tiến Hùng |
Tại buổi làm việc, bà Thái Thị Quý Phương, Tổng giám đốc PVF đề nghị ngành giáo dục Nghệ An xây dựng các bản đồ trường học, sau đó phân loại. “Chúng ta phải chia ra bản đồ khu vực. Khu vực nào có điều kiện hạ tầng tốt, khu vực nào thiếu thốn sân bãi. Hoặc trong số 900 trường tiểu học và THCS thì có bao nhiêu trường có sân, sân cỏ hay sân đất…. Sau đó chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ”, bà Phương nói.
Cũng tại buổi làm việc, giữa PVF và đại diện một số sở, ngành Nghệ An đã họp bàn về các vấn đề như tài trợ cho giải bóng đá thiếu niên nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Tài trợ điều trị chấn thương cho các VĐV đội 1 Sông Lam Nghệ An, hỗ trợ chuyên môn. Đánh giá các điều kiện nâng cấp sân cỏ nhân tạo cho SLNA và tham quan một số trường học dự kiến triển khai chương trình phát triển bóng đá….