TP. Vinh: Công ty tư vấn du học chưa có giấy phép vẫn hoạt động
- 19:41 28-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát hoạt động một số đơn vị tư vấn du học trên địa bàn thành phố Vinh, qua đó phát hiện Công ty CP Tư vấn du học KOKONO chưa có giấy phép hoạt động và người tư vấn du học của đơn vị này cũng chưa có chứng chỉ tư vấn được cơ quan chức năng cấp.
Còn tại Trung tâm Tư vấn du học SEOUL cũng không trình được cho đoàn khảo sát về hồ sơ thủ tục pháp lý thành lập trung tâm và giấy phép hoạt động.
Công ty CP Tư vấn du học KOKONO chưa có giấy phép hoạt động. Ảnh: Mai Hoa |
Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh theo chương trình khảo sát hoạt động các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ, đơn vị tư vấn du học.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở, trung tâm ngoại ngữ. Bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc tạo phong trào và nâng cao chất lượng, trình độ, nhất là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh ở các bậc học của thành phố, thì theo ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, vẫn còn một số trung tâm, cơ sở ngoại ngữ chưa đảm bảo về phòng học và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, giao tiếp, trải nghiệm cho người học.
Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở, trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học vừa qua, tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Đó là tình trạng thiếu quy hoạch các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ, dẫn đến thực trạng có những khu vực quá nhiều dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị. Bên cạnh đó là việc quản lý chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở các cơ sở, trung tâm đang còn buông lỏng.
Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: Minh Chi |
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng khẳng định, du học đang là xu hướng được nhiều học sinh THCS và THPT quan tâm hướng đến. Tuy nhiên, việc quan tâm để tuyên truyền, định hướng của ngành giáo dục - đào tạo của thành phố chưa được quan tâm.
Liên quan đến các vấn đề mà Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu, người đứng đầu ngành giáo dục – đào tạo thành phố đã thừa nhận những tồn tại đó là có thật.
Theo ông Thái Khắc Tân, việc quy hoạch các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ là rất khó, bởi các đơn vị này hoạt động như doanh nghiệp nên họ cân nhắc lựa chọn địa điểm để hoạt động có hiệu quả.
Riêng về quản lý chất lượng đào tạo tiếng Anh, ông Thái Khắc Tân thừa nhận, đây là một công việc khó và ngành chưa làm được, bởi muốn kiểm tra, đánh giá được thì đội ngũ chuyên viên ở Phòng phải có trình độ tiếng Anh nhất định; mặt khác hoạt động của các đơn vị chủ yếu ngoài giờ hành chính, trong khi công chức, viên chức thì phải làm việc trong giờ làm việc và muốn đi thì phải thành lập đoàn rất bài bản.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi |
Về vấn đề tuyên truyền, định hướng du học cho học sinh, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố hiện nay đang chủ yếu tự phát và tự nguyện tìm hiểu của học sinh và phụ huynh, chứ chưa có sự vào cuộc của phòng.
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khẳng định rằng, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo, kể cả các cơ sở ngoài công lập thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, vì vậy, về phía cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải đề xuất, tham mưu để trình HĐND tỉnh quyết định.
Bà Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị ngành giáo dục - đào tạo thành phố Vinh tăng cường quản lý các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học trên địa bàn nhằm đảm bảo quyền lợi của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo trên địa bàn; gắn với đó tiếp tục quan tâm phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ để triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường.