Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đổ xăng ô tô tưởng đơn giản nhưng khá nguy hiểm nếu mắc sai lầm

Đổ xăng cho ô tô tưởng là việc đơn giản nhưng lại khá nhiều người mắc lỗi dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rất cao.

Đổ xăng nhưng vẫn để động cơ chạy dễ gây cháy nổ

Một trong những thói quen nhiều người hay mắc là vẫn để động cơ ô tô hoạt động khi đổ thêm nhiên liệu. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Ở Việt Nam, khi đến cây xăng thường chỉ có biển cấm hút thuốc và cấm sử dụng điện thoại di động. Nhưng nếu ở Mỹ cùng một số nước phát triển, trong trạm đổ xăng luôn có hướng dẫn việc cần làm đầu tiên là tắt máy, nếu không có thể bị quy trách nhiệm về mặt pháp luật. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người không tuân theo quy định này.

Theo đánh giá của Viện dầu khí Mỹ API (American Petroleum Institute), những vụ tai nạn cháy nổ tại cây xăng do tài xế để động cơ nổ máy rất hiếm, do đó nhiều người cho rằng việc làm này là vô hại và tiếp tục thói quen. Nhưng về lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra rủi ro.

 Đổ xăng ô tô tưởng đơn giản nhưng nhiều người lại đang mắc sai lầm khiến ô tô có thể cháy nổ bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhiên liệu cho ô tô, lượng xăng, dầu từ vòi bơm chiếm chỗ hơi xăng trong bình, vì vậy hơi xăng rất dễ thoát ra ngoài. Nếu động cơ ô tô vẫn hoạt động sẽ tiếp tục sinh nhiệt (do quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu, không khí) rất dễ dẫn đến cháy nổ. Vì vậy, theo khuyến cáo của một số nhà sản xuất ô tô, trước khi đổ nhiên liệu, lái xe nên tắt động cơ để tránh nguy cơ cháy nổ.

Đổ xăng nhưng vẫn ngồi trong xe dùng điện thoại

Các trạm xăng dầu thường có biển báo cấm lửa. Vì vậy, bên cạnh việc không hút thuốc, tài xế cũng không nên sử dụng điện thoại di động khi đang đổ xăng, dầu cho xe.

Điều này đã được cảnh báo nhưng thực tế tại Việt Nam một số tài xế vẫn chủ quan sử dụng điện thoại trong khi xe đang được tiếp nhiên liệu. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao vì khi sử dụng điện thoại di động, sóng điện thoại mạnh dễ dàng phát ra những tia lửa điện gây hỏa hoạn.

Luôn đổ đầy bình xăng dễ tạo sức ép làm mất an toàn khi lái

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần lưu ý không đổ đầy bình xăng. Bởi, xăng không có chỗ thông hơi sẽ tạo sức ép, làm mất đi độ an toàn khi lái xe. Đồng thời khi đổ xăng lưu ý không cho nhân viên để dụng cụ bơm sát vào thành bình, gây ma sát tạo ra tĩnh điện làm cháy nổ.

Do đó, theo khuyến cáo của Viện dầu khí Mỹ API, tài xế cần nhớ rõ 3 quy tắc khi vào trạm xăng là tắt máy, không hút thuốc hoặc sử dụng tia lửa sống và không được vào xe nếu đã bước ra ngoài cho tới khi tiếp nhiên liệu xong.

Lý giải cho điều này, bên cạnh nguy cơ cháy nổ khi để động cơ hoạt động như ở trên, API cho biết, cơ thể có thể tích điện khi người lái trở lại vào xe rồi bước ra cầm vào vòi phun xăng, dẫn tới xăng bắt và cháy nổ. Điều này cũng tương tự cho những người ngồi trên xe, không nên ra ngoài suốt quá trình đổ xăng, nếu cần thiết phải ra hãy chạm tay vào bộ phận kim loại nào đó của xe rồi mới mở cửa bước ra ngoài.