Vũ Đình Duy biệt tích, Trịnh Xuân Thanh nằm tù: Dàn 'đệ tử' trả giá
- 09:15 28-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Còn Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVtex vẫn trốn bặt tăm. Đáng chú ý, Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch PVC cũng có liên can đến vụ án này.
Loạt sếp “ăn chia” dự án phải trả giá
Năm 2008, nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ).
Đi vào vận hành, Nhà máy liên tục lâm cảnh thua lỗ. Tổng số lỗ tính đến 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng, nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí nhiều năm trời. Mới đây, nhà máy này hoạt động trở lại nhưng tương lai còn đầy bấp bênh.
Vũ Đình Duy đã nhanh chân trốn ra nước ngoài. Ảnh: VNN |
Ngày 19/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTex và các đơn vị liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can (một người bị bắt trước đó) gồm Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam - kế toán trưởng; Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex và Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC.
Trong vụ án này, Vũ Đình Duy “nổi tiếng” hơn cả. Làm sếp ở PVTex được gần 5 năm (từ tháng 7/2009 đến 2/2014), tháng 12/2014 Vũ Đình Duy được chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng. Rồi từ đó trải qua loạt chức vụ khác dưới thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Chỉ trong chưa đầy 2 năm, cựu “sếp” PVTex đã 3 lần được bổ nhiệm vào nhiều chiếc ghế khác nhau của 3 đơn vị là Sở Công Thương Hải Phòng, Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp rồi Tập đoàn Hóa chất.
Trước khi có lệnh khởi tố của cơ quan điều tra, Vũ Đình Duy đã “trốn đi nước ngoài chữa bệnh” và bặt tăm từ đó đến nay.
Ngày 31/5, Vũ Đình Duy bị ra quyết định truy nã về tội “cố ý làm trái... ” và “nhận hối lộ”.
Trong vụ nhà máy 7.000 tỷ đắp chiếu này, dư luận hầu như chỉ biết đến Vũ Đình Duy “nhờ” tai tiếng bỏ trốn đi chữa bệnh nước ngoài khi đang làm ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Còn Trần Trung Chí Hiếu là một ẩn số.
Khi Vũ Đình Duy rời ghế Tổng giám đốc PVTex sau gần 5 năm ở vị trí này để làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng thì không lâu sau đó, tháng 10/2014, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Trần Trung Chí Hiếu “theo nguyện vọng cá nhân” và đã bầu ông Phạm Anh Tuấn thay thế ông Hiếu giữ chức vụ này.
Rời PVTex khi đã “gắn bó” suốt quá trình đầu tư xây dựng dự án, ông Trần Trung Chí Hiếu chuyển sang một công ty khác cũng thuộc ngành Dầu khí là Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí (Petechim).
Ngày 1/7/2015 Hội đồng quản trị Petechim đã bổ nhiệm ông Hiếu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty này. Đồng thời ông Hiếu cũng là người đại diện phần vốn của Petechim tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tràng An tại Petechim.
Kết quả điều tra cho thấy, Trần Trung Chí Hiếu, cựu Chủ tịch PVTex và Vũ Đình Duy cùng bộ sậu bên dưới đã có hàng loạt màn ăn chia, hối lộ.
Biệt thự của Trịnh Xuân Thanh trên Tam Đảo. Ảnh: Dantri |
Trịnh Xuân Thanh “rút ruột” PVTex mua biệt thự?
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện mối liên hệ của Trịnh Xuân Thanh, Cựu Chủ tịch PVC với dự án Pvtex. Trịnh Xuân Thanh cũng là người có mối quan hệ họ hàng với Vũ Đình Duy.
Cơ quan này đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan tạm dừng việc giao dịch, chuyển nhượng đối với một biệt thự ở Tam Đảo do có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
Nguyên cớ là, sau khi được PvTex chỉ định làm tổng thầu đối với dự án Xơ sợi Đình Vũ, Trịnh Xuân Thanh đã ưu ái PVC.KBC thực hiện một số hạng mục của dự án. Tiếp đó, PVC đã cho PVC.KBC tạm ứng khoản tiền 25 tỷ đồng trái với quy định. Sau khi nhận tiền tạm ứng, Đỗ Văn Hồng đã không sử dụng đúng mục đích mà mua 1 lô đất 3.400 m2 trị giá 23,8 tỷ đồng tại Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đứng tên sở hữu của PVC.KBC.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lô đất này cho Công ty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỷ đồng, nhưng trên thực tế Công ty Mai Phương mới trả cho PVC.KBC 20,8 tỷ đồng, còn lại 3 tỷ đồng vẫn chưa thanh toán.
Trong sự việc này, cơ quan an ninh điều tra xác định Trịnh Xuân Thanh đã phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên không kết luận cùng vụ án này, tuy nhiên đã tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ.