'Phụ huynh hoang mang với cách phát âm lạ là bình thường'
- 15:29 27-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trả lời Zing.vn ngày 27/8, GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - nói cách đánh vần theo sách Tiếng Việt Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại đã được áp dụng nhiều năm nay.
Giáo viên có thể chưa hiểu hết phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại
- Ông có nhận xét như thế nào về cách đánh vần trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 trong clip được cộng đồng mạng chia sẻ?
- Cách đánh vần của cô giáo trong clip là theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại. Cô giáo đã tuân thủ đúng phương pháp của giáo trình.
Cụ thể, cô giáo đã dạy phụ huynh, học sinh phân biệt ia, ua, ưa (âm tiết không có âm cuối) với iê, uô, ươ (khi có âm cuối). Cô cũng dạy cách viết phân biệt c (khi có nguyên âm u, o, ơ) với cách viết k (khi có nguyên âm i), với cách viết q (khi có âm đệm u).
GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Theo chương trình này, ngay từ lớp 1, giáo viên đã dạy cho học sinh phân biệt khái niệm âm (vị) (ví dụ âm /cờ/ và chữ (ký tự) (c, k (ca), q (cu), dạy học sinh lớp 1 các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, âm đệm. Đây là những vấn đề, kiến thức, khái niệm của ngữ âm học và khoa học về chữ viết.
Theo các tác giả của chương trình cải cách, để cho học sinh hiểu sâu về cấu tạo âm tiết Tiếng Việt, từ đó phát huy sức sáng tạo của học sinh, có thể và cần thiết dạy cho học sinh lớp 1 các kiến thức, khái niệm ngữ âm học.
Sở dĩ có cách đánh vần như vậy vì xuất phát từ các cơ sở ngôn ngữ học. Đằng sau clip cô giáo nói ẩn chứa nhiều cơ sở lý luận ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, theo tôi, cũng có thể người giáo viên trong clip chưa hiểu hết những điều sâu xa trong hệ phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại đưa ra.
- Sự khác biệt giữa chương trình Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục và chương trình hiện hành như thế nào?
- Ở chương trình Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, người ta đưa ra những khái niệm mà trước đây nhiều phụ huynh chưa được học, kể cả những người có trình độ học vấn cao nhưng thuộc các ngành khác.
Ví dụ, các khái niệm thuộc về ngữ âm Tiếng Việt như khái niệm "tiếng", "âm đầu", "vần", "thanh điệu" được hiểu như thế nào. "Tiếng" là từ dùng thường ngày và cũng là đơn vị đặc biệt trong ngữ âm Tiếng Việt. "Tiếng" có cấu trúc rất chặt chẽ. Đây là những khái niệm mà ngay cả những vị phụ huynh từ 40-50 tuổi trở lên cũng chưa được học.
Vì vậy, nếu đưa chương trình dạy đại trà, các phụ huynh học chắc chắn sẽ khó, vì người ta không hiểu khái niệm để dạy cho con được. Ngay cả khái niệm "chữ" và "âm", thế nào là âm đầu, thế nào là âm cuối? Ví dụ, dạy chữ "nghiêng", chữ "quyền" thì âm đầu đến đâu? Thế nào là phần vần, âm đệm, đâu là nguyên âm chính, âm cuối... Tất cả đều rất khó.
- Tồn tại giữa hai cách đánh vần trong một hệ thống giáo dục liệu có gây sự xáo trộn không?
- Có thể tồn tại nhiều cách đọc, đánh vần khác nhau dựa trên cơ sở tâm lý, ngôn ngữ học khác nhau. Tôi không thể đưa ra câu trả lời đánh giá đúng - sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình cải cách, dù chỉ giới hạn trong sự cái cách dạy học sinh lớp 1 đánh vần Tiếng Việt. Đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá.
Hơn nữa, chương trình cải cách đã được thực nghiệm mấy chục năm qua nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng - sai, tính hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy Tiếng Việt nói riêng.
Chúng ta có thể hiểu và thông cảm với những lo lắng, thậm chí hoang mang của nhiều phụ huynh, khi xem clip cải cách cách đánh vần Tiếng Việt. Họ lo rằng cách dạy đánh vần như clip trình chiếu sẽ được/bị đưa vào sách giáo khoa lớp 1 sắp tới.
Cháu nội tôi năm nay cũng học lớp 1. Tôi cũng băn khoăn nếu cháu tôi phải học cách đánh vần cải cách như trong clip. Phần lớn phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học.
Sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục. Ảnh: Q.Q. |
Không thể phê phán phương pháp học qua một clip
- Có ý kiến cho rằng cách đọc theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục phù hợp với học sinh nông thôn và miền núi, tránh tái mù chữ. Ông nghĩ sao?
- Tôi cũng nhận được những ý kiến này khi cho rằng học sinh dân tộc thiểu số, trong đó có vùng Quảng Ngãi các em sẽ đọc nhanh hơn và viết chuẩn hơn. Tuy nhiên, hiện nay, cách đọc của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy cho học sinh với tư cách là tiếng mẹ đẻ - con em người dân tộc Kinh. Còn học sinh dân tộc thiểu số khi học Tiếng Việt lại khác.
Chính vì hai nguyên tắc học này hoàn toàn khác nhau nên ý kiến khi mang chương trình của GS Hồ Ngọc Đại dạy cho học sinh thiểu số viết nhanh hơn là chủ quan, chưa được khoa học kiểm chứng.
- Cách đọc này nếu được áp dụng cho toàn quốc trong chương trình sách giáo khoa mới, ông nghĩ sao?
- Khi đem những lo lắng này trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông - ông khẳng định chương trình Tiếng Việt lớp 1 không áp dụng những cải cách cách đánh vần theo phương pháp này.
Cụ thể, chương trình Tiếng Việt vẫn theo phương pháp truyền thống, tập trung dạy học sinh kỹ năng đọc - viết, nghe - nói, không dạy các kiến thức, khái niệm chuyên sâu về ngữ âm học, khiến các bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang.
GS Hồ Ngọc Đại dựa trên phương pháp, cách tiếp cận, trường phái lý luận, tâm lý giáo dục riêng của ông. Chúng ta không thể phê phán cách học này qua một clip.
Nhiều giáo viên, phụ huynh bối rối với cách cách học trong Tiếng Việt công nghệ là chuyện bình thường. Bởi đến nay, con người đều có tâm lý chung giữ chữ viết theo đúng cách truyền thống. Với cách học đó, họ đã trưởng thành và sợ bị học lại. Chưa kể ngành giáo dục đã có những thay đổi trong chữ việc như trường hợp của PGS Bùi Hiền gây tranh luận.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/08/27/phuhuynh.mp4[/presscloud]
Clip lan truyền trên mạng được cho là hình ảnh của giáo viên đang hướng dẫn cách đánh vần kiểu mới.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học. Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới. Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học. Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. |