Vạch mặt những chiêu thức tinh vi của "bạn trai ngoại quốc" khiến phụ nữ Việt dễ dàng sập bẫy
- 15:04 27-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiếp cận qua không gian ảo
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng trong các vụ án này thường tiếp cận nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo… và sử dụng tài khoản mang tên nước ngoài, nhằm che dấu thân phận thật.
Sau một thời gian trò chuyện, các đối tượng này có thể tùy thuộc vào mức độ thân thiết với nạn nhân để đặt vấn đề yêu đương. Thậm chí, không ít người còn tin tưởng vào những lời hứa hẹn đi đến một đám cưới trong tương lai gần để rồi “sập bẫy” lừa đảo.
Các đối tượng thường tìm cách kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội facebook, zalo... |
Hoặc có những vụ việc, đối tượng làm quen qua không giản ảo, rồi sau vài lần trò chuyện, sẽ lợi dụng sự cả tin của nạn nhân để nhờ nhận giúp gói hàng quan trọng tại Việt Nam, đồng thời hứa sẽ trả một khoản tiền công.
Mánh lới tinh vi
Trong trường hợp nạn nhân đã nhận lời quan hệ tình cảm yêu đương, chúng sẽ dễ dàng đưa những người này vào “bẫy” bằng cách xin địa chỉ để gửi quà về. Tất nhiên, chúng đều nói đây là những món quà giá trị vất chất cao như ngoại tệ, vàng…
Không ít đối tượng còn tinh vi khi gửi hình ảnh chụp những món quà đó để “người yêu” tin tưởng. Sau đó, chỉ vài ngày sau sẽ có “cán bộ” hải quan gọi điện cho nạn nhân để thông báo về gói hàng và những vấn đề phát sinh như: Hàng hóa không có giấy tờ bị thanh tra; gói hàng liên quan đến đường dây rửa tiền xuyên quốc gia… rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để “lo lót” với lực lượng chức năng.
Vì số tiền bỏ ra không lớn như giá trị gói hàng nên nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho tội phạm. Và rồi, số tiền “không cánh mà bay”, còn gói hàng thì “bặt vô âm tín”.
Chúng dùng đủ chiêu trò để dụ dỗ nạn nhân rơi vào bẫy lừa đã giăng sẵn |
Trường hợp khác, khi đối tượng nhờ nhận hàng giúp và được nạn nhân đồng ý, thì sau đó, thủ đoạn cũng được sử dụng tương tự.
Không ít nạn nhân đã “sập bẫy” tội phạm và mất một số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Khi biết mình bị lừa thì kẻ gian đã hoàn toàn biến mất khỏi không gian ảo, và có thể đang dùng một tài khoản khác, một “nickname” khác để tiếp tục lừa đảo.
Nguyên nhân dẫn tới những vụ lừa đảo qua mạng xã hội
Về rất nhiều các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn trên, Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại úy, TS. Phạm Song Hà, Phó trưởng Bộ môn Tâm lý - Học viện CSND.
PV: Theo tiến sĩ, vì sao các nạn nhân dễ “sập bẫy” tội phạm lừa đảo qua mạng như vậy? Trong khi đa phần các nạn nhân đều là những người trí thức, có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt để giao tiếp?
Đại úy, TS. Phạm Song Hà: Nhiều người có trình độ học vấn cao vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ niềm tin mù quáng của người bị hại, do quá tin tưởng vào đối tượng nên người bị hại bị đối tượng dẫn dụ và bị chiếm đoạt tài sản.
Để tạo dựng niềm tin, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng một số đặc điểm tâm lý của người bị hại như: Sự chi phối, ràng buộc của tình cảm, lòng tham của người bị hại, sự thiếu từng trải, vốn kinh nghiệm sống ít của người bị hại hay sự cô đơn, hoàn cảnh, lối sống đặc
|
Theo chuyên gia, phụ nữ thường là đối tượng mà tội phạm nhắm tới, vì họ dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn mà tội phạm đưa ra khi tiếp cận "con mồi"
PV: Xuất phát từ tâm lý nào mà một người ở Việt Nam lại có thể tin và nghe theo những lời đường mật của đối tượng ở nước ngoài, chưa từng gặp mặt, thưa tiến sĩ?
Đại úy, TS. Phạm Song Hà: Mặc dù đối tượng lừa đảo người nước ngoài không gặp gỡ người bị hại tại địa điểm trên thực tế nhưng họ lại có quá trình tiếp xúc, trao đổi lâu dài trên các trang mạng xã hội. Các tính năng hiện đại như: chat, face time, tin nhắn kèm hình ảnh hoặc ghi âm lời nói… khiến người bị hại nhầm lẫn, mơ hồ giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Về phía người bị hại, họ thường là những người nhẹ dạ cả tin, ít kinh nghiệm sống, có hoàn cảnh sống cô đơn hoặc có “lối sống ảo”. Quá trình tiếp xúc trên mạng xã hội làm nảy sinh tình cảm yêu đương ở người bị hại, và chính tình cảm đó lấn át lý trí khiến họ tin tưởng mù quáng vào đối tượng, bị đối tượng dụ dỗ dẫn tới bị chiếm đoạt tài sản.
PV: Tội phạm nhắm vào nạn nhân là phụ nữ để lừa đảo. Vậy chuyên gia có thể lý giải vì sao các đối tượng lại chọn “con mồi” là phụ nữ?
Đại úy, TS. Phạm Song Hà: Các đối tượng thường lựa chọn phụ nữ làm “con mồi” vì phụ nữ có những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi mà tội phạm lừa đảo có thể lợi dụng (chúng ta thường gọi là yếu tố nạn nhân của tội phạm).
Cụ thể như: đặc điểm tâm lý chung của người phụ nữ là sức mạnh của lý trí thường kém hơn so với đàn ông. Tình cảm lấn át khiến con người thiếu sáng suốt, họ dễ tin người, dễ bị “sập bẫy” tình cảm, dễ bị lòng tham “làm mờ mắt”, dễ bị dẫn dụ vào cạm bẫy.
Từ tiếp cận tạo niềm tin, chúng sẽ sử dụng chiêu trò gửi quà tặng, hoặc nhờ nhận hàng và được trả công "hậu hĩnh" để nạn nhân mất cảnh giác |
Các đối tượng lừa đảo người nước ngoài thường “lang thang” trên mạng để tìm kiếm “con mồi” là phụ nữ, đặc biệt là người sống đơn thân vì khi sống cô đơn, thiếu thốn tình cảm họ càng dễ bị dẫn dụ.
PV: Vậy tiến sĩ có lời khuyên gì cho bạn đọc trong tình huống này?
Đại úy, TS. Phạm Song Hà: Có thể nói, tội phạm lừa đảo hiện nay hoạt động rất tinh vi với những thủ đoạn khó lường. Do vậy, bản thân mỗi người cần phải tự tìm hiểu, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi lời “dụ dỗ” của người lạ, đặc biệt là “bạn chat” để tự phòng vệ cho bản thân. Bởi không chỉ là lừa đảo tài sản, không ít những vụ tội phạm tiếp cận rồi dẫn dụ, lôi kéo nạn nhân để thực hiện hành vi nguy hiểm hơn là buôn bán người.