Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xưởng bánh trung thu ba đời ở Sài Gòn

Mỗi mùa trung thu, xưởng bánh Thành Long tiêu thụ hơn 100.000 chiếc và đang có trong tay không ít khách hàng đã gắn bó suốt ba đời.

Còn cả tháng nữa mới đến Rằm Trung Thu nhưng con hẻm 291 Võ Văn Tần, quận 3 (TP HCM) đã tấp nập người đến xưởng Thành Long mua bánh. Những chiếc bánh tại lò này được bọc giấy bạc giữ nóng (không có vỏ hộp) để sang tay ngay cho khách. Đây cũng là xưởng bánh duy nhất ở TP HCM bán bánh nóng với số lượng lớn. Xưởng cũng là nơi đầu tiên làm bánh ăn kiêng cho người bị tiểu đường ở Sài Gòn từ rất sớm.

Ông Hoàng Tiến Đạt, chủ cơ sở Thành Long cho biết, mỗi mùa bánh trung thu cơ sở của ông bán được hơn 100.000 chiếc. Mùa năm nay, lượng bán ra đã đạt trên 30% tổng lượng bánh dự kiến.

 Ông Hoàng Tiến Đạt cần mẫn nặn nhân cho từng chiếc bánh.

"Hàng giả, thực phẩm kém chất lượng ngày càng tràn lan nên nhiều người vẫn tìm đến tận lò để thưởng thức chiếc bánh còn nóng”, ông Đạt nói. Tiệm bánh này đã có mặt từ 70 năm trước, ông Đạt được kế thừa từ cha mình và tới giờ con gái ruột ông cùng tiếp quản.

Hiện bánh của tiệm ông chỉ bán trực tiếp tại xưởng, trong siêu thị và các đối tác sỉ thân quen chứ không đổ buôn trên đường phố vì ông Đạt sợ bánh giảm chất lượng.

Trước khi mở tiệm riêng, cha ông Đạt làm thợ cho một xưởng của người Hoa. Vì gia đình họ không có con cái nên ông được truyền dạy mọi bí quyết. Sau khi làm bánh cho nhiều cơ sở, cha ông quyết định di cư từ Bắc vào Nam và thuê đất mở xưởng. “Đại bản doanh” rộng 50 m2 làm bánh của gia đình ông Đạt khởi đầu tại đường Hồng Thập Tự nay là Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).

Năm 1985, cha ông qua đời và ông Đạt là người kế thừa tiệm bánh. Thời kỳ chuyển giao, ông khó khăn nhiều vì còn bỡ ngỡ. Chưa kể, thị trường lại chưa mở cửa nên các rắc rối bủa vây.

“Nhưng tôi may mắn lắm! Có khách hàng gắn bó với xưởng của cha tôi 30 năm khi biết cụ mất, bà ấy đến an ủi chúng tôi. Bà ấy bảo tin tưởng nên dù những chiếc bánh tôi làm chưa như ý, bà vẫn nhập về để bán bằng giá vốn giúp xưởng tôi tránh lỗ. Còn khi bánh ngon như thủa đầu, sẽ bán giá để xưởng có lãi", ông Đạt kể.

Thế nhưng, nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng và từng được cha chỉ bảo nên bánh của ông Đạt giữ nguyên được hương vị cổ truyền. Tới nay, người khách năm xưa đã mất nhưng con và cháu của bà vẫn là những vị đối tác sỉ thân quen.

Được khách ủng hộ nhiệt tình nhưng cơ sở này cũng từng gặp phải những tình cảnh éo le. Không ít lần xưởng bị nhiều đơn vị giả mạo bao bì. Rồi có những khách hàng mua sản phẩm từ năm trước nhưng đến năm sau mang đến tố cáo hàng mốc, kém chất lượng.

Những lần đó, ông Đạt lại bĩnh tĩnh gặp trực tiếp khách hàng đề nghị xem sản phẩm. Ông nói, cũng vì chọn cách thay đổi bao bì sản phẩm mỗi năm một lần cùng thông tin đăng ký và công bố với cơ quan chức năng để tránh giả mạo, khách hàng đó buộc phải bỏ cuộc vì bao bì khác hoàn toàn với sản phẩm đang lưu thông.

Chia sẻ về bí quyết bán hàng nghìn chiếc mỗi ngày và giữ chân khách qua nhiều đời, ông Đạt cho rằng làm bánh từ tâm và giữ gìn chất lượng là yếu tố hàng đầu. Ngoài ra, dù khách sỉ, hay lẻ, nếu thân thiết, ông đều giảm giá, mức chiết khấu cao.

Bên cạnh đó, năm nào vợ chồng ông và cô con gái cũng kiên nhẫn thử hàng trăm lần những hương vị mới nhằm tạo sự khác biệt và đa dạng, đáp ứng xu hướng thị trường. "Làm sao khi mở chiếc bánh ra khách hàng không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại nào. Chúng được tạo ra từ 12 loại thảo mộc đã sao tẩm và ngâm 3 tháng với rượu nếp cất, mùi vị rất đặc trưng của xưởng", ông nói.

Ngoài ra, thay vì làm bánh hoàn toàn bằng dây chuyền công nghệ, xưởng của ông chỉ sử dụng công nghệ ở khâu đóng hộp và nướng. Riêng với khâu nặn nhân, ông làm hoàn toàn thủ công để nhân bánh ngon, không bị nát. Đây cũng là yếu tố mà không nhiều cơ sở làm được.

“Năm nay giá nguyên liệu tăng cao, nắm bắt tình hình này tôi đã chuẩn bị và ký kết với đối tác cung cấp nguyên liệu ngon từ rất sớm nên khi sản phẩm bán ra không bị tăng giá mạnh. Cũng nhờ thế mà khách hàng cứ ở mãi với tôi”, ông Đạt khoe.