Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ly kỳ cây trám độc nhất vô nhị “đẻ ra tiền”

Cuộc sống vốn khó khăn như bao người dân miền biên viễn, gia đình ông Hứa Văn Độ (xóm Phai Kéo, bản Phai Lừa, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) phải vất vả lo từng bữa.

Thế rồi một ngày đẹp trời, gia đình ông sang một trang mới: Cây trám duy nhất trong vườn nhà bỗng nhiên được một đại gia người Trung Quốc làm hợp đồng mua quả trong vòng 10 năm với giá đắt gấp 10 lần những cây trám khác trong vùng.

Đã có nhiều lời bàn tán, suy đoán về tác dụng của cây trám độc nhất vô nhị này, tuy nhiên cho đến nay nó vẫn là một ẩn số. Vì thế, ngày nào cũng có hàng chục thương lái, người dân các vùng đến để mục sở thị cây trám “hái ra tiền” của gia đình ông Độ.

Cây trám độc nhất vô nhị

Câu chuyện về cây trám “đẻ ra tiền” của gia đình ông Hứa Văn Độ được thương lái Trung Quốc mua với giá cao, trong thời gian dài là hiện tượng xưa nay chưa từng có tại xóm nghèo miền biên viễn này.

Nhà ông nằm mãi tít trên quả đồi cao nhất vùng nhưng vẫn nổi bật vì nó khá khang trang, đẹp nhất nhì vùng. Khu vườn của ông Độ là địa chỉ của rất nhiều người lui tới, các đại gia thì đến hỏi mua, còn người dân hiếu kỳ thì muốn đến để mục sở thị cây trám độc nhất vô nhị này.

Cách đây 7 năm, cây trám nhà ông Độ được một đại gia bí ẩn người Trung Quốc biết đến và đặt mua quả trong vòng 10 năm, với giá 200 nghìn đồng/kg quả, cao gấp gần 10 lần so với trám quanh vùng. Đây cũng là cây trám duy nhất được thương lái người Trung Quốc hỏi mua với giá cao.

Đưa chúng tôi đến cây trám nổi tiếng của gia đình, ông Độ giới thiệu: “Đây là cây trám mọc tự nhiên trong vườn nhà từ rất lâu. Sau này khi bố tôi mất có dặn lại là phải giữ cây trám, như một biểu tượng để nhớ về cội nguồn. Trải qua mấy chục năm, cây trám đặc biệt này cao tới vài chục mét, đường kính phải 2 người ôm mới đủ”.

 Cây trám độc nhất vô nhị của ông Độ ngày nào cũng có người đến để xem.

Ông Độ còn nhớ như in cái ngày đặc biệt khi mà cây trám của mình được người ta biết đến. Ông bảo, làng ông thuộc xã xa xôi hẻo lánh, cuộc sống người dân quanh năm gắn liền với ruộng nương, rất ít giao du bên ngoài.

Gần chục năm trước, cả xã Đồng Giáp như bị xáo trộn bởi liên tục có các thương lái Trung Quốc đến lùng sục quả trám đen. Họ cho người đi hết bản này đến bản khác, cứ nhà ai có trám là dò hỏi, rồi kiểm tra cây, lá, quả, hạt. Thế rồi tất cả lại lặng lẽ bỏ đi mà không nói vì sao.

Bẵng đi một thời gian khá dài, một thương lái ăn mặc lịch sự, đi xe ôtô sang trọng cùng với một vài thương lái người Việt và một phiên dịch đến thẳng nhà ông Độ.

Sau khi xin phép gia đình, họ ra cây trám của ông đo đạc từ thân, lá quả rất tỉ mỉ. Sau khoảng nửa giờ đồng hồ, họ tỏ ra vui mừng và ngỏ ý muốn đặt mua quả của cây trám này.

“Sở dĩ thương lái Trung Quốc biết được gia đình tôi có cây trám lạ là khi thu mua quả trám, họ phát hiện trong hàng trăm thương lái Việt Nam đi hái trám có một người quê Bắc Giang hái được quả trám to, dài, hạt cứng nên tức tốc tìm đến bản Phai Lừa chúng tôi. Đến đây họ dừng chân bên cây trám nhà tôi rồi tỏ ra vui mừng lắm. Họ kiểm tra toàn bộ cây rất tỉ mỉ, bứt quả xuống đo đạc. Thậm chí còn mang theo cả búa đinh để đập thử vỏ cơ mà” – ông Độ kể.

Biết được đây là cây trám đặc biệt nên đại gia bí ẩn người Trung Quốc nhanh chóng đặt vấn đề mua quả trong vòng 10 năm. Thấy thương lái này có vẻ vui mừng khôn xiết, ông Độ sinh nghi nên do dự không muốn bán mua gì.

Đang trong lúc do dự, suy nghĩ thương lái này đưa trước 10 triệu, gọi là quà biếu để làm tin. Đặc biệt hơn, giá của quả trám lúc đó chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng vị thương lái trả ông Độ hẳn 200 nghìn đồng/kg.

Cả nhà ông Độ hoang mang, bất ngờ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cũng không hiểu vì động cơ gì mà họ mua với giá cao ngất trời như vậy.

“Họ nói là mua về làm đồ trang sức, rồi nài nỉ tôi quá nên gia đình đã đồng ý làm hợp đồng bán cho người này 10 năm. Thực ra số tiền đó quá lớn với chúng tôi, dù có lăn tăn suy nghĩ nhưng cũng không cưỡng lại được. Lúc đó cũng có nhiều người kể cả họ hàng cũng đến khuyên là suy nghĩ lại. Mọi người nói là người Trung Quốc có ý đồ gì đó thì sao. Người thì bảo phải gọi chuyên gia về nghiên cứu xem cây trám này có gì đặc biệt, biết đâu sẽ còn bán được giá cao hơn như thế? Nhưng thôi, tôi cũng coi như đó là cái lộc mà ông cha để lại”- ông Độ tâm sự.

 Nhiều năm qua, vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi: Tại sao người Trung Quốc thích quả trám đặc biệt này.

Nhiều lời đồn thổi về tác dụng của quả trám đặc biệt

Lạng Sơn bấy lâu nay nổi tiếng là cái nôi của quả trám, vì thế thương lái khắp nơi đổ về đây để thu mua, săn lùng. Thế nhưng chỉ có duy nhất cây trám của gia đình ông Độ được thương lái Trung Quốc trả giá cao, thậm chí làm hợp đồng mua quả trong vòng 10 năm.

Chính vì thế, cây trám của ông Độ đã nức tiếng khắp cả tỉnh Lạng Sơn, hỏi dân thu mua trám ai cũng biết cây này với cái tên “cây hái ra tiền”.

Đã có rất nhiều thương lái khác có ý định “phá hợp đồng” của ông Độ và thương lái Trung Quốc. Họ trả giá tới 400 nghìn đồng/kg nhưng ông Độ vẫn không dám đơn phương phá hợp đồng với vị đại gia bí ẩn kia.

Mua quả không được, nhiều người cho rằng đây là cây trám quý đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua cành về nhân giống. Giá cho mỗi cành đẹp lên tới 500 nghìn đồng nhưng nhiều người vẫn cố sở hữu cho mình vài ba cành. Chính nhờ lộc trời, bán quả và cành trám, đời sống gia đình ông Độ khá lên trông thấy. Từ một gia đình có thu nhập trung bình thì nay ông trở thành một trong số hiếm có của ăn của để.

Anh Hứa Văn Bình (người dân xã Đồng Giáp) cho biết: “Quê tôi được mệnh danh là cái nôi của quả trám, nhưng có lẽ cây trám như của anh Độ chỉ có 1, 2 cây thôi. Dân chúng tôi quanh năm với ruộng nương, hàng năm có thêm tí thu nhập từ quả trám nhưng cũng không khá hơn được. Rõ ràng anh Độ là người rất may mắn khi sở hữu cây trám đặc biệt đó, từ khi có cây trám gia đình anh ấy khấm khá trông thấy”.

Điều đặc biệt là quả trám của ông Độ không lọt ra ngoài bất cứ quả nào trong nhiều năm qua. Ông Độ giải thích: “Vị thương lái này nhiều tai mắt lắm, trám của tôi không thể lọt được vào tay người khác. Có lần do mưa bão, quả trám rụng một ít, tôi tiếc quá gom được vài cân, mang ra tỉnh bán.

Không hiểu sao, chỉ vài phút sau khi bán tôi nhận được luôn điện thoại của ông ấy. Ông ấy phàn nàn là tôi bán quả ra ngoài, không tuân thủ hợp đồng. Tôi phải giải thích là do mưa bão, rụng ít quả nên tiếc mang đi bán. Họ không tin còn đến tận nhà tôi trách móc, cả nhà tôi nói mãi họ mới chịu bỏ qua cho đấy. Sau này tôi biết, quả trám nhà tôi là khác biệt, nó rất tròn và cứng, chỉ bán ra ngoài vài lạng thôi là họ biết ngay”.

 Quả của cây trám này tròn đều hơn những quả khác.

Một thương lái tên Hòa ở Bắc Giang tiết lộ, quả trám của ông Độ rất đặc biệt, nó khác hẳn với những quả khác. Dù đã thu gom quả trám gần 20 năm qua nhưng anh Hòa vẫn chưa từng mua được loại quả như của ông Độ.

“Quả trám như của nhà ông Độ là đặc biệt hiếm trên thị trường. Mỗi ngày chúng tôi thu gom cả tạ quả nhưng cũng chẳng khi nào thấy có quả giống như thế. Loại trám này người Trung Quốc rất ưa thích, chúng tôi cũng không hiểu họ mua về làm gì nữa. Chỉ biết là nếu có họ trả giá rất cao, thậm chí cả triệu đồng/kg cũng mua” – anh Hòa cho hay.

“Lộc trời” bỗng nhiên đến với gia đình ông Độ khiến không ít những lời đồn thổi xung quanh quả trám đặc biệt này. Nhiều người cho rằng họ mua quả về lấy hạt để làm giống, kẻ thì bảo thương lái Trung Quốc mua về để làm thuốc chữa bệnh. Rồi có người đoán rằng họ mua về để lọc lấy hạt làm vòng trang sức…
Cho đến nay, gần chục năm trôi qua gia đình ông Độ và mọi người chưa có câu trả lời chính xác về công dụng của quả trám này. Bằng mắt thường người ta chỉ thấy quả trám này khác biệt so với trám thông thường.

Quả của cây này tròn hơn, có độ dài từ 1,5 -2cm, hạt cây có hình trụ, tròn đều trong khi quả khác lại dài hơn hạt gầy hơn và nhăn. Chính vì điều này, quả trám của ông Độ mang đến đâu trong tỉnh Lạng Sơn người ta vẫn phân biệt được.

“Đúng là gia đình tôi được hưởng lộc, nói đúng hơn là lộc của cha ông để lại. Từ khi biết cây trám có giá trị, gia đình chúng tôi cũng gặp không ít phiền toái. Gần như ngày nào cũng có người đến hỏi mua, đến xem, chụp ảnh. Không những vậy, cứ đến khi có quả gia đình chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên, thay nhau túc trực, canh giữ vì sợ người ta đến ăn cắp, điều khiến chúng tôi sợ nhất là kẻ xấu đến chặt hạ hay diệt cây này”- ông Độ cười nói.