Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Lũ dâng bất thường do thủy điện?

Mặc dù vừa từ hè sang thu, nhưng người dân xứ Nghệ đã phải hứng chịu liên tiếp tới 2 trận lũ lịch sử. Nhiều nơi trời đang nắng nóng tới gần 40 độ C nhưng nước vẫn dâng ngập xóm làng...

 Người dân khối 1 thị trấn Đô Lương bất ngờ khi lũ lớn đổ về giữa ngày nắng nóng

Chưa bao giờ thấy lũ giữa ngày nắng nóng

Vừa cùng vợ kết xong chiếc bè nổi để di chuyển đồ đạc, ông Hoàng Văn Thắng (56 tuổi, trú khối 1, thị trấn Đô Lương) cho biết: Bản thân đã chứng kiến tới 4 trận lũ lịch sử, nhưng chưa bao giờ có hiện tượng lũ về giữa mùa thu và giữa những ngày nắng nóng như hiện nay. Ghi nhận tại thị trấn Đô Lương ngày 21/8, nước lũ đã gây ngập 120 hộ dân khối 1, với mức nước sâu trên 1,5m. Ngoài ra, toàn bộ 300ha trồng dâu trên đất bãi sông Lam của huyện Đô Lương bị ngập. Các hộ nuôi tằm phải đổ bỏ các nong tằm sắp tới ngày ươm tơ vì không có lá cho tằm ăn.

Lũ lụt kéo dài cũng khiến hàng nghìn học sinh ở Nghệ An không thể tới trường theo kế hoạch. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD& ĐT Nghệ An cho biết: Theo lịch, vào sáng 20/8 tất cả học sinh mầm non, tiểu học, THCS trong toàn tỉnh sẽ bắt đầu tựu trường. Tuy nhiên, vẫn có hàng nghìn học sinh ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An và khu vực ven sông Lam, sông Cả chưa thể tới trường do lũ lụt sau bão số 4 và thủy điện xả lũ. Hiện tại, các thày cô cùng lực lượng bộ đội, công an và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, dọn dẹp trường lớp để ngày 27/8 tới học sinh có thể đi học”.

Tương tự, tại huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Tuy là vùng trũng của huyện nhưng lũ dâng giữa lúc trời không có mưa như thế này chưa từng xảy ra. Lũ về đã gây ngập, chia cắt 10/17 xóm, 50 hộ bị ngập sâu. Các trục đường giao thông của xã bị ngập sâu, có nơi lên đến 2m. Nước lũ cũng khiến 85ha lúa hè thu đang trổ đòng bị mất trắng, 75ha đậu, 30ha sắn bị ngập. Thiệt hại ước tính gần 2 tỷ đồng”.

Mưa lũ sau bão số 4 ở Nghệ An cũng đã làm 5 người chết, 1 người mất tích. Theo tính toán của UBND tỉnh Nghệ An, để khôi phục sản xuất, xây dựng lại các công trình hư hỏng và ổn định cuộc sống nhân dân, cần Trung ương hỗ trợ 350 tỷ đồng.

Do thủy điện xả lũ

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc xuất hiện lũ bất thường ở vùng hạ lưu sông Lam, sông Cả là do các thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ từ ngày 17/8 cho tới nay. Các thủy điện xả lũ gồm: Bản Vẽ, Nậm Mô, Nậm Nơn, Bản Ang, Khe Bố và Chi Khê. Quá trình các thủy điện xả lũ đã khiến hàng loạt các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông lâm vào cảnh ngập nặng từ ngày 17/8; làm chia cắt QL7 trong hai ngày 17-18/8. Sau đó, gây ngập lụt diện rộng ở vùng hạ lưu ven sông Cả, sông Lam từ ngày 19/8. Nhiều người đặt nghi ngờ về quá trình vận hành hồ đập, cũng như công tác cắt lũ giảm lũ của các nhà máy thủy điện.

Theo ông Nguyễn Tám, nguyên Phó ban QLDA Thủy điện 2 (thuộc EVN), trên dòng sông Nậm Mô, Nậm Nơn (đầu nguồn sông Lam, sông Cả) tuy xây dựng nhiều thủy điện nhưng chỉ duy nhất Thủy điện Bản Vẽ là có khả năng điều tiết nước, cắt giảm lũ, với dung tích phòng lũ là 300 triệu m3. Các thủy điện còn lại đều là thủy điện cột nước thấp hoặc công suất nhỏ, không được thiết kế dung tích phòng lũ. Vì thế, khi lũ lớn đổ về vượt khả năng cắt lũ của Thủy điện Bản Vẽ, các thủy điện bên dưới cũng không cắt lũ, giảm lũ được.

Cũng theo ông Tám, nhờ Thủy điện Bản Vẽ điều tiết nước tốt và cắt lũ đúng thời điểm nên đã giảm được rất nhiều thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du. Việc Thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ cường độ lớn có một phần nguyên nhân do phía Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn dự báo lũ xa không chính xác, khiến cho công tác điều tiết nước gặp khó.

Chỉ vào biểu đồ cắt giảm lũ hạ du của Thủy điện Bản Vẽ trong bão số 4, ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Lũ bắt đầu về ngày 16/8 với lưu lượng 1.000m3/s, đến 14h cùng ngày, hồ chứa đạt ngưỡng 192,5/200m, đảm bảo dung tích phòng lũ thiết kế 300 triệu m3. Đến ngày 17/8, lũ bất ngờ đổ về với lưu lượng cực lớn, đạt đỉnh lúc 14h là 4.200m3/s, lúc này thủy điện đã báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và được lệnh xả lũ với mức cho phép lúc 18h là 2.000m3/s. Sau lại có lệnh cho nâng mức xả tối đa lên đến 3.000m3/s. Tuy nhiên, căn cứ khả năng điều tiết nước hồ chứa, chúng tôi đã báo cáo và được tỉnh chấp thuận chỉ xả mức tối đa 2.500m3/s, góp phần giảm 50% cường độ lũ”.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Công tác điều tiết nước, xả lũ ở Thủy điện Bản Vẽ do Ban chỉ huy PCTT tỉnh chỉ đạo và tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Không có chuyện vì tích nước phát điện mà không cắt lũ, giảm lũ”. Riêng về việc dự báo lũ xa, ông Hùng thừa nhận: “Các dự báo chỉ chính xác trong khoảng tương lai gần từ 1 - 2 ngày”. Đây cũng là trăn trở của ông Đào Duy Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An: Dự báo khí tượng thủy văn vừa rồi cho rằng lưu lượng lũ xa cao nhất cũng chỉ 2.000m3/s, nhưng thực tế lên đến 4.200m3/s. Tuy nhiên, cũng không trách được họ vì lũ phía Tây Nghệ An đa phần do nước từ thượng nguồn bên nước bạn Lào đổ về, mà bên đó không có các trạm khí tượng để đo, dự báo lũ.

"Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, đây là cơn lũ lớn nhất đổ về hồ Bản Vẽ trong 9 năm vận hành hồ. Tần suất cơn lũ là 2% (tức 50 năm mới có một lần). Trong quá trình vận hành hồ, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ra các quyết định vận hành hồ hợp lý, đúng quy trình Liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt; cắt được trên 50% đỉnh lũ cho hạ du. Giúp giảm tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra”.

Ông Đinh Viết Hồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An