Nghệ An: Nhiều lo ngại từ điểm tuyển sinh lớp 10
- 15:51 22-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điểm chuẩn thấp đặt ra lo ngại về chất lượng đầu vào |
Điểm thấp do thay đổi cách thức thi
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mức điểm chuẩn của hầu hết các trường THPT trên địa bàn Nghệ An có xu hướng giảm hẳn so với những năm trước. Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) đưa ra mức, điểm trúng tuyển là 32,70 điểm, thấp hơn 1 điểm so với năm 2017; Trường THPT Hoàng Mai: Điểm chuẩn 24,4, thấp hơn năm trước 1,6 điểm; THPT Quỳnh Lưu 1: Điểm chuẩn là 22,9 điểm, thấp hơn 3,6 điểm so với năm 2017…
Mức điểm chênh lệch cũng thể hiện rõ nét giữa các trường trong cùng 1 địa bàn. Tại huyện Nghi Lộc, điểm chuẩn vào Trường THPT Nguyễn Duy Trinh là 24,4 điểm, điểm chuẩn của Trường THPT Nghi Lộc 4 là 20,7 điểm, THPT Nghi Lộc 5: 16,1 điểm; THPT Nghi Lộc 3 là 17,9 điểm. Ở huyện Thanh Chương, điểm chuẩn vào Trường THPT Thanh Chương 1 cao hơn 20 điểm so với Trường THPT Thanh Chương 3.
Theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng, mức điểm năm nay lấy thấp bởi một phần là do việc thay đổi môn thi thứ 3 bằng việc đưa vào bài thi tổ hợp Ngoại ngữ, Sinh học, GDCD. Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Năm nay, môn Toán điểm 10 khá nhiều, phổ điểm 8 điểm cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Riêng môn tổ hợp, điểm thi thấp hơn so với điểm thi môn Ngoại ngữ những năm trước.
Thầy Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cũng cho biết: Lần đầu tiên thi môn tổ hợp trắc nghiệm, điểm thi thấp hơn là điều bình thường, do thí sinh chưa có kinh nghiệm làm bài, giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trong ôn tập. Tuy nhiên, việc tổ chức bài thi tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tiệm cận với Kỳ thi THPT quốc gia; Tạo động lực để nâng cao chất lượng dạy học toàn diện ở các trường THCS. Đây là điều đáng quý.
Có một nghịch lý là trong khi nhiều trường hạn hẹp nguồn tuyển sinh, thì toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 9.000 học sinh lớp 9 không có cơ hội thi tuyển vào lớp 10 THPT. Lý do những em này thuộc diện phân
luồng. Việc phân luồng này ở một số trường THCS khá máy móc, nhiều em có nhu cầu, muốn thi vào lớp 10 nhưng lại không được đăng ký dự thi.
Lo ngại về chất lượng?
Năm nay, số trường có điểm chuẩn thấp rất nhiều và tính trung bình chỉ khoảng 3 – 4 điểm/môn là có thể trúng tuyển. Trong đó, có nhiều trường đã có truyền thống về dạy và học nhiều năm như Trường THPT Diễn Châu 4 (điểm trung bình là 3,74). Trường THPT Tân Kỳ (điểm trung bình là 3,34), Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Hưng Nguyên, (điểm trung bình là 2,56), Trường THPT Nam Yên Thành (điểm trung bình là 1,66)...
Con số này khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng dạy và học ở các trường THCS tại các địa phương có bị thả nổi hay không?
Tại Trường THPT Tương Dương 1, điểm đầu vào năm 2018 là 4,6 điểm/5 môn nhưng nhà trường vẫn đang thiếu gần 100 chỉ tiêu. Thầy Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận: Nguồn tuyển sinh rất kém và hầu hết học sinh đăng ký đều trúng tuyển nếu thoát điểm 0.
Đây cũng là năm đầu tiên Trường THPT Tương Dương 1 và các trường thuộc 5 huyện miền núi cao (gồm Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông) thực hiện trở lại việc tuyển sinh vào lớp 10 sau 3 năm tuyển thẳng. Mục đích của Sở GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan.
Điểm đầu vào Trường THPT Quỳ Hợp 3 năm nay là 9,5 điểm (trung bình mỗi môn 1,9 điểm). Thực tế, từ nhiều năm trước, điểm tuyển sinh của trường cũng nằm ở mức 10 – 13 điểm. Nói về chất lượng đầu vào, thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 - thẳng thắn: “Nhiều em sau khi vào trường, các thầy cô phải dạy lại từ đầu: Từ phương pháp học, các kiến thức cơ bản, thậm chí là viết tiếng Việt cho chuẩn, hay các phép tính cộng trừ nhân chia”.
Cũng theo thầy Nguyễn Minh Đạt, hiện nhiều trường THCS đánh giá học sinh không chính xác, vẫn còn theo thành tích khiến cho nhiều trường hợp điểm học bạ thì cao nhưng kết quả thi lại không đúng như xếp loại.
“Cũng vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của nhà trường đối với học sinh lớp 10 là phân loại học sinh, tổ chức phụ đạo học sinh kém. Từ đó, mới mong bù lại kiến thức cho học sinh, để các em tiếp thu kiến thức mới tốt hơn, theo được chương trình học và tránh tình trạng trượt tốt nghiệp THPT”, thầy Nguyễn Minh Đạt nói đồng thời cho rằng, ngoài việc tăng cường dạy học, phân luồng, phân loại học sinh, nhiều trường THPT cũng bày tỏ mong muốn việc đánh giá kết quả cuối năm ở các trường THCS phản ánh đúng chất lượng học sinh; qua đó, có sự nối tiếp hiệu quả dạy – học ở từng cấp học.