33 tuổi, nặng 19kg, 'thầy giáo tí hon' trở thành người truyền cảm hứng
- 16:19 17-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, 33 tuổi, cao 1,17m, nặng 19kg vượt qua mặc cảm để theo đuổi ước mơ khiến nhiều người khâm phục. Tưởng chừng bệnh tật, sự tự ti có thể quật ngã con người này, nhưng nghị lực và sự lạc quan đã giúp anh vượt qua tất cả.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng. |
Mồ côi mẹ, bị bạn bè trêu chọc
Anh Nguyễn Văn Hùng sinh ra và lớn lên ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. Lúc còn nhỏ, anh cũng bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Khi học lớp 1, 2, anh bắt đầu cảm nhận sự khác biệt vì cơ thể không chịu lớn, còi cọc, thấp bé hơn bạn bè cùng trang lứa.
Gia đình thấy có sự bất ổn nên bắt đầu đưa anh đi khám thì phát hiện bị bệnh lùn tuyến yên vì thiếu hoóc môn sinh trưởng. "Gia đình đưa tôi ra Hà Nội chạy chữa nhiều lần nhưng không có cách nào khác nên đành chấp nhận", anh nói.
Thầy Hùng xúc động nhắc về quá khứ. |
Những ngày tháng đến trường, cậu bé nhỏ con thường bị bạn bè trêu chọc. "Những đứa bạn lớn thì bồng bế, coi tôi như một đứa trẻ con. Các bạn còn đòi cởi quần tôi. Tôi đã khóc nhưng không để gia đình biết vì sợ mọi người lo lắng và buồn hơn", anh Hùng nói.
Cuộc sống của anh càng khó khăn hơn khi mẹ bất ngờ qua đời vì tai biến. Ngày bà lìa xa thế gian, anh nhớ như in cảnh mẹ nằm trên giường bệnh nhưng vẫn lo lắng ai sẽ chăm sóc cho con trai. "Những điều đấy tôi luôn nhớ và vẫn canh cánh trong lòng", anh chia sẻ.
Hành trình trở thành thầy giáo dạy công nghệ thông tin
Sau khi học hết cấp 3 tại Nghệ An, anh Hùng khăn gói vào Đồng Nai học Trung cấp Kỹ thuật Tin học. Vừa học anh vừa làm gia sư cho hai học sinh để kiếm thêm thu nhập. Vẻ hiền lành của anh và sự tiến bộ nhanh chóng của các học trò này đã thu hút nhiều phụ huynh khác trực tiếp mang con đến nhờ anh Hùng dạy kèm.
Một buổi dạy của thầy giáo Hùng với các học viên. |
Sau khi học xong Trung cấp, anh Hùng ngược ra Hà Nội, làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống. Cuộc đời của "chàng trai" tý hon bắt đầu thay đổi từ đây. Anh trở thành một thầy giáo dạy về công nghệ thông tin.
Người anh Hùng cảm thấy biết ơn nhất thời điểm này là việc được gặp được những người cùng cảnh ngộ như chị Thảo Vân và anh Công Hùng (Hiệp sĩ công nghệ thông tin). Họ đã truyền động lực, kinh nghiệm và những ý tưởng để anh tự tin đứng lớp truyền đạt lại cho các học viên khác.
Học viên tại Trung tâm Nghị lực sống chủ yếu là những người khuyết tật hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Bước vào lớp của thầy giáo Hùng, nếu không để ý chắc bạn sẽ nhầm lẫn, không rõ ai là thầy, ai là học sinh bởi thể trạng và cân nặng bé nhất lớp của anh. Bao năm qua, anh Hùng vẫn gắn bó với công việc và ngày càng yêu mến những gì đang làm, trân trọng giá trị bản thân mang lại cho cuộc sống này.
Uớc mơ đẹp của người khuyết tật
Là người cùng hoàn cảnh nên anh Hùng hiểu sự khó khăn, mặc cảm và khổ tâm của những người khuyết tật.
"Trước kia tôi hay có tư tưởng rằng người khuyết tật phải được ưu tiên, được quan tâm, ưu ái hơn. Từ khi ra Hà Nội làm việc, tiếp xúc rất nhiều các bạn khuyết tật có hoàn cảnh hơn mình, tôi thấy mình quá may mắn vì còn đi được, nhìn được. Giờ tôi không còn giữ suy nghĩ người khuyết tật phải được ưu tiên nữa. Mọi người cần được đối xử một cách công bằng, dựa trên năng lực cá nhân", anh Hùng chia sẻ.
Anh Hùng và bạn gái. |
Anh muốn nhắn gửi đến những người khuyết tật rằng hãy tự tin vượt qua rào cản, sợ hãi của bản thân. Nếu không vượt qua được chính mình, không nói lên được nguyện vọng, người khác muốn giúp đỡ cũng chẳng biết hỗ trợ bằng cách nào.
Hiện anh Hùng đã có bạn gái làm chung cơ quan. Họ đang hướng tới một tổ ấm hạnh phúc. Anh tiết lộ cả hai rất hiểu nhau. "Thầy giáo tý hon" quan niệm hạnh phúc cần có sự sẻ chia, đồng điệu. "Với tôi sự khiếm khuyết cơ thể không ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai người. Quan trọng bạn phải tìm được cho mình một người phù hợp, có thể đồng cảm, chia sẻ cùng mình, như thế mới hạnh phúc được", anh tâm sự.
Ảnh: Hành trình truyền cảm hứng