Ngày trở về của người bị CIA cưa chân 6 lần
- 09:14 17-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai Thương đã bị người Mỹ giao lại cho bệnh viện quân đội Việt Nam Công hoà (VNCH). Ông đã bất tỉnh, hôn mê mất 3 ngày 3 đêm liền. Vết thương chưa liền miệng, người Mỹ tổ chức "tiễn" ông.
Dấu chấm thất bại
"Tôi được đưa vào một căn phòng, có mặt rất nhiều người Mỹ. Trong đó, có mặt viên trung tá Mỹ tôi đã quen mặt trong suốt thời gian bị tra tấn", Hai Thương kể lại. Đó là "buổi lễ" bàn giao tù binh.
Mọi việc diễn ra chóng vánh, còn Hai Thương người tong teo như một bộ xương cụt chân, nằm trên cáng. Phía VNCH ký nhận tù binh từ CIA Mỹ, một thân hình người không ra người, ma không ra ma (khi bị bắt, ông là một thanh niên khoẻ mạnh cao 1,70m).
38 năm sau, Hai Thương vẫn nhớ như in cảnh viên trung tá CIA Mỹ bật quẹt châm điếu thuốc, nhìn vào mặt ông với một chút lén lút, một sự tẽn tò, trước khi ông rời trung tâm tra tấn của người Mỹ về trụ sở Phủ đặc uỷ Trung ương tình báo VNCH.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương nói rằng ông nhớ như in ngày lễ Phật đản năm đó, bởi ông đã lần thứ 2 được sống. Chỉ cần bị giam ông thêm vài ngày nữa, rất có thể ông đã không thể cầm cự, bởi sức ông đã hoàn toàn kiệt quệ. |
Ánh mắt y hiện rõ sự ngao ngán khi y vừa lắc đầu vừa nói với ông: "Chúng tôi đã chịu thua ông rồi đấy".
Tại Phủ đặc uỷ Trung ương tình báo, Đại uý Xuân cười cười nhận người tù binh tàn tật. Vẫn chiêu bài cũ: Họ tên, nghề nghiệp, cha mẹ... hỏi và đáp gọn lỏn.
Khi viên đại uý tình báo VNCH ghi xong thì đẩy tờ giấy ra trước mặt Thương: "Ký tên vào đây". "Không biết chữ làm sao mà ký?", Thương vặc lại. Lăn tay điểm chỉ, Đại úy Xuân đặt thêm một dấu chấm vào dưới tên Hân trong hồ sơ, đọc lại cho Hai Thương nghe, với lời giải thích kèm cái cười ranh mãnh, giễu cợt: "Chẳng lẽ có tấm thân còn lại có chừng đó mà không hận à?".
Cái tên "Nguyễn Trường Hận, số tù 7218, mù chữ, thanh niên trốn lính" bắt đầu theo Hai Thương từ đó, cho tới năm 1973, khi ông trở về trong đoàn Chiến Thắng.
Sống sót ở Hố Nai
Tại trại giam tù binh Hố Nai, Hai Thương được chi bộ nhà tù đón và bắt liên lạc. Sự dè dặt ban đầu đã nhường chỗ cho tình đồng chí. Hai Thương được giao phụ trách mảng tuyên truyền. Chỉ với những mảnh giấy báo cũ, giấy gói thức ăn thừa, anh viết được 5 tờ truyền đơn.
Không may những tờ truyền đơn này bị cai tù bắt được. Ngay lập tức, chúng tổ chức truy lùng người viết. Thương kiên định lời khai "không biết chữ", trong khi địch không tìm được người nào có chữ viết giống như trong mấy tờ truyền đơn thu được. Trưởng trại Hố Nai quyết định tra tấn, biệt giam người tù cụt chân để làm bài học cho những tù nhân khác.
Trưởng trại đeo lon Thiếu tá tên Mã Xuân Quy (em ruột Đại tá Mã Xuân Nhân, Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa) tuyên bố với Thương: "Nếu mày chịu được 15 ngày còn sống, tao tự lột lon thiếu tá".
Nơi biệt giam tù nhân số 7218 "lỳ lợm, thanh niên trốn lính, chống chế độ" là một chiếc thùng sắt, mỗi chiều chỉ rộng 2 thước, phơi giữa nắng. Sát đó, quản trại đặt một chiếc máy nổ, mỗi lần bật máy, tiếng vang vọng trong chiếc thùng kín mít nghe đinh tai.
Chưa hết, xung quanh chiếc thùng biệt giam được xếp rất nhiều gạch vụn, đá nhỏ. Tên lính nào mỗi lần đi ngang qua cũng tiện tay nhặt một hòn chọi vào thùng một phát.
Không gian bịt bùng kèm kiểu tra tấn bằng âm thanh như vậy cực kỳ khủng khiếp đối với thần kinh chịu đựng của một con người. Chưa kể, đó là một người tàn phế. Khi sống sót ra khỏi thùng biệt giam, hai tai Thương đã gần như ù đặc.
Cái nóng, cái ngột ngạt bị phơi giữa nắng khiến tù nhân mất nước rất nhanh. Đêm còn đỡ, ngày thì đó là một cái lò hầm, thở cũng rất khó khăn, chưa nói đến ăn. Những đồng chí của Thương liều mình tiếp cận, thứ Thương yêu cầu được tiếp tế duy nhất là... muối, ngậm vào miệng để giữ nước.
Khi vệ sinh cá nhân, Thương dùng ngón tay miết vào cái lỗ nhỏ thủng trên sàn để tống ra ngoài. Những ngày nắng nóng nhất, không có nước, Thương phải dùng cả nước tiểu để cầm cự.
Rốt cuộc, thời hạn biệt giam không phải là 15 ngày, mà kéo dài tới... 3 tháng. Đó là một kỷ lục tàn bạo của trại giam tù binh Hố Nai thời đó. Chưa từng có bất kỳ ai chịu đựng nổi, nhưng Thương thì vẫn sống, dù khi ra khỏi thùng biệt giam, anh chỉ còn như bộ xương khô cụt chân.
Những người đồng chí, đồng đội cùng thân phận bị giam cầm đón anh về với niềm kính trọng một người hùng bất khuất. |
Đám cai tù tính giết Thương bằng cách hành hạ cho chết khô trong thùng biệt giam. Bỏ đói, cắt nước, không vệ sinh. Nhưng Hai Thương nói rằng ông không hiểu vì sao vết thương của mình trong điều kiện vệ sinh như vậy lại tự khô miệng, rồi tự lành.
Rốt cuộc, Thương được cứu ra bởi một sự việc rất bất ngờ, mặc dù trước đó anh em, đồng chí trong tù đã nhiều lần tổ chức đấu tranh với giám thị trại nhưng không có kết quả.
Đến gần ngày lễ Phật đản năm 1970, có một nhóm ni sư lên trại thăm và phát chẩn cho tù binh. Lời kể của tù binh về một tù nhân cụt chân đang bị biệt giam đã 3 tháng nay, không biết chết hay sống đã khiến các ni sư lên gặp thẳng trưởng trại yêu cầu phóng thích tù nhân.
Mã Xuân Quy biết sự thể sẽ ảnh hưởng đến bản thân y nếu việc hành hạ tù nhân tàn tật bị lan truyền ra ngoài, nên đã chối bay chối biến, khất hẹn đến sáng hôm sau mời các ni sư đến chứng kiến việc mở cửa thùng biệt giam. Đêm hôm đó, Quy cho người mở cửa thùng, đưa Hai Thương ra ngoài.
Hai Thương vẫn sống và lại đòi viên thiếu tá trưởng trại lột lon như đã hứa. Những người đồng chí, đồng đội cùng thân phận bị giam cầm đón anh về với niềm kính trọng một người hùng bất khuất.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương nói rằng ông nhớ như in ngày lễ Phật đản năm đó, bởi ông đã lần thứ 2 được sống. Chỉ cần bị giam ông thêm vài ngày nữa, rất có thể ông đã không thể cầm cự, bởi sức ông đã hoàn toàn kiệt quệ.
Một thời gian sau, tù binh mang số 7218 tên Nguyễn Trường Hận được bốc lên máy bay, đưa thẳng ra ngục tù Phú Quốc. Anh là tù binh tàn tật nặng ở trại Hố Nai được chuyển ra giam cầm ở Phú Quốc trong chuyến chuyển 700 tù binh đó.
Ở Phú Quốc, Hai Thương lại tiếp tục tham gia sinh hoạt chi bộ, tham gia đấu tranh trong tù cho tới ngày hiệp định Paris ký kết, trở về trong đoàn Chiến Thắng theo diện trao trả tù binh.