Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc cân não với CIA trong căn biệt thự

LTS: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vừa từ trần ở tuổi 80. Ông được biết đến là người mà CIA không thể mua chuộc, 6 lần cưa chân. Tuần Việt Nam trích đăng lại loạt bài viết về ông cách đây hơn 10 năm, như một nén nhang tưởng nhớ người anh hùng được nhiều người cảm phục...

Dưới cánh máy bay, những dòng người cứ hối hả ngược xuôi. Phi trường Tân Sơn Nhất với hàng xe xếp dài chờ sẵn, để bảo vệ và chờ đón một tên Việt Cộng đặc biệt mới bị bắt.

Ngày đó, họ chưa biết anh là ai, chỉ đoán là một nhân vật rất quan trọng. Nhưng phải 6 năm sau, năm 1975, người Mỹ mới được biết sự thật: Anh nông dân đó là mũi trưởng giao liên cụm tình báo A36, lúc bấy giờ sáp nhập với H63.

"Họ chỉ cần ở mình một cái gật đầu"

Khi về tới Sài Gòn, Hai Thương được đưa thẳng tới một căn biệt thự rộng, nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ở đó có đủ người hầu hạ. Trên giá đã treo sẵn bộ quần áo sỹ quan gắn mấy bông mai bạc quân hàm trung tá VNCH.

Trên bàn, một tấm séc ký sẵn trị giá 100.000 USD (thời điểm 1969), cùng tấm vé máy bay một chiều mở để có thể chọn bất kỳ quốc gia nào là đồng minh của nước Mỹ làm điểm đến. Ngoài ra, có một cô gái đẹp tên Thuỳ Dương luôn ở cạnh, nhằm giúp người tù binh chữa thương. Không thấy lính canh, cũng không có bất cứ ai dòm ngó.

 "Đó thực sự là những ngày khó khăn. Lúc đó, tôi đang là một thanh niên khoẻ mạnh, lại ở cùng một cô gái đẹp như vậy. Tiền bạc có sẵn. Họ chỉ cần ở mình một cái gật đầu".

Viên trung tá Mỹ cười chỉ tay vào tất cả: "Mời ông ở đây dưỡng thương, đã có người chăm sóc. Tất cả những thứ này đều là của ông". Trong phúc chốc, người tù binh vừa mới bị lính Mỹ đánh đập khiến vết thương loét ra, máu chảy thành dòng bỗng trở thành ông hoàng với một cuộc đời nhung lụa được bày sẵn.

Thuỳ Dương là một cô gái gốc Huế, đẹp dịu dàng và được học hành bài bản. Cô có thể nói chuyện đông tây kim cổ, có thể kể chuyện về những vùng đất thiên đường từ nước Mỹ, Canada cho tới Nhật Bản. Nhưng chỉ cần đoán anh không thích “Tây”, cô có thể kể ngay bất kỳ một câu chuyện, dẫn anh đến một thắng cảnh, địa điểm du lịch nào nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 2003, xuất hiện trong chương trình "Người đương thời" của Đài Truyền hình Việt Nam, Thiếu tá tình báo, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương đã phải "xin lỗi" tất cả các cô gái Hà Nội có mặt trong trường quay trước khi cất lời: "Tôi xin lỗi tất cả các cô gái có mặt ở đây. Nhưng thực sự là tôi không thấy ai ở đây có thể đẹp bằng cô Thuỳ Dương ấy".

"Đó thực sự là những ngày khó khăn. Lúc đó, tôi đang là một thanh niên khoẻ mạnh, lại ở cùng một cô gái đẹp như vậy. Tiền bạc có sẵn. Họ chỉ cần ở mình một cái gật đầu", Thiếu tá Nguyễn Văn Thương nhớ lại 3 tháng trời cân não đó.

Những ngày đầu, khi vết thương nhức nhối khiến Thương khó ngủ, anh luôn có Thuỳ Dương bầu bạn. Hằng ngày, anh được nghe những bản nhạc nhẹ trữ tình, ăn những bữa ăn ngon, kèm theo sự chăm sóc dịu dàng đến chết người của người đẹp.

Ngày tháng dần qua và vết thương cũng lành, Thương đã có thể tập tễnh tản bộ trong khu vườn rộng, quan sát xung quanh. Không một bóng lính gác, bờ tường rất thấp chỉ cần một cú phi thân, chỉ có duy nhất cánh cổng luôn đóng chặt. Trông dễ dàng và ngọt ngào không khác gì người đẹp.

Nhưng Thương hiểu, đằng sau cánh cổng đóng chặt kia là những họng súng đang giăng sẵn. Người Mỹ không đơn giản dễ dàng để vuột "con cá vàng" bằng cách hớ hênh như vậy.

Chỉ có một câu hỏi!

... 9 tuổi, Thương đã được nuôi nấng, dạy dỗ bởi những người đồng chí, đồng đội của ba mẹ. Ba ông, một cán bộ trong ngành, bị bắt và xử theo luật 10/59, bị giam cầm đến chết trong nhà tù. Má ông là một cán bộ giao liên của tổ chức, bị bắt, không khai nên bị đánh đập cho đến chết trong trại giam.

9 tuổi, Nguyễn Văn Thương là con duy nhất của một gia đình liệt sỹ. Khi Phòng tình báo Miền thành lập, trực tiếp chú Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chọn lựa danh sách, có cái tên Nguyễn Văn Thương đứng đầu, giao cho ngành.

Nguyễn Văn Thương có mặt từ những ngày đầu xây dựng Phòng tình báo Miền, qua B110, D308 rồi trở về A20, A18, A22, A36 và H63. Là mũi trưởng giao liên, Thương biết tất cả các mạng lưới, cụm tình báo của Phòng, trong khi nguyên tắc của ngành luôn là đơn tuyến, ngăn cách.

Ngày gặp lại sau giải phóng, chính Thiếu tướng Đặng Trần Đức (điệp viên 3Q) bảo với Hai Thương: “Cái tài liệu Thương giữ ngày đó rất quan trọng. Mất tài liệu đó coi như cũng mất tôi”. Sẽ không có dòng tưởng thưởng nào lớn hơn đối với một cán bộ giao liên bằng lời nhận xét đó.

Nhưng trong những ngày cân não năm 1969 tại căn biệt thự, Nguyễn Văn Thương vẫn chỉ có một dòng lý lịch ngắn ngủn: "Nguyễn Trường Hân, thanh niên trốn lính".

... Ngày tháng rồi cũng dần trôi qua rất nhanh. Thuỳ Dương vẫn rất nhẹ nhàng, lịch sự với Thương, nhưng khoảng cách đã được cô gái gốc Huế chủ động thu hẹp dần. Bắt đầu là những câu chuyện về cảnh đẹp ở rừng Cúc Phương, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu.

Dần dà là những đất nước xa xôi được kể như thiên đường nghỉ ngơi: Nhật Bản, Mỹ, hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác. Thuỳ Dương sẵn sàng theo Thương để "bắt đầu một cuộc sống mới", miễn sao Thương chấp nhận nói cho người Mỹ nghe những điều Thương đã biết.

Đến tháng cuối cùng, vào một đêm trăng đẹp, Thuỳ Dương chủ động ngã vào vòng tay Thương. Trước cái vẻ “ngu đần” của một thanh niên nông thôn trốn lính, cô gái này tiếp tục tấn công vào tận phòng ngủ.

Vài tuần sau, khi Thương đang thiu thiu ngủ, trong bộ váy mỏng manh, Thuỳ Dương vào phòng Thương không chỉ để hỏi "đèn màu hồng có hợp với giấc ngủ của anh không".

"Đó là một đêm khó khăn", thiếu tá Nguyễn Văn Thương nhớ lại. Ổng kể rằng sự mơn trớn có khoảng cách không quá xa cũng chẳng quá gần, giữa một không gian thơm lừng của một loại nước hoa đắt tiền và mùi hương con gái "thực sự là khó cưỡng đối với một thanh niên trẻ như tôi lúc bấy giờ". Đầu Thương căng ra như ngàn ngọn lửa thiêu đốt. Anh vùng dậy, vào thẳng toilet mở nước lạnh, xối từ đỉnh đầu xuống để... hạ hoả. Khi trở ra, anh bảo cô gái "hãy về phòng của mình đi".

Anh hiểu, trong những ngày nhung lụa êm ái đó, chỉ cần một cái gật đầu chịu mở miệng nhận mình là ai cùng một bản khai dài dằng dặc về những hiểu biết của mình, Hai Thương có thể đàng hoàng đút túi tấm séc nặng đô, cầm tấm vé máy bay và khoác vai cô gái đẹp lên đường, giã từ chiến tranh và những ngày gian khổ sống trong rừng.

Nhưng đêm đêm, trong những giấc ngủ không tròn, anh luôn hình dung thấy gương mặt cậu con trai tên Liêm chưa tròn 4 tuổi, dáng tảo tần của người vợ, tình đồng đội son sắt của những người đồng chí đã hy sinh để sống sao cho xứng đáng.

Điều Hai Thương nhớ nhất còn là cái ngày mà anh giơ cao nắm tay tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc mà bao nhiêu đồng đội, bao nhiêu thế hệ, và cả cha mẹ anh đã đổ máu, hy sinh để dệt nên.

... Trong trận càn Cedar Falls (chiến dịch quân sự từ 8/1- 16/1/1967 tấn công khu "Tam giác sắt", khu vực rộng 155 km2 nằm giữa sông Sài Gòn và đường 13, khoảng 40km về phía Bắc Sài Gòn, với sự tham gia của 30 ngàn lính Mỹ và VNCH), khi Hai Thương đưa các chiến sỹ qua đồng, thì có một đồng đội tên Đo bị bắn chết ở đồng gạch.

15 ngày sau, khi địch rút quân, cả nửa tiểu đội ra vớt xác anh Đo thì xác đã phình thối. Khi Hai Thương hỏi: “Thằng nào xuống”, thấy đám lính trẻ người này ngó người kia, Thương ứa nước mắt bảo "tụi bay không dám thì tao làm".

"Khi đó, mấy anh em vẫn còn là lính mới chưa quen thân nhau nhiều, và cũng sợ ma nữa", thiếu tá Nguyễn Văn Thương đỏ hoe mắt nhớ lại. Thương bảo mấy anh em trải tấm ni - lông ra, đưa cho Thương chai dầu hôi xức vào tay, ngậm rượu vào mồm rồi phun xung quanh xác đồng đội.

Một mình Thương xuống ẵm anh Đo lên, đặt anh nằm xuống ngay ngắn, đàng hoàng trên tấm nilong. Xác đang phân huỷ, một cánh tay rơi ra, Thương trở xuống mò nốt cánh tay, tưới rượu, dầu hôi xong xuôi rồi thì bó anh Đo lại khiêng về chôn cất.

Năm 1965, trên đường từ Bắc về miền Nam, một đồng đội tên Khế trúng bom napal, nóng quá không chịu được rồi nằm lại dọc đường. Trước khi hy sinh, Khế nắm chặt tay Hai Thương: “Thương ơi, tao đi mấy ngàn cây số, tao vượt cả Trường Sơn, chỉ mong trên đường về được gặp mẹ, gặp em gái tao thôi. Tao nhớ mẹ tao quá, mày ráng cứu tao với.”

Anh Khế hy sinh khi chưa kịp tới trạm xá, ngay trên tay Thương. "Hồi đó, nó tên là Thành Ninh. Nhưng anh em vẫn quen gọi tên nó là Khế, vì nó ăn nhiều khế", 42 năm sau, người anh hùng năm nay đã 70 tuổi vẫn không kìm được nước mắt khi kể lại những chuyện này.

... Ngày cuối cùng ở căn biệt thự, khuôn mặt Thuỳ Dương bỗng trở nên lạnh lùng khi trời đổ về chiều. Nhưng mắt Thuỳ Dương có vẻ ngấn nước khi xới cơm cho Thương. Vẫn chỉ một câu trả lời quen thuộc: "Tôi tên Nguyễn Trường Hân, thanh niên trốn lính", Thuỳ Dương đã không giấu nổi sự thất vọng: "Anh sẽ biết thế nào là tra tấn tân thời kiểu Mỹ".

Thương bình thản đón đợi. Buổi sáng hôm sau, trước khi đám lính Mỹ ào vào bắt Thương đi, Thuỳ Dương cũng không còn giấu thân phận của mình khi đưa tay rũ ve áo, lắc đầu ngán ngẩm.

Thương liếc thấy chiếc áo phía trong gắn bông mai trung uý. Cô gái đẹp hiện nguyên hình là một chuyên gia tâm lý chiến, thất bại trước sự gan góc của tên Việt Cộng tự nhận mình là Nguyễn Trường Hân.

Phòng tra tấn có mặt đầy đủ viên trung tá Mỹ, Chiến cá và một đám lô nhô sỹ quan. Người Mỹ vốn kiệm thời gian, sau 3 tháng để thuyết phục Thương quy hàng không xong, giờ thì đã là lúc anh phải giơ đầu chịu trận.

Chỉ có một câu hỏi: "Mày là Nguyễn Văn Thương phải không?", không nhận được cái gật đầu, họ lôi Thương lên và đập nát 2 bàn chân ra, trong 1 tuần lễ liền.
Nhưng chỉ đánh thế thôi. Cú đòn dằn mặt kẻ tù binh lì lợm lại được tạm ngưng để đưa Thương trở về căn biệt thự cho suy nghĩ lại. Nhưng họ vẫn cứ nhầm. Rốt cuộc, người Mỹ hết kiên nhẫn. Họ quyết định cắt chân anh ra, từng khúc, từng khúc một.

“Kẻ đuổi gà”

Người Mỹ rất thẳng thắn khi họ công khai luôn cho Thương rằng: "Nếu mày không khai thì chúng tao sẽ cưa chân mày, để sau này mày chỉ còn biết ở nhà đuổi gà”.

Lần cưa chân đầu tiên Hai Thương nhớ như in. Chân phải được chọn đầu tiên. Bàn chân dập nát vì trận đòn cảnh cáo, những ngón chân đã bị bẻ gãy chưa kịp lành, người Mỹ quyết định dùng Thương để áp dụng "đòn tra tấn kiểu tân thời", sau khi dành thời gian thả gái đẹp và tiền bạc ra “câu”.

 Nguyễn Văn Thương là hình ảnh đại diện cho sự dũng cảm, hy sinh của những chiến sỹ giao liên tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Viên bác sỹ Mỹ hướng dẫn đám thực tập sinh người Mỹ phải ga-rô chân như thế nào, cắt ra sao, xử lý phần thịt, phần xương, kẹp các tĩnh mạch, động mạch như thế nào để không thể làm tù binh chết, chỉ có thể... gần chết mà thôi.

Phòng tra tấn lặng ngắt, đây đó chỉ nghe thấy tiếng Anh của đám lính CIA trao đổi rầm rì và những ngón tay chỉ trỏ. Thương bị cột chặt trên bàn mổ. Người Mỹ quyết định dùng đòn độc: Cắt cụt đôi chân giao liên Nguyễn Văn Thương, sau khi ông một mực chỉ nhận mình là Nguyễn Trường Hân, thanh niên trốn lính.

Mũi tiêm thuốc tê chỉ gây mê phần chân phải. CIA muốn thưởng ngoạn sức chịu đựng của tên Việt Cộng gan lỳ, muốn ghi chép phản ứng của một con người ra sao khi chứng kiến một phần cơ thể mình bị cắt rời. Những nhát dao đầu tiên rạch vào ống quyển, ngay trên mắt cá. Thương thấy tê dại đi.

"Tôi như một con vật mà họ đem ra thí nghiệm", Hai Thương thuật lại. 38 năm sau, một ngày giữa tháng 4/2007 tại TP.HCM, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương mắt vẫn hằn lên sự bi phẫn khi kể lại việc ông trở thành vật thí nghiệm trong đòn tra tấn tân thời của người Mỹ.

Thời gian kéo dài thật chậm. Dù thuốc tê có làm vết cắt giảm đau, nhưng những dây thần kinh trên đầu Thương cảm nhận rất rõ khi từng phần da thịt bị cắt rời một cách rõ nét. Cuộc đấu cân não của CIA với những lời thuyết phục "Ông có thể nghĩ lại. Chúng tôi có thể phẫu thuật khâu lại vết thương..." vẫn tiếp diễn.

Khoảnh khắc kinh hoàng mà Thương còn nhớ là khi anh lắc đầu cái cuối cùng, lưỡi cưa phẫu thuật kê ngay xương chân, rít lên những âm thanh rợn người. Cảm giác đau buốt dội lên tận óc. Thương hét lên một tiếng khủng khiếp, rồi ngất xỉu vì đau.

Giữa tiếng thét căm hờn ngay trước lúc lịm đi, Thương còn nghe thêm một tiếng hét nữa. Đó là giọng của viên bác sỹ Mỹ. Hắn ta cũng hét với đám thực tập sinh đang tiến hành hình thức tra tấn trung cổ nhưng sử dụng các phương tiện hiện đại nhất: "Giữ lấy cái lưỡi của nó".

Khi tỉnh lại, điều đầu tiên đập vào mắt Thương là ống chân phải quấn băng vấy máu. Bàn chân phải đã mất. Bàn chân của người giao liên đã phải trả giá để giữ gìn bí mật của tổ chức. Người Mỹ để cho ông khoảng nửa tháng để nghỉ ngơi, chờ vết thương lên da non. Nhưng cứ vào lúc vết thương bắt đầu liền da thì Hai Thương lại được đem đi tra tấn.

"Rồi sau đó cứ thế họ tiếp tục. Vẫn những câu hỏi cũ: Mày là Nguyễn Văn Thương?, tôi lắc đầu. Vậy là họ lại cho tôi lên bàn mổ và tiếp tục cưa chân. Hết chân phải, họ cưa sang chân trái. Có đợt, vết thương chưa kịp liền miệng, họ đã lôi tôi lên bàn mổ để tiếp tục cưa và tiếp tục hỏi", thiếu tá Nguyễn Văn Thương nở nụ cười khinh miệt những kẻ đã từng tra tấn ông để lấy lời khai, khi kể lại.

Tổng cộng, họ cưa chân Nguyễn Văn Thương 6 lần. Cắt cụt đến háng cả 2 chân. Lần thứ 6, họ quyết định tháo khớp háng của ông.

Nhân tính trong chiến tranh?

Nguyễn Văn Thương là hình ảnh đại diện cho sự dũng cảm, hy sinh của những chiến sỹ giao liên tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Việt Nam.

Nhưng, ông cũng là nhân chứng sống của sự tàn bạo của CIA Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đối với tù binh mà họ quen gọi là bọn Việt Cộng. Mặc dù lúc tiến hành những bước của cái họ gọi là "tra tấn tân thời kiểu Mỹ" đối với Nguyễn Văn Thương, hiệp định Geneve về đối xử với tù binh chiến tranh đã được ký kết, còn nước Mỹ là một trong những thành viên đặt bút ký vào bản hiệp ước này.

32 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. 38 năm sau khi đôi chân đã vĩnh viễn xa rời một con người, ông vẫn thường hỏi: Không biết những người Mỹ đó đã vứt những bộ phận cơ thể của ông ở đâu? "Hay là họ đã giữ làm kỷ niệm?", ông cười tự hỏi.

Một buổi chiều, đột nhiên có một bác sỹ người Việt ghé lại phòng giam thăm Hai Thương. Những phút trao đổi ngắn gọn giúp ông hiểu rằng ngày hôm sau, người Mỹ quyết định sẽ tháo khớp háng của ông.

“Nếu họ làm vậy, ông sẽ chết. Và ông không được quyền im lặng mãi như vậy, vì ông có quyền phản đối khi người Mỹ tra tấn tù binh bằng sự vô nhân đạo như suốt quãng thời gian qua”, người bác sỹ nói.

"Tôi là một bác sỹ, và tôi biết trong giải phẫu, điều gì sẽ đến nếu họ tháo khớp háng của ông", người bác sỹ đó cho hay. Hai Thương nhớ mãi: Đó là một bác sỹ người miền Bắc, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, bị bắt làm tù binh. Người Mỹ và VNCH phát hiện ra chuyên môn của người này quá giỏi, nên đã sử dụng lại trong việc cứu chữa những người lính bị thương của họ. Đúng như tiên liệu, ngày hôm sau, người Mỹ tiếp tục lôi Hai Thương lên bàn mổ và tuyên bố sẽ "thử nghiệm tháo khớp háng" của ông. Ngay lập tức, Hai Thương phản đối phương pháp tra tấn tù binh mà họ áp dụng đối với ông trong thời gian qua, không đồng ý để họ tháo khớp háng.

Cũng ngay lập tức, vị bác sỹ người Việt xuất hiện lên tiếng phản đối việc dùng nhục hình tra tấn tù binh. Ông ta nói rằng nếu người Mỹ tháo khớp háng của Hai Thương, ông sẽ ra trước công luận để phơi bày mọi chuyện. Viên bác sỹ người Mỹ nổi giận, ngay lập tức túm cổ, bạt tai và đuổi vị bác sỹ người Việt ra khỏi phòng tra tấn. Tuy nhiên, lời đe doạ "phơi bày mọi chuyện" của vị bác sỹ người Việt đã khiến người Mỹ biết lo sợ. Trong lần thứ 6 cắt chân Thương, họ đã chùn tay khi bỏ ý định tháo khớp háng, nhưng quyết định cắt chân Thương tới... bẹn.

Một thời gian sau, Hai Thương mới biết người bác sỹ đó đã chết. Ông đã bị những kẻ muốn xoá bỏ bí mật tra tấn tù binh kiểu trung cổ này lôi đi, đánh vỡ tim và vùi mất xác. Họ không thể để lại một nhân chứng có thể góp phần chứng minh tội ác của họ.

Giữa TP.HCM khi ngày Quốc lễ 30/4 lần thứ 32 đang tới rất gần, Thiếu tá, Anh hùng Nguyễn Văn Thương kéo ống quần, chỉ vào vết thương sát bẹn trái: "Hãy tưởng tượng hình ảnh một con lật đật, nếu không có người khuyên của bác sỹ đó và CIA đã tháo khớp háng của tôi. Khi đó, cơ hội sống sót của tôi rất ít vì mất máu. Trong số ít cơ hội sống sót, thì tôi cũng không thể ngồi để tiếp chuyện các bạn như hôm nay. Khớp háng nếu bị tháo, nếu tôi may mắn sống thì cũng không thể ngồi đuổi gà, như người Mỹ tuyên bố trước khi bắt đầu cắt đôi chân giao liên này".

Ông lại không kìm được xúc động, nước mặt lại ứa ra. Cuộc nói chuyện phải tạm dừng một lúc lâu, để rồi Hai Thương nói rằng, ông còn nợ người bác sỹ tù binh ngày đó một lời tri ân cứu mạng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương dẫn lời một người già từng nói với ông khi trả lời câu hỏi về những mất mát của thế hệ ông để đất nước hôm nay có ngày toàn vẹn: “Một ông già từng gặp tôi và nói: "Những người mẹ, người vợ nào có con, có chồng hy sinh, rồi lâu ngày cũng quên đi và chỉ còn nhớ ngày cúng cơm thôi. Chứ không như những người có vết thương trên mình như mày, vì vết thương sẽ đeo đẳng cả cuộc đời mày".

(còn nữa)