"Thiếu úy công an uống nhầm ma túy tử vong": Từ chối cấp cứu là hành vi vô trách nhiệm
- 06:01 16-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên quan đến vụ người nhà thiếu úy Nguyễn Đức Đạt (26 tuổi, công tác tại Đội CSĐT tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) tố bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long thờ ơ không cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người nghèo TP HCM) cho biết: "Theo khoản 1, Điều 32 của Luật Khám chữa bệnh về "Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh" thì được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Việc từ chối cấp cứu của bác sĩ trong vụ việc này nhưng không sơ cứu, cấp cứu... đã vi phạm Luật Khám chữa bệnh".
Luật sư cho rằng việc không cấp cứu người bệnh của bác sĩ là vô trách nhiệm |
Riêng luật sư Võ Thanh Tĩnh (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng: "Bệnh nhân vào nhập viện cấp cứu thì bác sĩ không được từ chối, bác sĩ phải cấp cứu trước cho bệnh nhân để vượt qua cơn nguy hiểm rồi mới định khoa chuyển qua. Việc từ chối cấp cứu như vậy là hành vi vô trách nhiệm của bác sĩ".
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết: "Một bệnh nhân có tình trạng cấp cứu thì tất cả các BV phải tiến hành cấp cứu, không phải riêng BV nào xử lý. Khi cấp cứu xong rồi, nếu bệnh nhân tạm ổn định mới chuyển qua chuyên khoa".
Nói về việc nếu bác sĩ trực của BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho súc dạ dày kịp thời thì liệu thiếu úy Đạt có khả năng sống sót hay không, một lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực của một BV tại TP Cần Thơ phân tích rằng, phải xem liều lượng ma túy đá mà thiếu úy Đạt uống, cùng thời gian nhập viện. Nếu như người này uống hết 500 ml với hơn 10 gram ma túy đá thì cơ thể sẽ hấp thu rất nhanh. Ma túy đá khác các loại ma túy khác là nó có tác dụng lên hệ tim mạch, gây suy hô hấp. Đối với các trường hợp ngộ độc thì việc rửa dạ dày càng sớm càng tốt.
|
Trong quá trình công tác, thiếu úy Đạt nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của đơn vị |
Như tin đã đưa, ông Nguyễn Đức Dũng, cha của thiếu úy Đạt, rất bức xúc khi kể về việc bác sĩ trực của BVĐK tỉnh Vĩnh Long từ chối cấp cứu cho con mình. Theo ông Dũng, vào tối 13-7, thiếu úy Đạt cùng đồng đội đi truy bắt các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy tại xã Long Phước. Công an đã vây bắt được các đối tượng ở một nhà dân và đưa lên xe về trụ sở làm việc. Lúc này, do khát nước nên Đạt cầm ca đựng nước ở đây để uống. Trên đường về trụ sở công an xã, anh Đạt có biểu hiện khó chịu nên kêu đồng đội còng tay mình lại do lo sợ không kiểm soát được hành vi.
"Đồng đội của Đạt gọi cho gia đình tôi hay. Vợ chồng tôi nhanh chóng đến công an xã đưa con vào BVĐK tỉnh Vĩnh Long cấp cứu. Lúc này bác sĩ có mặt tên T. đến hỏi con tôi có uống rượu không?. Tôi mới bảo "Nó đi bắt ma túy có uống ca nước chắc có pha ma túy nên mới bị co giật, nhờ bác sĩ cứu giùm". Tuy nhiên, bác sĩ T. nói ca này phải đưa qua BV Tâm thần cấp cứu rồi ông ấy bỏ vào phòng đóng cửa lại. Sau đó, điều dưỡng cũng đi hết, bỏ mặc gia đình và bệnh nhân", ông Dũng nói.
Mẹ thiếu úy Đạt khóc nức nở khi kể về quá trình đưa con mình vào BV cấp cứu với sự thờ ơ của bác sĩ |
Ông Dũng cùng vợ liền đưa con sang BV Tâm thần cách đó khoảng 5 km để cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện truyền dịch, thở ôxy, bóp bóng, tiêm thuốc... cho Đạt, bác sĩ ở đây cho biết, sự việc đã quá muộn. Với hy vọng cứu Đạt, gia đình lại đưa Đạt trở lại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, lúc này các bác sĩ mới tiến hành cấp cứu (không có bác sĩ T.) nhưng anh Đạt đã tử vong.
Theo báo cáo của BVĐK tỉnh Vĩnh Long gửi Sở Y tế, lúc 23 giờ 52 phút ngày 13-7, BV tiếp nhận bệnh nhân Đạt trong tình trạng kích động, la hét, hoảng loạn, được 4 người nhà khống chế và đưa vào phòng cấp cứu. Điều dưỡng tiếp nhận cố định tay vào giường, đồng thời bác sĩ trực nhận định đây là một tình trạng rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính. Bác sĩ giải thích với người nhà vì BV không có chuyên khoa sâu tâm thần nên đề nghị đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần để được điều trị chuyên khoa hợp lý hơn. Sau đó, trong lúc bác sĩ vào phòng định đánh giấy chuyển viện thì bệnh nhân tự đứng dậy rời khỏi BV cùng với người nhà lúc 23 giờ 59 phút cùng ngày. Lý do không tiếp nhận điều trị: Bác sĩ nhận thấy đây là tình trạng cấp cứu tâm thần cần được chuyên khoa điều trị.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nơi xảy ra vụ việc |
Lúc 0 giờ 15 phút ngày 14-7, bệnh nhân Đạt nhập viện ở BV Tâm thần trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức. Khoảng 1 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và tử vong. Đến khoảng 1 giờ 34 phút ngày 14-7, bệnh nhân trở lại nhập viện ở BVĐK tỉnh Vĩnh Long, trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn và chẩn đoán chết trước vào viện chưa rõ nguyên nhân. Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, kết quả giám định chất lỏng mà thiếu úy Đạt uống trong ca là ma túy loại methamphelamine (ma túy đá) thể tích 500 ml, khối lượng methamphelamine trong 500 ml hơn 10 gram. Nguyên nhân tử vong của thiếu úy Đạt do ngộ độc chất ma túy methamphelamine.