Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kiểm lâm Nghệ An chưa nghe báo cáo rừng sa mu bị chặt hạ

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Bạch Quốc Dũng cho hay, ông chưa nghe báo cáo việc rừng sa mu bị chặt hạ.

XEM CLIP:

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/08/13/kiem_lam_nghe_an.mp4[/presscloud]

Ông Dũng cho biết, ông vừa đi công tác xa về, mới nghe anh em báo cáo sự việc sau khi có thông tin trên báo VietNamNet.

Để rõ hơn sự việc, ông Dũng gọi Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên Nguyễn Anh Tuấn (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) thông tin về sự việc.

Ông Tuấn cho biết thông tin, trước lúc báo phản ánh, Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương chưa có báo cáo cụ thể vụ việc gỗ sa mu bị lâm tặc chặt hạ ở đỉnh Phu Lon (xã Tam Đình, huyện Tương Dương)..

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã thành lập tổ công tác và giao nhiệm vụ xác minh đầy đủ thông tin báo phản ánh; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra đối tượng vi phạm xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm chủ rừng và kiểm lâm.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh nhỏ) 

“Nếu để xảy ra khai thác, chặt phá rừng trong vùng được bảo vệ thì chủ rừng chịu trách nhiệm. Nếu chủ rừng phát hiện rừng bị xâm phạm, ngăn chặn kịp thời thì báo cơ quan chức năng xử lý. Trường hợp chủ rừng phát hiện, không kịp thời báo cáo thì chi cục kiểm lâm lập hồ sơ xử lí hành chính, hoặc cao hơn nữa là chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra xử lí hình sự”, ông Tuấn nói.

 Thân gỗ sa mu dầu lớn đang nằm ở lưng chừng núi

Cũng theo ông Tuấn, hiện toàn tỉnh có khoảng 700m3 gỗ bị chặt hạ đang nằm trong rừng sâu (gỗ của nhiều vụ án đã khởi tố - PV). Do đó, Sở NN&PTNT đã lập dự án bảo vệ rừng khẩn cấp, số vốn cần thực hiện khoảng 20 tỷ đồng xin cấp từ ngân sách, trong đó 6 tỷ để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng nhưng chưa được phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, vụ việc được phát hiện tại khu vực do công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương quản lý. Số lượng gỗ này khai thác từ lâu, người dân vào rừng phát hiện đã cưa xẻ về tận dụng.

“Sau khi nhận được báo cáo của kiểm lâm, huyện đã chỉ đạo đưa tang vật ra ngoài và chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra. Nếu có thông tin tiêu cực trong vụ này, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Hải khẳng định.

Theo ông Hải, Tương Dương là điểm nóng về diện tích rừng tự nhiên, ngành kiểm lâm rất vất vả vì nhân lực ít mà diện tích rừng nhiều. Mỗi nhân viên kiểm lâm quản lý đến 17.000ha, gấp 17 lần so với quy định nên rất khó khăn.

 Mùn gỗ sa mu dầu còn tươi trên đỉnh Phu Lon

Còn ông Bạch Quốc Dũng khẳng định: “Trước đó chưa nghe báo cáo rừng sa mu bị chặt hạ. Bây giờ vụ việc này cần phải xác minh, điều tra làm rõ, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương kịp thời xử lý”.

Nhìn lại sự việc trên, sau khi phát hiện việc khai thác gỗ trái phép trển đỉnh Phu Lon từ tháng 5/2018, Hạt Kiểm lâm huyện, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (chủ rừng) và UBND huyện Tương Dương tổ chức xử lý, thuê người cưa xẻ kéo gỗ ra khỏi rừng nhưng chưa báo cáo về cấp cao hơn cho đến khi VietNamNet phản ánh.

Ngoài ra, Cục Kiểm lâm vùng 2 cũng có văn bản chỉ đạo Kiểm lâm Nghệ An xác minh, điều tra làm rõ đối tượng liên quan vụ việc.