Xao xuyến mùa sang…
- 16:18 12-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một quả ổi vừa chín, lên hương thơm nồng, với nhiều người chính là một tác phẩm của không gian giao mùa |
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Đó là những câu thơ mà người bạn gái đặc biệt của tôi thường hay đọc cho tôi nghe vào những sáng đầu thu se lạnh. Bạn tôi là người viết văn nên tâm hồn vô cùng nhạy cảm. Hẳn nhiên rồi.
Bạn tôi lại thuộc thế hệ giao thời nên dẫu có cố hoà mình vào đời sống hiện đại thì tâm tư vẫn thường bị níu giữ bởi những hoài niệm cũ xưa. Bởi thế, trong những khoảnh khắc giao mùa, một quả ổi hay một quả chay vừa chín với bạn cũng là một tác phẩm của mùa thu, cũng khiến tâm hồn xao xuyến, bâng khuâng... Và, trong không gian đượm hương thu ấy, thể nào bạn cũng lại lục lọi ngăn tủ cất giấu đồ đan để mang len ra hàng hiên đầy hoa và bắt đầu những mũi đan đầu tiên…
Mùa thu vàng mênh mang (ảnh Lê Thanh Trường) |
Bạn tôi nói, những lúc ngồi đan như thế chính là những lúc kỷ niệm trở về nhiều nhất. Và đôi khi không phải bạn đan khăn hay đan áo mà bạn đang đan lại kỷ niệm, đan lại những hơi ấm đã rời xa bạn để nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cảm xúc, để bạn có thể viết khoẻ hơn, hay hơn, sâu sắc hơn… Cũng có khi, trong khoảnh khắc tưởng chừng như lãng đãng ấy, trí óc lại tường minh nhất để bạn điềm nhiên ngồi xếp đặt lại những nghĩ suy bộn bề của cuộc sống… Và rồi, trong vội vã sương tan, trong vội vàng se lạnh, bạn đã kịp “trình làng” những trang viết đầy trăn trở, đầy trách nhiệm với cuộc sống…
Những lúc ngồi ngắm bạn thoăn thoắt đưa tay đan áo, đan khăn, tôi lại da diết nhớ mẹ. Tôi đồ rằng, mẹ tôi chưa bao giờ đan len vì cảm xúc giao mùa. Nhưng, với tôi, hình dáng của mẹ ngồi đan bên bậc thềm chính là một trong những hình ảnh chuyển mùa đẹp đẽ nhất mà tôi thu nhận được. Mẹ thường ngồi đan vào ban trưa, trong mơ màng của lớp sương vừa tan, trong tiếng gà gáy khan giữa vườn cây quạnh quẽ, hình ảnh tảo tần ấy thật đẹp đẽ, thật nên thơ. Có lẽ hình ảnh những người đàn bà ngôi đan cũng chính là một trong những hình ảnh không thể thiếu trong nhưgx mùa thu xưa xa.
Hình ảnh những cuộn len và kim đan của người thiếu phụ chính là hình ảnh không thể thiếu của mùa thu xưa (ảnh Internet) |
Những mùa mẹ còn đan áo cũng chính là những năm tháng khốn khó nhất của gia đình tôi. Với dăm ba cuộn len bố gửi về từ Hà Nội, mẹ có thể biến tấu được rất nhiều kiểu áo. Áo cổ lọ cho anh tôi, áo pha màu sọc xanh đỏ cho tôi, chiếc khăn cho mẹ… Và thường thì, năm sau mẹ lại tháo áo cũ ra đan lại, có thể đổi màu cho các con và đổi len cho hàng xóm để pha màu cho mới lạ… Cứ thế, chúng tôi đã đi qua những mùa đông rét mướt trong những khởi đầu ấm áp từ đôi tay mẹ buổi sang mùa…
Xứ Nghệ của tôi không có cả một mùa thu dài đằng đẵng như phương Bắc. Thu quê tôi có chăng là sự ghé qua đầy vội vã của những mỏng manh màn sương mờ, của ít ỏi những luồng heo may se lạnh. Chừng ấy thôi cũng đủ để gợi bao nhung nhớ, đợi chờ. Chừng ấy thôi cũng đủ để ủ thơm vườn ổi của bà, làm nồng thêm hương cau, hương bưởi… Tôi vốn dĩ lớn lên từ quê nên trong những khoảnh khắc giao mùa lại thường hay mơ về chốn cũ. Thật hữu duyên khi khu phố tôi ở lại đậm không gian quê kiểng. Trong đó tôi thích nhất là vườn ổi của bà cụ Nguyệt.
Bà cụ Nguyệt trồng rất nhiều ổi và mỗi độ giao mùa, ngày nào cung ra vườn thăm quả chín rồi nhắn nhủ cháu con sum vầy.. |
Bà Nguyệt đã xấp xỉ tám mươi, con cháu đều đã ở riêng, chỉ còn hai ông bà già tựa nương vào nhau buổi xế bóng. Bà nói, vườn rộng chẳng biết trồng gì nên trồng thật nhiều ổi để con cháu còn năng đi về cho vui cửa vui nhà. Độ giao mùa cũng là lúc vườn ổi của bà bắt đầu lên hương thơm ngát. Hương của mùa ăn sâu vào gốc rễ để toả ngát không chỉ trong quả chín mà còn cả trong lá, trong hoa, toả vào trong tâm tư, ký ức của những người nặng lòng nhớ nhung quê nhà như tôi…
Dẫu rất vội nhưng những ngày giao mùa ở Hà Tĩnh cũng đủ để gợi bao nhung nhớ, đợi chờ...(Ảnh Huy Tùng) |
Khi cả không gian xao xuyến chuyển mùa ấy cũng là lúc những loài hoa mùa hè cố vươn mình trổ nốt những chuyến hoa cuối cùng để thu mình lại nhường chỗ cho những loài hoa khác. Trong chùng chình ấy, bụi hoa dẻ nhà tôi cũng đã kịp chín đợt hoa cuối cùng. Không có gì tuyệt vời bằng một sáng mùa về mát trong, giữa bảng lảng sương mờ, một mùi hương dịu ngọt, thầm kín len lỏi từ sân dưới lên tới ban công tầng hai rồi toả thơm cả căn phòng vừa bừng thức.
Trồng hoa dẻ và yêu hoa dẻ từ lâu đã trở thành một nét văn hoá truyền thống của gia đình tôi. Bố tôi vẫn thường nói, hoa dẻ tuy không đẹp, không rực rỡ nhưng hương thơm thì không có loài hoa nào sánh kịp. Ở hoa dẻ hội tụ cả chút nắng vàng còn sót lại của mùa hè và sự trong trẻo, dịu ngọt, mát trong như mùa thu. Bổ tôi vẫn thường nói đến hoa dẻ như một nhân cách sống biết khiêm nhường trong tận hiến. Và, mỗi độ giao mùa, sau đợt hoa cuối cùng, bố tôi lại xắm nắm chọn đất, chọn cành để chiết thêm những gốc dẻ mới, phần để trồng thêm phần để dành tặng bạn bè…Ấy là bố tôi đang thầm dạy chúng tôi về sự sẻ chia, ngay cả với những điều mà ta trân quý nhất…
Hoa dẻ gợi cho người ta liên tưởng tới những khiêm nhường trong tận hiến... (Ảnh Lê Khánh Thành) |
Hơn ba mươi tuổi đời tôi đã có hơn hai mươi năm biết cảm nhận về những mỏng manh mà bền chặt, những run rẩy mà lắng sâu của khoảnh khắc giao mùa. Tôi đã kịp tìm cho mình những người bạn tâm giao, có thể sẻ chia cùng nhau những cảm xúc bất chợt đến, bất chợt đi khi mùa về cùng bao nhiêu hoài niệm. Để trong những ngày thu sang ấy, có thể chiều lòng bạn mà cùng dắt nhau lang thang khắp phố phường, khắp các miền quê để tìm lại ấu thơ.
Để trong một phút giây nhung nhớ nào đó, tạm tắt đi những bài hát chở nặng tâm tư của Trịnh, của Vũ Thành An… để cất lên những giai điệu trong sáng, nhẹ nhàng mà thiết tha của tuổi trẻ. Rằng: “Góc phố này nơi mình quen nhau/ Có những chiều mưa rơi ướt vai/ Có những lần mình hẹn ngày mai/ Hẹn yêu mãi hẹn chung lối đi”… Rồi cùng nhìn nhau cười mơ màng trong những xao xuyến vừa chợt tới trong tâm tư. Để lại thấy, đời sống dẫu là một hành trình đầy nhọc nhằn vẫn thật đáng yêu, vẫn còn rất nhiều thứ cần lòng mình tha thiết hơn…