3 Hoàng đế chung tình bậc nhất lịch sử Trung Hoa, cả đời chỉ yêu một người duy nhất
- 13:52 09-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Minh Hiếu Tông
Minh Hiếu Tông là Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. 18 năm trị vì, ông được xem là một trong những vị Hoàng đế đáng khen nhất của triều Minh khi không chỉ cải cách đất nước thành công mà còn là người hiếu thuận với cha mẹ, một lòng chung tình với thê tử.
Người phụ nữ được ông hết mực yêu thương đó chính là Hiếu Thành Kính Hoàng hậu Trương thị. Bà trở thành thê tử của ông năm 1487 khi Hiếu Tông mới chỉ là một Hoàng thái tử.
Ảnh minh hoạ |
Song, từ đó cho tới những ngày cuối đời, ông vẫn không hề nạp thêm một phi thiếp nào nữa mà chỉ một lòng chung thuỷ với người vợ duy nhất. Thậm chí, khi các quan lại dâng tấu chương cầu khẩn nhà vua nạp phi, Minh Hiếu Tông vẫn kiên quyết từ chối.
Sử sách xưa chép lại rằng, tuy là bậc quân vương đứng đầu một nước song hai người họ sống với nhau chân tình không khác gì những cặp vợ chồng khác trong dân gian. Ông cũng không hề có bất cứ một mối quan hệ ngoài hôn nhân nào mà chỉ nhất nhất chung chăn gối với Hoàng hậu của mình.
Cuộc sống "đế vương một vợ - hậu cung không tỳ thiếp" cứ thế diễn ra trong hạnh phúc cho tới khi Minh Hiếu Tông qua đời. Con trai của ông và Trương Hoàng hậu lên ngôi thay cha, hiệu là Minh Vũ Tông.
Sau khi chồng qua đời một thời gian, Hoàng hậu Trương thị cũng đau buồn mà ra đi vài năm sau đó. Sự chung tình, son sắt với một người phụ nữ duy nhất của vị vua này được người dân thời bấy giờ hết lời ca ngợi và lưu truyền mãi tới những năm sau này.
2. Minh Anh Tông
Chuyện tình giữa Hoàng đế Minh Anh Tông và Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu có thể gọi là đa truân bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Minh Anh Tông 2 lần lên ngôi Hoàng đế, Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu khóc tới mù mắt, phế chân vì thương nhớ chồng. Sau tất cả, họ vẫn nắm tay nhau vượt qua những ngày gian khó.
Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu hay Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi mới 15 tuổi. Tiền thị khi đó không phải có xuất thân quá nổi bật hay vẻ đẹp sắc nước hương trời, song bà lại được Thái hoàng thái hậu của Minh Anh Tông là Trương thị đánh giá cao vì nhân phẩm xuất chúng.
Sau khi lập Tiền thị làm Hoàng hậu, vua Minh Anh Tông thấy gia tộc của Tiền Hoàng hậu đều chỉ giữ những chức quan khá nhỏ liền đề nghị cất nhắc phong hầu nhưng liền bị Tiền thị từ chối.
Bà cho rằng trong gia tộc chưa ai có tài năng xuất chúng để xứng đáng được phong tước, việc cất nhắc khi không có công lao ắt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của vua. Cũng từ đó, vua Minh Anh Tông ngoài tình cảm son sắt đối với Tiền hoàng hậu còn thêm phần kính trọng bà.
Ảnh minh hoạ |
Năm Chính Thống 14, thủ lĩnh bộ tộc Ngõa Lạt của Mông Cổ ồ ạt tiến quân vào lãnh thổ nhà Minh, vua Minh Anh Tông đã thân chinh cầm quân ra trận, để em trai Chu Kỳ Ngọc ở lại trấn thủ kinh thành. Trong "Biến cố Thổ Mộc" này, Hoàng đế Minh Anh Tông đã bị quân Mông Cổ bắt làm tù binh.
Tiền Hoàng hậu khi đó quá đau buồn, ngày ngày giam mình chốn hậu cung ngày ngày quỳ gối trước Phật, thành tâm khẩn cầu trượng phu có thể bình an trở về. Mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt đã khiến tình hình sức khỏe của Tiền Hoàng hậu suy giảm đến mức phế một chân, mù một con mắt khi mới chỉ 24 tuổi.
Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng Minh Anh Tông cũng được quân Mông Cổ trao trả cho nhà Minh. Song lúc này triều đình đã có vua mới nên Minh Anh Tông bị đưa đến giam lỏng ở Nam cung.
Tiền Hoàng hậu thấy vậy liền dọn đến Nam cung chung sống cùng chồng. Hai người họ đã cùng nhau trải qua những khó khăn vất vả, thậm chí có lúc Tiền thị phải bán đồ thêu để kiếm tiền sống qua ngày.
Tới khi Minh Anh Tông lấy lại được ngôi vị, dù mắt mù, chân liệt và không sinh được người con trai nào nhưng Tiền thị vẫn được vua một lần nữa sắc phong lên ngôi Hoàng hậu. Tấm lòng sắt son, chung thuỷ của bà khiến Minh Anh Tông hết mực trân quý dù bà có tàn tật.
Nhưng nhưng cuộc đời vẫn lắm gian truân khi tới chết, hai con người này vẫn không được ở cạnh nhau. Năm Thiên Thuận thứ 8, vua Minh Anh Tông qua đời, Tiền Hoàng hậu vì quá đau buồn cũng ra đi vài năm sau đó.
Trước khi qua đời, vua Minh Anh Tông đã ra chỉ dụ sau khi Tiền thị qua đời sẽ lấy danh nghĩa hoàng hậu mà chôn cùng lăng tẩm với ông. Thế nhưng sau khi Tiền Hoàng hậu qua đời, Chu thái hậu vì ganh ghét đã không tuân theo di mệnh của tiên đế, tìm mọi cách để phần mộ của Tiền thị mãi mãi không được thông suốt với mộ chồng.
3. Minh Thái Tổ
Minh Thái Tổ tên thật là Chu Nguyên Chương được xem là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc nhờ những công lao để lại cho hậu thế. Ông còn nổi tiếng, khiến đời sau ngưỡng mộ bởi tình cảm sâu đậm dành cho người vợ tào khang của mình.
Chu Nguyên Chương gặp người phụ nữ của mình khi ông xin vào làm thủ hạ cho Quách Tử Hưng – cha nuôi của Mã thị. Quách Tử Hưng khi đó muốn thu phục Chu Nguyên Chương nên đã gả con gái nuôi cho ông.
Ảnh minh hoạ |
Tình cảm vợ chồng của họ gắn bó keo sơn từ những ngày mới thành vợ chồng cho tới khi hoạn nạn khó khăn khi Chu Nguyên Chương lập nghiệp. Trong suốt quá trình gây dựng nghiệp lớn, lập nên nhà Minh, người ta không khi nào thấy vắng bóng một người phụ nữ mang tên Mã Hoàng hậu đứng sau Chu Nguyên Chương.
Mã Hoàng hậu là người luôn thanh cao giản dị. Bà sống hết mực đức độ, với hậu cung không hề cay nghiệt chèn ép mà đều tỏ lòng hết mực quan tâm. Bà luôn sống với quy tắc "Khoan với người, nghiêm với mình", nhờ vậy trong suốt những năm ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, hậu cung luôn yên ổn, không can dự vào việc triều chính.
Với chồng, tuy là Hoàng đế song Mã Hoàng hậu luôn sẵn sàng lên tiếnh khuyên nhủ, can ngăn khi ông có những hành động không phù hợp. Với các hoàng tử và công chúa, bà luôn dành hết lòng chăm sóc, dạy bảo các con lối sống giản dị và chăm đọc sách.
Năm 51 tuổi, Mã Hoàng hậu qua đời sau khi lâm bệnh nặng. Minh Thái Tổ vô cùng đau đớn, sau cái chết của vợ, ông đã không hề lập hoàng hậu mới mà một lòng son sắt với Mã Hoàng hậu tới cuối đời.