Ra đề thi THPT quốc gia: Đẽo cày giữa đường?
- 13:38 09-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ðề khó làm lộ ra sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. |
Nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 với “cơn mưa điểm 10” vì đề dễ khiến một số thí sinh đạt 30 điểm/3 môn thi vẫn không đỗ vào trường mong muốn thì kỳ thi 2018 khiến nhiều học sinh “khóc ngay trong phòng thi” vì đề quá khó. Đặc biệt, các môn toán, vật lý, sinh học, lịch sử thậm chí ngữ văn năm 2018 khiến một số các giáo viên nói đề quá sức với thí sinh.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy toán trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) thừa nhận, sau khi có đề, thầy ngồi làm bài nhưng hết thời gian chỉ đạt được điểm 9. Một số giáo viên khác nói chỉ làm được 7 - 8 điểm. Theo thầy Tùng, đề thi phân hóa cao, một số câu quá khó cần nhiều thời gian hơn để tính toán.
Ở đề thi môn Lịch sử, một giáo viên trường THPT chuyên ở Hà Nội cũng thừa nhận, giáo viên trường chuyên ngồi trong phòng thi làm bài như thí sinh cũng không hết đề. 40 câu hỏi, có nhiều câu rất khó, yêu cầu thí sinh làm trong 50 phút là chưa phù hợp.
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn Toán, ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, đề thi 2017 quá dễ, đề thi 2018 quá khó và năm tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh, giống như đẽo cày giữa đường. Theo ông Vĩnh, có hai vấn đề cứ loay hoay xem ra đề nghiêng về hướng nào thì phù hợp. Ra dễ thì khó tuyển sinh mà ra khó cũng không ổn. Lỗi thứ 2 là người ra đề thi chưa hiểu thế nào là đề thi trắc nghiệm. Ông Vĩnh lấy ví dụ ở môn toán, đề thi năm vừa rồi có nhiều câu hỏi rất khó đòi hỏi phải tính toán nửa trang giấy mới ra kết quả.
Khó phù hợp khi ghép hai trong một
Ông Lê Đức Vĩnh cho rằng, trong năm tới, nếu Bộ GD&ĐT điều chỉnh thì nên ra đề thi trung bình, vừa sức để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp và một số câu hỏi khó vừa phải. Còn các trường ĐH, học viện nên có phương án để tuyển sinh riêng sẽ phù hợp hơn là cố ép mục tiêu của hai kỳ thi vào một.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhìn nhận, khâu ra đề của Bộ GD&ĐT thể hiện sự không ổn định. Theo thầy Hiếu, qua hai năm đổi mới hình thức thi trắc nghiệm, kết quả thi nằm ở hai thái cực: dễ kết quả cao, khó kết quả quá thấp. “ Điều đáng nói, trong một kỳ thi lớn nhưng Bộ không có lộ trình, kế hoạch dài hơi, chạy theo dư luận để điều chỉnh đề thi là không ổn”, thầy nói.
Cũng theo thầy Hiếu, vì đề thi khó, kết quả thấp nên năm nay mới lộ diện những người gian lận, sửa điểm thi. Tuy nhiên, việc thi trắc nghiệm tổ chức tại các địa phương còn có nhiều lỗ hổng lớn để những người có quyền hạn lợi dụng trục lợi. Thầy Hiếu cho rằng, dù năm tới Bộ có điều chỉnh thế nào cũng khó lòng đạt được 2 mục tiêu trong 1 kỳ thi. Vì thế, nếu chỉ xác định mục tiêu tốt nghiệp thì đề không cần ra theo hướng đánh đố, phức tạp để học sinh dễ dàng lấy 5 điểm. Ngoài ra, cũng cần có những câu phân hóa để chọn học sinh khá giỏi để phục vụ việc xét tuyển ĐH.
“Những câu hỏi khó, đòi hỏi tính toán cao như vậy là những câu tự luận, không phù hợp thi trắc nghiệm. Một đề thi phù hợp phải được thử nghiệm và phản biện nghiêm túc. Giáo viên có trình độ, năng lực trung bình làm đề trong vòng 70 phút xong là vừa phải với học sinh”. Ông Lê Ðức Vĩnh |