Sống khổ sở bên Nhà máy xi măng Sông Lam
- 10:49 09-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà dân nằm sát dưới chân Nhà máy xi măng Sông Lam (Ảnh: KHÁNH HOAN) |
Nhà bà Hoàng Thị Toàn (xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn) nằm cách bờ rào Nhà máy xi măng Sông Lam (của Công ty CP xi măng Sông Lam, thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) chỉ khoảng vài chục bước chân. Khi PV có mặt, trước cổng nhà bà Toàn, xe công trình đang san lấp mặt bằng cho nhà máy, đất được đắp cao ngang bằng nóc nhà. “Đất họ chất như núi ngay trước mặt nhà tui, nếu trời mưa to chắc chắn núi đất này sẽ ập xuống”, bà Toàn lo lắng nói.
Từ khi nhà máy xi măng này hoạt động vào cuối năm 2016, cuộc sống của nhiều gia đình ở xung quanh bị đảo lộn. Bà Hoàng Thị Sáu (hàng xóm của bà Toàn), cho biết nước bẩn từ nhà máy tràn xuống ngấm vào lòng đất khiến giếng nước nhà bà không còn dùng được. “Ở đây nắng thì bụi, mưa thì bùn. Nhiều tháng nay, tui phải đi xin nước ở nơi khác về nấu ăn, giếng nhà đục ngầu không thể dùng được…”, bà Sáu than thở.
Thi công quốc lộ làm mất đất sản xuất của dân Nhà ông Nguyễn Văn Hiệp (xóm trưởng xóm Đô Sơn) nằm ngay trước cổng vào nhà máy xi măng. Ông Hiệp nói: “Mỗi khi mưa lớn là nước từ nhà máy đổ xuống, kéo theo bùn đất san lấp gây ngập lụt cho cả xóm. Lãnh đạo nhà máy cho khắc phục bằng cách mở mương cho thoát ra đồng và bùn lại tràn xuống lấp ruộng của dân…”.
Tại xóm 9, xã Bài Sơn, cách Nhà máy xi măng Sông Lam khoảng 1 km, mỏ đá nguyên liệu của nhà máy này cũng khiến hàng chục hộ dân khốn khổ vì mìn phá đá. Nhiều tường nhà bị nứt, thậm chí đá văng vào tận vườn nhà. Bà Nguyễn Thị Hà, nhà nằm cách mỏ đá chừng vài trăm mét, cho biết mỗi ngày trong khu vực mỏ diễn ra nhiều đợt nổ mìn khiến cuộc sống của người dân luôn bất an. “Mỗi khi mìn nổ, nhà rung lắc như động đất, có người sợ quá phải chạy ra khỏi nhà. Dân kêu nhiều, nhà máy đã cho người về kiểm tra và ghi nhận những nhà bị nứt tường, vỡ cửa kính nhưng vẫn chưa phản hồi gì”, bà Hà cho biết.
Ông Thái Đình Phúc, cán bộ địa chính - môi trường xã Bài Sơn, thừa nhận Nhà máy xi măng Sông Lam đã khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng nặng do bụi và tiếng ồn, hơn 1 ha lúa bị bồi lấp do bùn từ nhà máy chảy xuống. Đến nay, chính quyền mới di dời được 38 hộ. Hiện có 20 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp vì họ sống quá gần nhà máy, nhưng vẫn đang phải chờ ý kiến từ huyện và tỉnh.
Hàng trăm sổ đỏ của dân bị treo hơn 10 năm Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT phê duyệt năm 2016, bán kính an toàn dân sinh của dự án Nhà máy xi măng Sông Lam (khoảng cách từ dự án đến điểm rơi bụi và khí độc phát sinh trong quá trình hoạt động) cách lò nung khoảng 900 m, cách hàng rào nhà máy 600 m. Theo đó, đối tượng chịu tác động của nhà máy này có 32 hộ dân, gồm 20 hộ nằm ở phần diện tích mở rộng và 12 hộ nằm trong bán kính tác động do bụi, khí gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hợi, Phó phòng TN-MT H.Đô Lương, cho biết tháng 3 vừa qua, sau khi dân "kêu" quá nhiều, huyện kiểm tra thì phát hiện số hộ dân nằm trong phạm vi cách hàng rào nhà máy xi măng 600 m là 158 hộ chứ không phải 32 hộ. UBND H.Đô Lương sau đó đã có kiến nghị Sở TN-MT tỉnh Nghệ An xử lý tình huống này.
Theo ông Hợi, ngày 3.4, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An có công văn xin ý kiến Bộ TN-MT về việc di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của Nhà máy xi măng Sông Lam. Ngày 23.5, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An tiếp tục gửi công văn tới Bộ TN-MT xin ý kiến chỉ đạo đối với khoảng cách và số hộ dân cần thiết phải di dời do tác động môi trường của nhà máy này. Tuy nhiên, đến nay Bộ TN-MT vẫn chưa có phản hồi và Sở đang phải tiếp tục... chờ.