Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bà chủ spa vung tiền tổ chức đám cưới cho ‘người tình tiền kiếp’

Vì muốn sắm lễ chu đáo nên năm ngoái người chủ spa nhờ bà Dính dẫn về tận làng Phúc Am để đặt đồ. Số đồ vàng mã phục vụ cho đám cưới người tình tiền kiếp của chị đầy ắp 1 ô tô tải.

Từ lâu, làng Phúc Am (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) được biết đến là ngôi làng có truyền thống làm vãng mã. Với tâm lý “trần sao âm vậy”, khi đến đây, khách thập phương có thể tìm thấy tất cả những món đồ nhằm phục vụ cuộc sống cho người thân ở cõi âm như: nhà cửa, xe cộ, voi, ngựa, thuyền bè, quần áo…

Tuy nhiên theo chia sẻ của những người dân làm nghề, kể từ khi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra công văn cấm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, số vàng mã bán ra phần lớn chỉ phục vụ cho việc cúng lễ ở các đền, phủ, điện thờ… Trong đó, khách hàng là thầy cúng đóng vai trò chủ đạo.

 Về làng Phúc Am (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) vào những ngày này,du khách sẽ thấy không khí tấp nập ngay từ cổng làng.

“Ở mỗi xưởng sản xuất vàng mã đều có các khách ruột. Những vị khách này đặt hàng quanh năm. Vào các ngày lễ Tết khách sẽ đặt nhiều hơn. Ví dụ dịp trước và sau Tết, những người làm nghề sẽ làm không hết việc vì nhu cầu mua vàng mã quá lớn”, chị Phạm Thị Phương (30 tuổi), chủ một xưởng vàng mã ở Phúc Am, chia sẻ.

Theo lời chị Phương, ở làng Phúc Am có rất nhiều xưởng sản xuất vàng mã. Xưởng của gia đình chị Phương là một xưởng nhỏ. Thế nhưng số lượng khách đặt hàng liên tục luôn duy trì ở khoảng trên dưới 20 người.

“Tháng bình thường, mỗi khách chỉ mua khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tháng cao điểm, khách đến mua một vài trăm triệu tiền vàng mã là chuyện bình thường”, chị Phương cho biết.

 Vào mùa lễ hội, người nhiều xưởng phải thuê thêm nhân công để kịp tiến độ giao cho khách.

Số vàng mã này phần lớn phục vụ cho việc cúng lễ ở đền, phủ, điện thờ. Tuy nhiên mỗi lễ cúng lại yêu cầu mặt hàng vàng mã riêng. Ví dụ khóa lễ cắt tiền duyên, khách sẽ yêu cầu xưởng cung cấp sản phẩm vàng mã đầy đủ như một đám cưới và một phòng tân hôn cho cặp đôi.

Sản phẩm đó bao gồm: cô dâu chú rể, xe hoa, tráp cưới, tráp ăn hỏi, đội ngũ phù dâu phù rể, quần áo, xe hoa, quần áo tủ bếp, chăn chiếu, giường tân hôn, nhà lầu xe hơi…

Theo chị Phương, những năm gần đây, số lượng khách đặt hàng làm lễ cắt tiền duyên khá nhiều. Cá biệt có người, không phải thầy cúng nhưng đi mua đồ làm lễ cắt tiền duyên đến 2, 3 lần.

 Các cặp 'cô dâu, chú rể' chuẩn bị xuất xưởng

Bà Nguyễn Thị Dính (SN 1969), tiểu thương bán vàng mã ở Hà Đông (Hà Nội), đến lấy hàng tại thôn Phúc Am cũng xác nhận việc này.

Bà Dính cho biết, trong thời gian bán hàng, bà từng quen một người phụ nữ ở nội thành Hà Nội. Người này giàu có giỏi giang, ở chung cư cao cấp và là chủ 1 chuỗi spa. Tuy nhiên, ngoài 40 tuổi, chị vẫn chưa lập gia đình. Những người đến với chị nếu không có mục đích thì cũng là người thích dạo chơi, đùa giỡn.

“Cô ấy phải đi xem thầy. Xem xong, mấy thầy đều phán cô ấy có người âm theo, phải làm lễ cắt duyên âm với chi phí 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên cắt duyên tới 3 lần, cô ấy vẫn chưa gặp được người có thể kết duyên đôi lứa”, bà Dính cho biết.

 'Cô dâu' được trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ.

Theo lời bà Dính, sau 3 lần cắt duyên không đem lại hiệu quả, người phụ nữ nọ lại tìm đến một thầy cao tay hơn. Người thầy này nói với cô phải chi tiền mua lễ tổ chức đám cưới cho người giữ duyên. Như vậy, cô mới được tự do tìm kiếm tình duyên cho riêng mình.

Người phụ nữ này nghe lời thầy. Muốn sắm lễ chu đáo nên năm ngoái cô nhờ bà Dính dẫn về tận làng Phúc Am để đặt đồ. Số vàng mã phục vụ cho đám cưới đầy ắp 1 ô tô tải.

“Năm nay, không biết cô ấy đã lấy được chồng hay chưa nhưng không thấy đến mua hàng nữa. Chỉ nhớ, khi mua đồ đám cưới năm ngoái, cô ấy cầu kỳ chọn từng sản phẩm từ chiếc lược chải đầu cho cô dâu đến thỏi son, nhẫn cưới , bàn phấn… để đảm bảo lễ cưới âm được tươm tất nhất”, bà Dính nói.

 Chăn màn, nhà cửa phục vụ cho đám cưới

Trao đổi với PV về việc cắt duyên âm, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết: “Trong giáo lý nhà Phật không có tục đốt vàng mã, cũng không có tục lệ cắt duyên âm cho những người muộn vợ, muộn chồng".