Những “điểm mờ” tố tụng trong vụ án mạng xôn xao Hà Tĩnh: “Chứng cứ” cuộc điện thoại “ma” số liệu lệch nhau
- 10:49 08-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tài liệu điều tra ghi nhận: Thời điểm xảy ra vụ án vào tháng 7/2016, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh nói chung và huyện Hương Sơn nói riêng đang “đau đầu” vì trọng án liên tiếp, trong đó có hoạt động núp bóng tội phạm “mang tính xã hội đen”, dưới dạng băng ổ nhóm thanh toán lẫn nhau, làm dư luận hoang mang và giảm niềm tin với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các bị cáo (từ trái qua) Tuấn, Hiệp, Thìn |
Ngay trong vụ án này, các bị cáo đều được cho là có quan hệ với “dân xã hội”, trong đó 1 bị cáo có tiền án, tiền sự; 1 bị cáo từng bị phạt vì vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Riêng bị cáo luôn kêu oan là Nguyễn Đức Hiệp (SN 1981, ngụ thị trấn Phố Châu) còn có mẹ đang chịu án tù chung thân vì vận chuyển ma túy trái phép. Hôm xảy ra vụ án, Hiệp vừa đi thăm mẹ ở Trại giam số 6 Bộ Công an (Nghệ An) về.
Ẩu đả chết người giữa hai nhóm “giang hồ”
Theo hồ sơ tố tụng, án mạng bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ 3 ngày trước đó giữa Trần Văn Thìn (SN 1976) và Hồ Xuân Sơn (SN 1981, cùng ngụ thị trấn Phố Châu). Sơn đi câu trộm cá bị Thìn phát hiện, hai bên xô xát.
Để trả thù, chiều 10/7/2016, Sơn nhờ người ở Nghệ An vào “đánh cảnh cáo” Thìn. Nguyễn Văn Đắc (SN 1989, ngụ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một trong những người được “nhờ”, và sau đó từ chỗ là người “tìm đánh”, lại hóa thành nạn nhân.
Biết Thìn đang đá bóng, Sơn cho người chở ô tô đưa nhóm Đắc đến chờ sẵn. Lúc đó Thìn, Hiệp đang đá bóng tại sân vận động thị trấn Phố Châu. Khoảng 19h, Hiệp biết tin có người tìm đánh nên báo cho Thìn, đồng thời gọi điện cho Hồ Anh Tuấn (SN 1984, ngụ xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) nói Tuấn về nhà Hiệp lấy “đồ” đưa đến.
Vụ án xảy ra tại sân vận động thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) |
Tuấn hiểu “đồ” có nghĩa là hung khí để đánh nhau nên đến nhà Hiệp lấy 2 con dao tự chế, kẹp vào gác chân phía sau xe máy, đi đến sân vận động. Hiệp đến xe máy của Tuấn lấy 1 con dao, Tuấn cầm con dao còn lại. Thìn cầm 1 thanh kiếm từ trong nhà đi ra. Cả nhóm đi về phía Đắc.
Đắc khi đó cùng một người nữa đang ngồi ở ghế đá gần nhà Thìn, cầm một túi đựng vợt tennis, bên trong có 3 chiếc gậy gỗ. Thấy nhóm Thìn đến, nhóm Đắc đứng dậy đi thụt lùi, vừa lùi Đắc vừa kéo khóa túi xách định lấy gậy.
Được một đoạn thì người đi cùng bỏ chạy, Đắc bị nhóm Thìn vây lại ở khu vực gần cầu môn của sân. Ngoài 3 người là Hiệp, Thìn, Tuấn, một số người khác của 2 nhóm cũng tham gia ẩu đả.
Theo cáo buộc, quá trình đánh nhau, Thìn trở sống kiếm chém một nhát trúng lưng Đắc. Tuấn nhảy vào giật túi, ôm và đấm vào mặt Đắc. Còn Hiệp cầm dao đâm một nhát vào vùng hạ sườn trái của Đắc. Nạn nhân qụy xuống, sau đó tử vong tại bệnh viện do mất máu cấp.
Đến 22h30 cùng ngày, Tuấn đến Công an huyện Hương Sơn khai nhận đã đâm chết nạn nhân. Vài ngày sau Thìn tự thú. Riêng Hiệp chỉ ra khai báo theo triệu tập của công an, tới ngày 29/7/2016 mới bị bắt.
Thìn, Tuấn, Hiệp cùng bị truy tố về tội “Giết người”. Cơ quan tố tụng cáo buộc: Hiệp trực tiếp dùng dao đâm vào người nạn nhân. Thìn dùng sống kiếm chém vào người Đắc. Tuấn chuẩn bị hung khí, đuổi theo và cùng Thìn, Hiệp vây đánh, còn ôm và đấm vào mặt Đắc. Bốn bị cáo khác bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Sau nhiều lần hoãn xử, ngày 14/12/2017, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Nguyễn Đức Hiệp 14 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Văn Thìn 13 năm tù giam, Hồ Anh Tuấn 10 năm tù giam.
Về tội “Gây rối trật tự công cộng”, Hồ Xuân Sơn và Trần Văn Thường (SN 1991, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng chịu mức án 18 tháng tù treo, Hồ Duy Bạch Đằng (SN 1990, ngụ thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), Lê Hoài Nam (SN 1988, thị trấn Phố Châu) cùng chịu mức án 9 tháng tù treo.
Bản kê cuộc gọi bất thường
Bản kê cuộc gọi 2 số của Tuấn và Hiệp không khớp |
Vụ án có nhiều mâu thuẫn, từ lời khai các bị cáo, nhân chứng… đến tài liệu điều tra. Riêng Tuấn liên tục thay đổi lời khai, từ tự thú đến đổ tội cho Thìn, sau đó khai Hiệp mới trực tiếp đâm nạn nhân. Còn Hiệp luôn kêu oan. Lời khai của hai bị cáo này trái ngược nhau.
Tại tòa Tuấn khai: Chiều 10/7, Tuấn đang đánh bi da thì nghe Hiệp điện thoại nói về nhà lấy “đồ” giúp. Tuấn hiểu là đi lấy dao vì nhiều lần Hiệp nhờ như vậy. Trong khi đó Hiệp phủ nhận, nói không gọi vì từ khi đá bóng đã gửi điện thoại cho người khác cầm.
Cơ quan tố tụng đã quy kết Hiệp gọi điện thoại cho Tuấn “là sự thật”, dựa trên bản kê chi tiết cuộc gọi trong ngày 10/7/2016 của 2 số thuê bao di động Tuấn và Hiệp sử dụng. Bản kê do Trung tâm dịch vụ khách hàng VNPT Hà Tĩnh cung cấp.
Theo đó, thời điểm 18h50p46s, số Hiệp đã gọi vào số Tuấn 15 giây. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ cùng thời điểm này, bản kê số máy Tuấn lại… không có cuộc gọi đến.
Ngoài ra, mở rộng rà soát liên hệ giữa 2 số máy trong khoảng thời gian vài tiếng trước và sau vụ án cũng chỉ có một cuộc gọi 14 giây, nhưng thời điểm báo gọi đi - đến ở 2 danh sách lại lệch nhau đến 28 phút. Cụ thể: từ số máy Hiệp báo gọi đi lúc 19h27p37s, còn số máy Tuấn báo gọi đến lúc 18h59p39s. Những mâu thuẫn này đến nay vẫn không thể giải thích.
Từ trước phiên sơ thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Hiệp đã có đơn đề nghị HĐXX làm rõ nội dung liên quan đến tài liệu trên của Trung tâm kinh doanh – VNPT Hà Tĩnh.
TAND Hà Tĩnh đã có công văn gửi đơn vị trên về việc xác minh tài liệu theo yêu cầu luật sư và mời tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm. Thế nhưng cơ quan này vắng mặt, chỉ gửi văn bản trả lời: “Do quá thời gian lưu trữ nên không thể cung cấp số liệu”.
HĐXX sơ thẩm đã phải hoãn phiên tòa và tiếp tục yêu cầu Tổng Công ty dịch vụ viễn thông và Tổng Công ty hạ tầng mạng VNPT-Net trả lời cùng về nội dung trên. Đơn vị này cũng trả lời tương tự.
Số liệu đối chứng không có, cơ quan chuyên môn là Trung tâm kinh doanh – VNPT Hà Tĩnh vắng mặt không thể đối chất, luật sư và đại diện VKS đã tranh cãi “nảy lửa” tại tòa.
Đại diện VKSND Hà Tĩnh nêu quan điểm: Dù Hiệp nói không gọi nhưng bản kê chi tiết đã chứng minh điều này, chứng tỏ Hiệp khai không đúng sự thật.
Luật sư không đồng ý, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải làm rõ tính chính xác của bản kê trên. Theo luật sư, danh sách cuộc gọi là chứng cứ vô cùng quan trọng, là cái nút để đi tìm sự thật vụ án, từ đó xác định Hiệp có lấy dao từ Tuấn không, có sử dụng con dao này không. Nếu thực tế không có cuộc gọi này thì Tuấn khai sai, Hiệp khai đúng.
Trong lúc mâu thuẫn chưa được làm rõ, TAND Hà Tĩnh kết luận: Mặc dù Hiệp khai không dùng điện thoại trong thời gian đá bóng cho đến khi ra ngồi uống nước, luật sư thì cho rằng danh sách cuộc gọi đi – đến giữa hai số máy còn mâu thuẫn, “thì điều đó cũng không phủ nhận được việc trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, số máy của Hiệp và Tuấn có liên lạc với nhau” và “danh sách cuộc gọi đi – đến giữa 2 số máy đã khẳng định điều này”.
Tòa còn nhận định việc Hiệp khai không gọi điện cho Tuấn là thiếu thành khẩn, thể hiện thái độ quanh co, chối tội.
Chấp nhận một tài liệu chưa rõ ràng của Trung tâm viễn thông để kết tội bị cáo với cuộc gọi chi li đến từng giây từng phút, thế nhưng các cơ quan tố tụng Hà Tĩnh lại không xác định rõ thời điểm xảy ra vụ án. “Khoảng trống” thời gian này đã dẫn tới hàng loạt nghi vấn như vụ án “siêu tốc” bất thường, hay sự vô lý nạn nhân vừa bị đánh vừa được cấp cứu cùng một lúc? PLVN sẽ phản ánh trong bài sau.
Theo một cán bộ Trung tâm mạng viễn thông, bản kê chi tiết cuộc gọi của các số thuê bao thường yêu cầu phải chính xác, vì liên quan đến tính cước và đối soát giữa các nhà mạng. Một cuộc gọi đã phát sinh 15 giây nhưng chỉ có ghi nhận bên số máy gọi đi, không ghi nhận bên số máy được gọi đến; hay thời điểm cuộc gọi lệch nhau đến hàng chục phút đều là dấu hiệu bất thường. |