Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vất vả nghề 'đập keo'

Mùa này, dưới cái nắng chang chang, những người làm nghề “đập keo” ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vẫn tích cực lên núi chặt cây, bóc vỏ...

 Những ngày này, ở nhiều huyện miền núi, nơi có diện tích rừng trồng lớn thường thấy những nhóm người chặt cây trên núi, hì hục bốc cây lên xe, đó là những người làm nghề khai thác keo rừng, mà dân địa phương gọi là nghề “đập keo”. Ảnh: Huy Thư

 Người đi “đập keo” phải làm quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào mùa nắng nóng. Họ thường đi theo nhóm từ 10 - 30 người, nhận khai thác “trọn gói” cho một chủ keo. Thường thì mỗi nhóm có 1 hoặc 2 người mang cưa máy còn lại là lực lượng bóc vỏ cây và vận chuyển. Ảnh: Huy Thư

 Mùa nắng, lao động giữa rừng, nhu cầu về nước uống đặt lên hàng đầu, nên mỗi sớm lên núi, ai cũng mang theo rất nhiều nước. Ảnh: Huy Thư

 Nghề “đập keo” tuy vất vả nhưng thu hút khá đông phụ nữ. Họ làm được đủ thứ việc từ bóc vỏ, sảy cành, bốc vác lên xe... Ảnh: Huy Thư

 Một phụ nữ xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương cho biết: “Làm keo vất vả, nhưng lúc nông nhàn không có việc gì hơn, nên chị em đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống”. Ảnh: Huy Thư

 Bóc vỏ keo là việc lâu công nhất, do đó, nhiều vườn keo đã được chị em "ưu ái" bóc sạch vỏ phía dưới trước khi đốn ngã. Ảnh: Huy Thư

 Vận chuyển keo là công đoạn nặng nhọc, nhưng cũng đến tay các chị. Mỗi chị em vác trên vai những khúc cây trên dưới 50 kg là chuyện thường tình. Ảnh: Huy Thư

 Làm keo là công việc vất vả, nặng nhọc, nhiều khi còn nguy hiểm như bị cây quật, đè, kẹp bầm dập, gãy chân tay. Nhiều người còn bị ong làm tổ trên cây tràm đốt sưng mặt... Ảnh: Huy Thư

 “Đập keo” trên đỉnh núi cheo leo khá vất vả, không thể lao từng cây xuống núi, vừa mất công, vừa nguy hiểm, nên họ thường sắp xếp cây thành những khối lớn, cột chặt rồi cùng nhau lăn xuống núi. Ảnh: Huy Thư

Ngày trước, làm keo tính “công” lấy tiền, còn nay chủ yếu khoán số lượng, cứ mỗi tấn keo, chủ buôn sẽ trả cho người làm 150 nghìn đồng (bao gồm tiền đốn cây, bóc vỏ, vận chuyển lên xe). Mỗi lao động làm nghề “đập keo” cũng kiếm được trên dưới 200 nghìn đồng/ngày. Nghề “đập keo” từ lâu đã gắn liền với phong trào trồng rừng của người dân miền núi, gian nan và khó nhọc. Ảnh: Huy Thư