Nghệ An: Dự án nạo vét Lạch Thơi đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tàu cá ra vào vẫn mắc cạn
- 19:33 06-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều năm qua, tình trạng Lạch Thơi, ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào cảng, lưu trú tránh bão. Vì vậy, tháng 10/2012, Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng giá trị lên đến hơn 115 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư.
Lạch Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). |
Theo Quyết định phê duyệt, dự án nạo vét luồng lạch cửa Lạch Thơi với tổng chiều dài nạo vét trên 4,3km, chiều rộng từ 30 - 45m, đáy luồng sâu từ 3,5 - 4m. 2 tuyến kè dài gần 1.000m để neo đậu tàu thuyền cũng được xây dựng. Ngoài ra còn lắp đặt hệ thống báo hiệu, xây dựng kè đê bao bãi thải, sửa chữa bến neo thuyền...
Quyết định phê duyệt dự án. |
Dự án được xây dựng trên địa bàn các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc của huyện Quỳnh Lưu và khi hoàn thành là nơi neo đậu, tránh trú bão cho khoảng gần 300 tàu cá của ngư dân nơi đây.
Khi dự án nạo vét Lạch Thơi ở Quỳnh Lưu được triển khai, bà con ngư dân nơi đây háo hức, kỳ vọng sẽ thuận lợi ra khơi đánh bắt hải sản, tiêu nước trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, đang trong quá trình triển khai thì dự án đã xảy ra nhiều bất cập.
Dự án nạo vét Lạch Thơi được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng xảy ra nhiều bất cập. |
Theo đó, quá trình hút cát tại Lạch Thơi không thể tạo được dòng. Thay vào đó, chỉ có thiên nhiên tạo dòng nên càng hút cát, lạch càng cạn và xói lở 2 bờ. Vì vậy, tàu thuyền ra vào Lạch Thơi không nắm bắt được điểm lòng lạch do biến chuyển thường xuyên, dẫn tới tàu thuyền bị mắc cạn.
Người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu vẫn còn nhớ, vào khoảng ngày 2/5/2017, chiếc tàu cá mang số hiệu NA 95423 TS của ngư dân Trương Văn Công, trú tại thôn 4, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đang vào bến Lạch Thơi neo đậu thì bất ngờ bị mắc cạn.
|
Tàu cá của ngư dân mắc cạn tại Lạch Thơi, xã Sơn Hải. |
Thời điểm đó, cửa Lạch Thơi bị cát bồi lắng nên gây khó khăn cho việc điều khiển tàu dẫn đến tàu bị mắc cạn và lật nghiêng. Vụ việc đã khiến toàn bộ hải sản trên tàu và trang thiết bị máy móc bị ngập nước, hư hỏng. Ước tính ngư dân bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ngư dân Vũ Văn Cường (SN 1981), trú tại xóm 6, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: "Do lòng lạch cạn nên dù đã đến ngày đi đánh bắt hải sản hay tàu thuyền đang vào cảng để bán cá, mực... sau những chuyến ra khơi trở về nhưng đều phải chờ đợi khi nước thủy triều lên mới ra vào Lạch Thơi được. Việc chậm trễ ngày ra khơi đánh bắt và quay vào để bán hải sản đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho ngư dân chúng tôi. Bình thường khi ra vào cảng, nhiều tàu cá cũng bị mắc bãi bồi, gãy chân vịt...".
Không những thế, khi Dự án nạo vét Lạch Thơi thực hiện đã làm thay đổi luồng lạch, ảnh hưởng đến bờ bãi ven biển. Thời gian gần đây, khi thủy triều lên, nước biển đã xâm lấn vào tận vùng trồng cây phòng hộ và đê chắn sóng.
|
|
Ông Nguyễn Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi dự án nạo vét Lạch Thơi được triển khai, diện tích tách biển của Quỳnh Thọ mất đi hàng trăm mét bãi bồi ven biển. Trước thực trạng đó, xã cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng về khảo sát và trực tiếp xử lý luồng, lạch để tránh tình trạng ăn sâu vào bờ, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và đường đê ngăn mặn.
Văn bản gia hạn tiến độ. |
Được biết, dự án nạo vét Lạch Thơi chính thức khởi công từ năm 2013 và dự kiến đến tháng 12/2016 hoàn thành nhưng sau đó đã được điều chỉnh và gia hạn tiến độ đến 12/2017. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa thể bàn giao.
Theo ông Lê Văn Cường, Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Minh Quang – nhà thầu thi công dự án nạo vét Lạch Thơi, xã Sơn Hải: "Hiện nay dự án đã gần hoàn thành, đạt khoảng 80 - 90% khối lượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do biến đổi khí hậu, lòng lạch có sự thay đổi. Qua thực tế, lòng lạch càng ngày càng lấn vào mạn phải thuộc địa phận xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Vì vậy, dẫn đến việc các tàu thuyền khi ra vào luồng lạch gặp khó khăn".
"Để khắc phục và hạn chế tình trạng bồi lắng, thay đổi lòng lạch do biến đổi khí hậu thì cũng cần phải có các chuyên gia về khảo sát, đánh giá cụ thể, khoa học để đưa ra phương án xử lý hữu hiệu", ông Cường nói.
Việc thi công không đúng tiến độ đã phần nào gây ra hiện tượng bồi lắng, ách tắc dòng chảy. Cùng với đó là việc giải ngân nguồn vốn chậm đã ảnh hưởng tới tiến độ và trực tiếp gây khó khăn cho tàu thuyền ra khơi. Thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm dự án; đảm bảo cho bà con ngư dân yên tâm sản xuất, ra khơi bám biển.