Nghệ An: Sa mu trăm tuổi 'ứa máu' trên đỉnh Phu Lon
- 07:56 06-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 2 tháng qua, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm, chính quyền xã và công ty Lâm nghiệp Tương Dương trực tiếp vào rừng kiểm đếm, thuê người kéo gỗ ra khỏi rừng.
Tuy nhiên, thực tế số lượng gỗ sa mu dầu và các loại gỗ khác là bao nhiêu đến nay vẫn chưa thể xác định cụ thể.
XEM CLIP:
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/08/06/Ph___r___ng_____Ngh____An_Sa_mu_tr__m_tu___i____a_m__u_tr__n______nh_Phu_Lon.mp4[/presscloud]
Lần theo vết chân lâm tặc
Đỉnh núi Phu Lon, bản Quang Phúc (xã Tam Đình) cao hơn 1.700m so với mặt nước biển, địa hình núi non hiểm trở khó tìm đến. Nhiều người được nhờ vả đều từ chối dẫn theo lối mòn kéo gỗ chằng chịt. Thông qua một vài người quen, chúng tôi nhờ được vài người bản địa đồng ý đưa lên hiện trường khai thác gỗ trái phép.
Anh Lô Văn G. dáng người nhỏ thó men theo lối mòn của cánh lâm tặc khai thác gỗ. Anh vốn là người con sống nhiều năm qua dựa vào rừng. G. nhìn chúng tôi ái ngại, rồi chỉ tay lên đỉnh núi cao nhất nói: Đỉnh Phu Lon nằm ở tít xa, mất hơn 7h đi bộ, dân ở đây cũng chỉ ít người có thể leo lên đến đó....
Hơn 16h chiều 22/7, xuất phát từ khe Cớ, bản Quang Phúc (xã Tam Đình) bắt đầu hành trình lên đỉnh Phu Lon.
Vượt qua ngọn núi thấp đầu tiên, anh Lô Văn T., một người dân địa phương, chỉ tay về phía đỉnh núi có phủ kín mây trắng kể lại: Thời khoảng 15, 16 tuổi, anh vẫn thường theo người làng đến ngọn núi thấp phía dưới lấy gỗ kéo về nhà. Lúc đó, Nhà nước chưa đóng cửa rừng, gỗ nhiều lắm, hầu như cả bản làng lớn lên ai cũng dựa vào rừng mưu sinh qua ngày.
“Ngày trước muốn lên núi rất có nhiều đường để đi, người đi rừng đông như đi chợ. Người khỏe mạnh leo đến tận các đỉnh núi giáp với nước Lào săn gỗ, động vật quý. Giờ cấm cửa rừng, nhìn ngoài đường thì thấy màu xanh phủ kín, thế nhưng gỗ lớn không còn nhiều như trước” - anh T. nói.
Qua hai ngọn núi, lối mòn độc đạo dẫn lên đỉnh Phu Lon xuất hiện mỗi lúc càng dốc, vách dựng đứng, con đường kéo gỗ hẹp dần. Trời tối thu hẹp tầm nhìn, G. hướng dẫn mọi người nghỉ qua đêm ở bãi đất trống lưng chừng núi.
Lối mòn được đóng cọc, chèn gỗ tròn để thuận lợi khi dùng trâu kéo gỗ không bị rơi xuống vực |
Nằm trên liếp cỏ, trải tấm ni-lông đến khyua vẫn không thể chợp mắt, T. nằm thở dài bảo: “Rừng bây giờ cạn dần rồi, gỗ lớn chỉ còn những khu vực hiểm trở mới có, cấm cửa rừng lâu nay nhưng lâm tặc vẫn lén lút chặt hạ lấy gỗ ra ngoài. Nhất là loại cây sa mu cổ thụ từ 2 đến 3 người ôm mới xuể...”.
Cũng theo anh T. với những cây sa mu dầu có đường kính hơn 1m trở lên đều có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Đây là loại cây mọc ở độ cao chót vót từ 1.500m trở lên, nơi có khí hậu mát mẻ. Hơn nữa, khu vực rừng bị chặt phá là vùng đệm giáp ranh vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát cần được duy tu, bảo vệ nghiêm ngặt.
6h sáng ngày 23/7, tiếp tục hành trình lên đỉnh núi Phu Lon, quanh đường đi bắt đầu lộ ra dãy cọc đóng tạm che chắn gỗ kéo ra không bị rơi xuống vực. Thi thoảng, xuất hiện những chiếc lán dựng tạm, - G. bảo đó là những chiếc lán tạm của đám lâm tặc dùng để nấu ăn, nghỉ ngơi.
Sa mu “ứa máu” giữa đại ngàn
Lối mòn lên đỉnh Phu Lon đồi núi hiểm trở, dốc thẳng đứng, đá lởm chởm và chằng chịt cây rừng |
Lán trại được dựng trong rừng, các vật dụng như xoong nồi, bát đũa và nhu yếu phẩm được vận chuyển đỉnh Phu Lon |
Đỉnh núi Phu Lon là nơi có nhiều cây gỗ sa mu cao 30 đến 40m. Đau xót thay, tại khoảnh 9, tiểu khu 693, bản Quang Phúc do công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương quản lý xuất hiện nhiều cây sa mu bị đốn ngang gốc.
Ghi nhận PV, phía ngoài có 3 cây sa mu lớn bị đốn hạ gồm: Cây thứ nhất có đường kính đoạn rộng nhất 1,5m; gốc cây thứ 2 có đường kính rộng nhất 1,32m và gốc cây thứ vị trí có đường kính rộng nhất là 1,65m.
Ở mỗi gốc cây mùn cưa có dấu hiệu còn mới, tinh dầu cây sa mu bốc mùi thơm khiến đàn ong rừng rất thích. Cạnh các gốc cây, nhiều phiến gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn nằm ngang dọc, từng khúc gỗ tròn chưa được xẻ vắt vẻo lưng chừng đỉnh Phu Lon.
Tại khu vực này, nhiều cây nhỏ khác xung quanh bị bật ngã theo gốc sa mu đốn hạ.
G. cho biết, bình quân mỗi cây sa mu lớn bị đốn hạ có chiều cao từ 25m trở lên thì khối lượng gỗ tương đương từ 20 đến 30m3/cây.
Đi sâu vào phía trong rừng khoảng 100m, tiếp tục chứng kiến một cây sa mu cổ thụ khác đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Thân cây sa mu được xẻ làm nhiều khúc, một số khúc đã xẻ thành từng phiến và được di chuyển khỏi hiện trường.
Cây sa mu dầu bị đốn hạ, gỗ được cưa xẻ như một công trường lớn giữa đại ngàn |
Bên gốc sa mu dầu ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An |
Vanh tròn một bên trên gốc sa mu dầu có chiều dài 4m63 |
Đường kính của thân cây này đo được tại hiện trường, chỗ rộng nhất là 2,3m (điểm bị chặt).
Anh G. bảo, số liệu tạm tính ban đầu cho thấy với 4 gốc sa mu bị đốn hạ đã có trên 80m3 gỗ tròn.
"Sau khi xẻ gỗ thành từng phiến, chỉ có những con trâu khỏe mạnh nhất mới giúp chủ nhân đưa gỗ tấm ra khỏi rừng. Dọc lối mòn, để tránh gỗ rơi xuống vách núi ở bìa rừng là loạt cọc tiêu che chắn lối đi bám sườn núi' - anh G. cho hay.
Trời bắt đầu sẫm tối, rời đỉnh núi Phu Lon trở về để tìm lời giải cho những cây sa mu đã bị “bức tử”.
Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết, sau khi phát hiện lâm tặc đốn hạ gỗ sa mu và một số loại khác, hơn 1 tháng qua công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương, Kiểm lâm huyện thuê người địa phương vào rừng xẻ gỗ kéo ra.