Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu giáo viên vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành giáo dục

Sáng 2/8, dưới dự chủ trì của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017- 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Về phía đầu cầu Nghệ An có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cùng một số sở, ban ngành liên quan.

 Quang cảnh hội nghị ở đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Báo cáo tổng kết năm học đã đánh giá lại 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của ngành giáo dục trong năm học vừa qua. Bên cạnh đó, nhìn nhận những tồn tại, bất cập trong công tác sắp xếp mạng lưới trường học, thiếu trường lớp ở các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non.

Tại nhiều nơi, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu và lạc hậu, chưa giải quyết được tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, không đảm bảo lộ trình đề ra.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong những năm qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng bàn nhiều vấn đề xung quanh việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và yêu cầu toàn ngành phải quán triệt rằng cần phải có lộ trình thực hiện. Quá trình thực hiện cần phải khoa học, cầu thị và kiên trì với những cái gì đã đúng. Việc đổi mới cũng cần phải theo xu thế của thế giới, đại học phải tự chủ, quản lý các bậc giáo dục thì cần phải bớt hành chính.

 Thí sinh Nghệ An tại Kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến đội ngũ giáo viên, việc sắp xếp phải theo từng đặc thù của địa phương, không tính trên tổng biên chế. Việc tinh giản cũng không nên máy móc mà thực hiện cần có lộ trình, chủ yếu tập trung vào những biên chế gián tiếp, tránh tình trạng giáo viên dạy chéo môn hoặc điều chuyển từ THCS xuống tiểu học hoặc mầm non...

Đồng chí cũng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, vườn trường... Về phía đội ngũ giáo viên phải thật sự gương mẫu, nếu vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành, không để làm ảnh hưởng các thế hệ học trò. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, phụ huynh, học sinh.

Ngành giáo dục cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại và đánh giá đúng những kết quả đã đạt được. Để từ đó trên tinh thần cầu thị, tiếp tục phát huy, đưa nền giáo dục Việt Nam đổi mới thực sự và ngày càng phát triển.

Hội nghị tổng kết cũng đã đánh giá thẳng thắn những tồn tại ở Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi khi đề thi chưa thật sự phù hợp với Kỳ thi THPT quốc gia, trong đề thi có những câu hỏi độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn nhiều kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi và vai trò giám sát của Bộ trong tất cả các khâu ở địa phương cũng như trách nhiệm của các địa phương chưa thật đầy đủ, dẫn đến xảy ra tiêu cực và gian lận có tổ chức, gây tâm lý hoang mang trong học sinh và dư luận xã hội.