Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hình ảnh cặp đôi thân mật thái quá trong rạp chiếu phim bị tung lên mạng gây xôn xao

Trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện hình ảnh cặp đôi nam nữ có hành vi thân mật thái quá trong rạp phim của CGV, được hệ thống camera giám sát của rạp ghi lại gây xôn xao dư luận.

Hình ảnh cặp đôi “thân mật” thái quá trong rạp chiếu phim bị tung lên mạng

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, những ngày qua, trên nhiều trang facebook và diễn đàn xuất hiện hình ảnh đen trắng một cặp đôi trai gái đang có những hành vi thân mật thái quá trên ghế xem phim.

 Hình ảnh cặp đôi thân mật thái quá trong rạp phim bị tung lên mạng. (Ảnh Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh).

Từ ảnh chụp nhiều người nhận ra đây là ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi với vách ngăn riêng tư) thuộc hệ thống rạp CGV thuộc Công ty CJ CGV Việt Nam. Những hình ảnh này chụp lại từ hệ thống camera giám sát của cụm rạp với nhiều tư thế và rất rõ mặt.

Sau khi những hình ảnh này được tung lên mạng, nhiều vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng được đặt ra, cả về đạo đức lẫn khía cạnh pháp lý.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Văn Lượng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đã chia sẻ những quan điểm của mình. Luật sư Phạm Văn Lượng cho rằng, qua xem những hình ảnh đăng tải trên mạng, về mặt văn hóa, hành vi thân mật đến mức thoái quá của cặp đôi nam nữ là hành vi thiếu ý thức, thiếu kỹ năng khi ứng xử nơi công cộng.

“Mặc dù cặp đôi này ở ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi với vách ngăn riêng tư) nhưng hành vi của họ là không nên có ở một nơi mang tính chất giải trí chốn đông người. Điều này gây ra sự phản cảm đối với mọi người xung quanh, phản ánh lối sống thiếu văn minh của một bộ phận giới trẻ ngày nay”, luật sư Phạm Văn Lượng cho hay.

Luật sư: Hành vi phát tán ảnh mang tính “nhạy cảm” lên mạng đã xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân

Luật sư Lượng cho rằng, về mặt pháp luật dân sự, hành vi phát tán hình ảnh mang tính “nhạy cảm” này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân tại điều 32, Bộ luật dân sự 2015 bảo vệ. Đó là quyền hình ảnh; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

 

 Hệ thống ghế Sweetbox (trên cùng) trong cụm rạp CGV có vách ngăn dành cho các cặp đôi. Ảnh: CGV

Theo đó, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

 

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Lượng cho rằng, hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó theo Điều 34 BLDS 2015, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm” của cặp đôi ở rạp chiếu phim bị đưa lên các trang mạng xã hội có thể xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng do tư thù hoặc bất kỳ lí do nào họ đã đăng tải trên các phương tiện thông tin, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng.

“Không cần biết mục đích của người đưa hình ảnh đó lên để làm gì thì theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm gỡ bỏ hình ảnh đó và bồi thường thiệt hại.
Bởi vì việc cá nhân bị phát tán những bức hình, cảnh quay riêng tư, nó thuộc đời sống sinh hoạt riêng tư của một người hoặc mặc dù là những hình ảnh bình thường nhưng cá nhân thực hiện vào việc bảo mật những bức ảnh đó thì việc công bố phát tán những bức ảnh đó là xâm phạm tới bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”, luật sư Lượng nêu quan điểm.

Điều 34 BLDS 2015 quy định rõ: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng”.

Người bị tung ảnh nhạy cảm có quyền yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần

Như vậy, ngoài việc có thể yêu cầu Tòa án buộc người thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cặp đôi nam nữ phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh, công khai xin lỗi, họ còn có thể yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần.

“Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”, luật sư Lượng nói.

 Hình ảnh cặp đôi trong rạp CGV. (Ảnh Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh).

Vị luật sư này cũng cho biết thêm, tại Điều 584 Bộ luật dân sự: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định:

“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Về mặt hành chính, theo điểm e, điểm g, Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

“Nhưng hành vi tung hình ảnh “thân mật” của cặp đôi nam nữ có phải là “cử chỉ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo” không cần được giải thích rõ ràng hơn để việc áp dụng pháp luật một cách cụ thể.

Việc để lộ hình ảnh thân mật của khách ra ngoài trước hết phải nhắc đến CGV mà cụ thể là Ban quản lí rạp. Họ phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ hình ảnh khách hàng và vấn đề này xảy ra là do xuất phát từ vấn đề quản lí của CGV.

Như vậy, hành vi phát tán những hình ảnh nhạy cảm của khách dù ở rạp chiếu phim, quán cà phê hay khách sạn thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung cần có ý thức hơn, có cách ứng xử văn minh hơn nơi công cộng để những sự việc này không tái diễn”, luật sư Phạm Văn Lượng chia sẻ thêm.