Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tai nạn làm chú rể và 12 người chết: Chuyện tình xa, nhìn rạp cưới rơi nước mắt

Vụ tai nạn kinh hoàng ở Quảng Nam khiến 13 người thiệt mạng đã làm tan tành giấc mơ hạnh phúc của đôi trai gái từng tha phương để kiếm miếng cơm manh áo nơi xứ người.

 Nhìn rạp cưới với hàng chục mâm cổ được đặt sẵn ở nhà cô dâu, nhiều người không cầm được nước mắt
ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chuyện tình xa xứ vỡ tan trong nước mắt

Ngày 29.7, chiếc xe rước dâu mang theo 17 người thân của chú rể Nguyễn Khắc Long (ở xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, Quảng Trị) xuất phát từ Lương Điền hướng đi Bình Định. Đó là một chiếc xe cũ và không được đẹp đẽ như những chuyến xe đưa dâu thường thấy. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình Long đành "liệu cơm gắp mắm". Không ai ngờ, đó là chuyến xe tử thần.

 Người thân đau đớn khi ngày vui của đôi trẻ bỗng hóa thành ngày đại tang
ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Đến người bi quan nhất cũng không nghĩ ngày vui của Long và gia đình lại kinh hoàng đến thế. Tai nạn giao thông kinh hoàng ở Quảng Nam đã cướp đi 13 mạng người, trong đó có chú rể Long, mẹ Long, chị Long và cháu Long.

 Những tiếng khóc xé lòng vì tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 13 người
ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Long vốn là con út trong gia đình có 4 người con (3 trai, 1 gái). Trớ trêu, cha của anh cũng mất vì tai nạn giao thông cách đây hơn chục năm.

Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn (H.Hải Lăng), cho biết gia đình Long nghèo, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh vào nam làm công nhân. Tại đây, anh Long đã quen một người con gái Bình Định.

Chú rể và cô dâu L.T.Y (ở thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang, H.Phù Mỹ, Bình Định) là những người xa xứ, cùng vào nam tìm kế sinh nhai. Họ quen và yêu nhau như “nồi nào úp vung nấy”. Trong cái khổ cực, họ hiểu và thông cảm cho nhau rồi đến với nhau.

Ban đầu, nhiều người tỏ ý can ngăn vì khoảng cách quá xa xôi nhưng cả Long và Y. đều giữ chặt tình cảm của mình. Được sự động viên của đôi bên gia đình, họ đã tổ chức tiệc cưới tại Bình Dương trước sự chứng kiến của bạn bè.  Việc còn lại, quan trọng không kém là ra mắt đôi bên gia đình ở quê.

Theo kế hoạch, trưa 30.7 lễ cưới được tổ chức ở nhà gái và đôi vợ chồng trẻ sẽ ra mắt họ hàng chòm xóm ở nhà trai vào ngày 2.8. Tiếc thay, họ đã không còn thêm một cơ hội nào đứng bên nhau trong xiêm y cô dâu chú rể để nhận sự chúc phúc của mọi người.

Rơi nước mắt nhìn rạp cưới không người

Theo bà Lại Thị Lệ Hà, Chủ tịch UBND xã Mỹ Quang, cô dâu L.T.Y là con ông Lê Đức Tuân (52 tuổi). Vợ chồng ông Tuân làm nông, có 3 người con, trong đó chị L.T.Y là con giữa. Những năm gần đây, vợ ông Tuân là bà Nguyễn Thị Kiều (50 tuổi) bị đau tim và gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Mỹ Quang.

Khoảng 5 giờ sáng 30.7, nhận hung tin gia đình chú rể Nguyễn Khắc Long bị nạn tại Quảng Nam, bỏ mặc tất cả, gia đình cô dâu vội thuê xe ra Quảng Trị. Một người bác và vài người cháu họ ở lại nhà cáo lỗi với bạn bè, láng giềng.

Thay vì những lời chúc phúc hay những lời ca tiếng hát tràn ngập yêu thương, không khí tại nhà cô dâu L.T.Y đầy u ám, tang thương.

Trưa 30.7, nhiều người hàng xóm và bạn bè đến dự tiệc cưới tại nhà cô dâu mới biết được tin buồn. Nhìn rạp cưới với hàng chục mâm cổ được đặt sẵn, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Theo ông Trần Hòa, Trưởng thôn Bình Trị, cô dâu là con giữa trong số 3 người con của vợ chồng ông Lê Đức Tuân (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kiều (50 tuổi). Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, các con của ông Tuân phải sớm rời quê nhà đi làm công nhân, làm thuê khắp nơi. Ông Tuân ở nhà làm mấy sào ruộng, nuôi vịt nhưng không có vốn để đầu tư, chăm sóc nên chẳng có hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ.

“Bà Kiều bị hở 2 van tim mấy năm nay nên mất sức lao động, vào bệnh viện khám thì bác sĩ thông báo phải mổ với chi phí khoảng 200 triệu đồng nhưng gia đình đào đâu ra số tiền đó, bây giờ 10 triệu còn kiếm không ra. Hội chữ thập đỏ của địa phương đến thăm, nói chờ có chương trình nào hỗ trợ sẽ ưu tiên cho bà Kiều mổ tim nhưng chờ mấy năm nay cũng chưa có. Hoàn cảnh gia đình đó căng quá, giờ đến đám cưới lại nghe tin vậy thì ai mà không rơi nước mắt”, ông Hòa nói.

Chị Lê Thị Sinh (em gái út của cô dâu) cũng nức nở khi ngồi trên xe để cùng gia đình ra Quảng Trị viếng tang anh rể. Chị Sinh kể, khi vào Bình Định tổ chức đám hỏi, nhiều người trong gia đình anh rể Nguyễn Khắc Long nói lấy vợ quá xa. Hai gia đình cũng biết chuyện cưới xin ở xa vất vả nên rất thông cảm chuyện lễ nghĩa cho nhau.

“Trước ngày cưới, anh rể nói em xin nghỉ vài ngày để đưa chị đi làm dâu, ra nhà anh ở Quảng Trị chơi vài ngày cho biết nhà. Hôm nay là ngày vui của anh chị, em xin nghỉ ở nhà để chuẩn bị mọi thứ, em muốn mọi thứ trong đám cưới anh và chị thật lung linh, thật viên mãn…Vậy mà ai ngờ, ngày cưới của anh chị là ngày đại tang của gia đình anh”, chị Sinh nức nở..