Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù

Ngày 30/7, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án đối với 46 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định xảy ra tại 4 Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank), Sài Gòn thương tín (Sacombank), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 30/7, tại phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank), Sài Gòn thương tín (Sacombank), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đại diện VKSND đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) bị đề nghị mức án 20 năm tù. Bị cáo Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) bị đề nghị mức án 4 đến 5 năm tù.

Các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng giám đốc VNCB) bị đề nghị mức án từ 12 đến 14 năm tù. Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị từ 3 đến 4 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án từ 2 đến 5 năm tù.

Về phần trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND đề nghị thu hồi số tiền hơn 6.000 tỷ đồng là tang vật vụ án từ các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh Văn Minh

Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố đã công bố Công văn số 15 ngày 20/6/2018 của VKSND Tối cao. Theo công văn này, các yêu cầu nêu trong quyết định hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX đối với vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại 4 ngân hàng trên đã được điều tra, làm rõ.

Theo đó, đại diện VKSND cho biết, đề nghị thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho VNCB vì cho rằng, đó là vật chứng vụ án. Đồng thời, kiến nghị xem xét dòng tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của Phạm Công Danh.

Ngoài ra, theo Công văn 15, Kết luận điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố đã nêu tại Cáo trạng số 83 của VKSNDTC. Vì vậy, VKSND giữ nguyên quan điểm truy tố nêu trong cáo trạng này đối với Phạm Công Danh và 45 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng”.

 Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh Văn Minh

Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Sacombank cho rằng, dưới góc độ là một tổ chức tín dụng, các quan hệ tín dụng giữa Sacombank với các công ty đã có trước khi xảy ra vụ án và các quan hệ này cũng đã chấm dứt.

“Các giao dịch này là quan hệ dân sự nhưng nếu hình sự hóa thì ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng. Do vậy, mong HĐXX xem xét lại việc kiến nghị thu hồi số tiền liên quan đến Sacombank”, đại diện Sacombank nói.

Tương tự, hai đại diện TPBank, BIDV cho rằng về phía ngân hàng cũng đã có trao đổi với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn số 210. Tại phiên xử hôm nay thì TPBank, BIDV vẫn giữ nguyên những nội dung đã trình bày với HĐXX ở phiên tòa tháng 1/2018.

Gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2013-2014, Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Đồng thời, Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (Sacombank là 1.830 tỷ đồng, TPBank là 1.740 tỷ đồng, BIDV là 2.550 tỷ đồng).

Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh.

Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ.

Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến bị thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.