Tình yêu cổ tích của thương binh mất cả 2 chân và cô thôn nữ xinh đẹp ở Nghệ An
- 14:19 29-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thấy có khách vào thăm, ông Đinh Văn Cảnh (SN 1959), thương binh 1/4 ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) tạm thời dừng công việc, rồi bằng những cánh tay điệu nghệ, ông dùng để di chuyển đến bàn uống nước, chậm rãi rót trà mời khách.
Sinh ra trong gia đình nông thôn tại xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu), cậu bé Đinh Văn Cảnh may mắn hơn nhiều bạn bè cùng chang lứa khi được học hết THPT. Năm 1979, khi vừa tròn 20, Cảnh tình nguyện gia nhập vào lực lượng công an vũ trang.
Mặc dù cụt 2 chân nhưng ông Cảnh rất giỏi cơ khí. |
Thời điểm ông nhập ngũ cũng là lúc tình hình biên giới hai đầu đất nước đang rất nóng bỏng. Ngay khi hoàn thành khóa huấn luyện, Đinh Văn Cảnh được điều động vào bộ phận cơ khí, gia nhập đơn vị lính tình nguyện sang Campuchia làm nhiệm vụ.
Những động tác lành nghề của người thợ. |
Trong một lần đi làm nhiệm vụ, người lính trẻ đã bị dính phải mìn khiến đôi chân bị cắt đi tới đùi. Tưởng rằng không còn khả năng sống sót để trở về quê nhà nữa, nhưng may mắn là được cứu chữa kịp thời cùng với khả năng chịu đựng bền bỉ của người lính đã giúp ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
"Năm 1983, xuất ngũ trở về địa phương. Nhìn thấy đứa con khi đi lành lặn mà trở về lại trở nên tàn phế thế này nên bố mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Tuy nhiên tôi suy nghĩ giờ cứ đau khổ, buông xuôi tất cả thì mình sẽ khổ hơn và bố mẹ cũng sẻ vất vả hơn", ông Cảnh nhớ lại.
Từ hoàn cảnh của mình, ông đã chế tạo ra xe 3 bánh. |
Sau một thời gian được chuyển về Khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An, ông Cảnh đã viết đơn xin trở về địa phương và làm nghề buôn bán để tự nuôi sống mình.
Những tưởng bất hạnh đã đẩy người đàn ông này sống trong cảnh cô đơn, nhưng may mắn thay, trong một lần tình cờ đi buôn bán ở xã Diễn Phúc cách đó khoảng 1km, ông đã gặp bà Phạm Thị Lai (quê ở xã Diễn Phúc) là vợ ông bây giờ.
"Quen biết nhau đã lâu, 2 bên cũng đã có tình cảm nhưng vì tự ti nên tôi không dám ngỏ lời. Không ngờ rằng, một thời gian sau Lai chủ động tỏ tình nhưng tôi biết lấy tôi về cô ấy sẽ khổ", ông Cảnh nhớ lại.
Nhưng sau một thời gian dài tình yêu của ông bà bùng lên một cách mãnh liệt và nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Điều mà ông bà cảm thấy vui nhất là hai bên gia đình không hề phản đối. Đặc biệt, bố mẹ vợ rất thương yêu và tin tưởng người con rể.
Nhớ lại chuyện năm xưa, ông Cảnh tâm sự: "Lúc được bố mẹ vợ đồng ý cho cưới, tôi đã mừng đến rơi nước mắt. Để không phụ sự tin tưởng đó, tôi đã không ngừng phấn đấu trở thành một người chồng tốt, một người con rể ngoan hiền. Tôi thầm cảm ơn họ đã sinh cho tôi một người vợ ngoan hiền và đảm đang như vậy".
Nhờ sáng tạo của mình, ông đã giúp nhiều người thương binh có thể di chuyển được |
Với chiếc xe lăn do Nhà nước cấp cho, việc đầu tiên phải làm là bắt đầu tập làm quen với nó. Bao nhiêu khó khăn dần cũng vượt qua được, rồi dần dần từ chính chiếc xe đó đã giúp ông kiếm kế sinh nhai.
Hàng ngày ông dùng chiếc xe để đi ra chợ buôn bán, với đủ thứ nghề miễn sao có tiền để nuôi bố mẹ và các em. Đi nhiều cũng thành quen, nhưng ngồi trên chiếc xe lăn 3 bánh nhiều lúc ông thấy khá bất tiện khi xe đi phải dùng tay lắc vừa mệt mà chậm lại không thể lùi lại được, có hôm gặp mưa cũng không thể lắc đi trú mưa kịp nên bị ốm suốt.
Tình yêu của ông bà đã trở thành cổ tích và mong ước của nhiều người |
Có chút kiến thức nghề cơ khí khi đi bộ đội, cộng với ý tưởng muốn cải tiến chiếc xe lăn này thành chiếc xe 3 bánh vừa dễ đi lại mà có thể lùi, tiến được một cách dễ dàng bắt đầu hình thành trong đầu.
Sau 1 năm trời mày mò cuối cùng chiếc xe gắn máy 3 bánh do ông chế tạo có gắn hộp số lùi đã hoàn thành, khỏi phải nói là niềm vui lớn đến nhường nào. Từ sự nỗ lực vươn lên hoàn cảnh, ông Cảnh đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, được nhiều cấp ngành biểu dương, khen thưởng.
Giờ vợ chồng ông Cảnh có một cơ ngơi khang trang, 4 người con đều khôn lớn, khỏe mạnh. Hai người con gái, một đang là sinh viên ĐH Y Dược Huế, một là sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội.