Bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều em nhỏ nguy cơ không được đi học
- 07:51 28-07-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là những hoàn cảnh đáng thương của các em nhỏ tại huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Khó khăn chồng chất khó khăn...
Trường hợp của anh Hoàng Trọng Phương( 46 tuổi) ở xóm Trù, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) cách đây vài năm, do không có tiền thuê công thợ làm căn nhà nhỏ che mưa nắng, anh Phương cùng vợ con tự phụ hồ, xây trát hoàn thiện ngôi nhà của mình. Một hôm, do sơ suất, anh Phương đã bổ trên dàn giáo đập cổ xuống đất. Gia đình vốn nghèo khó, nay phải vay mượn đưa anh Phương đi điều trị tại Hà Nội.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị tổn thương dẹp 3 đốt sống cổ, liệt tứ chi và toàn thân bên dưới, sống thực vật, không còn khả năng lao động.
Từ chỗ là trụ cột kinh tế gia đình, anh Phương nằm co quắp một chỗ, mọi sinh hoạt chăm sóc chồng và lo toan kinh tế đè nặng lên đôi vai người vợ, chị Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi).
Anh Phương năm co quắp, sống thực vật trên giường. |
Được biết, vợ chồng anh Phương sinh được 3 người con, nhưng đã mất một bé do bệnh hiểm nghèo. Con trai lớn là Hoàng Văn Nam, vừa tốt nghiệp THCS, con trai thứ hai là Hoàng Văn Huy, năm này lên lớp 4. Cả hai đều ngoan ngoãn, phụ giúp mẹ chăm sóc bố và công việc gia đình. Nhưng ngặt nỗi gia đình đang gánh số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng trong mấy năm chạy chữa cho bố nên anh em Huy đối mặt với việc nghỉ học.
Huy buồn rầu tâm sự: "Cháu muốn đi học lắm, nhưng thương mẹ chăm sóc bố lại vừa lo việc đồng áng, cháu sẽ nghỉ học ở nhà chăm bố cho mẹ đỡ khổ".
Còn chị Tâm, với thân hình gầy gò, khắc khổ khẳng định vẫn sẽ cố gắng chăm sóc chồng, làm lụng để cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Dù nợ nần đến đâu cũng không để con thất học giữa chừng.
Cháu Huy chăm sóc bố sinh hoạt mỗi khi mẹ bận việc đồng áng. |
Ông Lê Viết Xường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh cho biết: “Gia đình anh Phương, chị Tâm thuộc diện rất khó khăn, chồng bị tai nạn nằm liệt giường, mất sức lao động, mọi gánh nặng đổ lên đầu chị Tâm gồng gánh. Chúng tôi lo nhất là hai đứa con phải nghỉ học giữa chừng”.
Ước mơ chỉ đơn giản là bố mẹ khỏi bệnh để kiếm tiền nuôi con đi học
Những ngày cuối tháng 7, gần hết kỳ nghỉ hè để bắt đầu cho năm học mới bé Nguyễn Thị Như Quỳnh (8 tuổi) chuẩn bị lên lớp 3 đang loay hoay bên người mẹ bệnh tật trong căn nhà nhỏ tại xóm Bình Yên, xã Nghĩa Bình.
Mẹ em Quỳnh, chị Lô Thị Hạnh( 35 tuổi) bị bệnh tan máu bẩm sinh đang cố gắng gượng vật lộn với những cơn đau của căn bệnh quái ác, chị tâm sự về hoàn cảnh bĩ cực của gia đình mình trong đôi mắt ngấn lệ.
Chị cho biết, gia đình anh em chị vốn có tiền sử di truyền mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Căn bệnh này đã làm cho kinh tế gia đình khánh kiệt, chị phải đi thăm khám và truyền máu định kỳ, mỗi lần như vậy chi phí rất tốn kém.
Chồng chị, anh Nguyễn Hồng Nga( 43 tuổi) làm nghề sửa xe máy, vốn là trụ cột kinh tế gia đình cũng bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu, năm 2104 đã quyết định phẩu thuật, nhưng sức khỏe không cải thiện được là bao.
Vừa qua, sau khi bị lên cơn co dật, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Trung ương, tưởng chị Hạnh không qua khỏi, gia đình nội nội ngoại và hàng xóm láng giềng giúp đỡ ngày công để vợ chồng chị có căn nhà nhỏ chui ra chui vô, lỡ chị mất thì có nơi để lo hậu sự. Nhiều năm liền vợ chồng đi bệnh viện chữa trị nên gánh khoản nợ hai trăm triệu đồng, chị Hạnh chỉ biết nuốt nước mắt, trách cho số phận bi đát của mình
Chị tâm sự trong nước mắt: "Nhìn con bé Quỳnh bụ bẫm là nguồn động viên, gắng gượng để chống chọi với bệnh tật, nhưng cũng lo lắng cho tương lai của con. Mong sao nó đừng bị căn bệnh di truyền quái ác từ mẹ và không phải nghỉ học giữa chừng. Tội chồng, thương con, trách cho số phận mình không may mắn".
Chị Hạnh cùng con trong căn nhà đơn sơ, không vật dụng gì có giá trị cao. |
Khi được hỏi Quỳnh có ước mơ gì lúc này, cháu nhanh nhẹn đáp: “Cháu chỉ mong bố mẹ nhanh khỏi bệnh để đi làm lấy tiền cho cháu ăn học. Bố mẹ cháu hay bảo, cháu phải cố gắng học thật giỏi sau này kiếm tiền chữa bệnh cho bố mẹ, nhưng mà nếu không có tiền đóng học nữa nhà trường sẽ đuổi học phải không chú? Cháu sợ phải nghỉ học lắm chú ạ". Câu nói ngây ngô, trong sáng của đứa trẻ khiến người lớn phải rơi lệ.
Ông Nguyễn Văn Lan, xóm trưởng xóm Bình Yên cho biết: "Hoàn cảnh gia đình chị Hạnh rất đáng thương, xóm cũng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ ít tiền và ngày công làm căn nhà tạm cho gia đình chị có chỗ sinh hoạt. Mong rằng anh chị bệnh tình thuyên giảm để nuôi cháu nhỏ ăn học đến nơi đến chốn".
Bố mẹ bệnh tật hiểm nghèo, khó khăn kinh tế chồng chất nên điều lo lắng nhất lúc này là các cháu còn quá nhỏ, còn phải học hành và cả một tương lai dài phía trước.
Sau khi chia tay gia đình chị Hạnh và gia đình anh Phương, chúng tôi nghĩ lại ước mơ của bé Quỳnh chỉ đơn giản là đến trường đi học như các bạn cùng trang lứa khác.
Mong rằng nhiều vòng tay nhân ái dang rộng vòng tay giúp bố mẹ các cháu thuyên giảm bệnh tật để các em có điều kiện đến trường cùng bạn bè trang lứa.